Một thế kỷ di chỉ văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh
Những nền văn minh, văn hóa trên thế giới đều xuất phát từ lưu vực những con sông. Không ngoại lệ, văn hóa Đông Sơn - một nền văn hóa phát triển rực rỡ và đạt đến đỉnh cao của văn hóa – văn minh người Việt cổ cũng được hình thành và phát triển bên những lưu vực sông. Trong đó, lưu vực sông Mã – Thanh Hóa là một trong những “nhân tố” đặc trưng góp phần tạo nên sự phát triển đỉnh cao ấy.
Trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Thanh Hóa.
Trong quá trình nghiên cứu về nền văn hóa Đông Sơn, nhiều ý kiến đều khẳng định văn hóa Đông Sơn có vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc và là nền tảng đối với sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ. Nền văn hóa rực rỡ ấy càng được khẳng định rõ vai trò trong dòng chảy văn hóa Việt khi di chỉ văn hóa Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu.
Vào khoảng năm 1924, một nông dân làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), đi câu dọc bờ sông Mã đã tình cờ phát hiện một số đồ đồng dưới lòng đất lộ ra do sạt lở đất. Những đồ vật đồng ấy đã được một người Pháp tên là L.Pajot mua lại. Sau đó, sự việc được báo lên Trường Viễn đông Bác Cổ và Pajot được ủy nhiệm tiến hành khai quật ở Đông Sơn. Những cổ vật đã tìm thấy được công bố vào năm 1929 đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của nhiều học giả đương thời. Nhiều học giả đã xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một nền văn hóa riêng biệt. Đặc biệt, năm 1933, học giả người Áo là R.Heine – Geldern đề nghị đặt tên nền văn hóa đồ đồng là văn hóa Đông Sơn. Kể từ đó, thuật ngữ văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ - mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang.
Khi nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc phát triển từ nội tại và sức sống, sự lan tỏa, sự hội nhập của văn hóa Đông Sơn ra thế giới, ra khu vực Đông Nam Á là sự thật hiển nhiên không thể chối bỏ. Đồng thời, lịch sử nghiên cứu về sự ra đời, đặc trưng và giá trị của văn hóa Đông Sơn đã khẳng định Thanh Hóa là nơi đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn. Và, đây cũng là nơi phát hiện được nhiều di chỉ, di tích văn hóa Đông Sơn với số lượng và loại hình hiện vật di chỉ, di tích nhiều nhất. Qua các cuộc khai quật, đến nay đã phát hiện hơn 120 di tích, gồm các di tích khảo cổ tiêu biểu như: di chỉ cư trú, di tích mộ táng; di tích xưởng, di chỉ - di tích cư trú - xưởng... thuộc văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã với niên đại và tính chất khác nhau.
Làng cổ Đông Sơn - nơi phát hiện những di chỉ văn hóa Đông Sơn đầu tiên.
Trên hành trình tìm lại dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, dừng chân tại ngôi làng cổ Đông Sơn để được thả hồn vào không gian văn hóa của làng quê Việt. Làng cổ Đông Sơn thanh bình, yên ả nằm nép mình bên dòng sông Mã và những ngọn núi đồi hùng vĩ cùng cây cầu Hàm Rồng chứng nhân lịch sử. Làng cổ Đông Sơn đã trở thành một biểu tượng tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn, nơi còn lưu nhiều dấu vết của văn hóa Đông Sơn. Đến nay, làng đã được quy hoạch, bảo tồn (thuộc tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng) nhằm làm sống lại các giá trị của di tích, góp phần giáo dục, truyền bá trong và ngoài nước về một trong những cái nôi của người Việt cổ.
Ngoài làng cổ Đông Sơn, trên đất Thanh Hóa có nhiều địa danh gắn với văn hóa Đông Sơn, như Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), Đồng Ngầm (Đông Sơn); Quỳ Chử, Cồn Cáo (xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa), huyện Thọ Xuân... Đặc biệt, tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang trưng bày một hệ thống di vật đa dạng, phong phú về nền văn hóa Đông Sơn như trống đồng, vũ khí, dụng cụ lao động, đồ dùng của cư dân văn hóa Đông Sơn. Nổi bật trong đó là trống đồng – di sản tiêu biểu không chỉ của văn hóa xứ Thanh mà đó còn là kiệt tác thể hiện tài năng và đỉnh cao trí tuệ của cư dân văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, còn có kiệt tác kiếm chuôi hình người phụ nữ phát hiện ở núi Nưa – tác phẩm đã khẳng định trình độ luyện kim đạt đến độ tinh xảo, nghệ thuật của chủ nhân văn hóa Đông Sơn.
Từ những loại hình di chỉ, di tích được tìm thấy liên quan đến văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một cuộc sống phong phú cả về vật chất và tinh thần của cư dân Thanh Hóa thời kỳ Đông Sơn. Và, hơn thế là khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn trên đất Việt Nam, thậm chí cả khu vực Đông Nam Á. Những di tích, hiện vật được tìm thấy đã và đang trở thành những tài sản vô giá, những tư liệu văn hóa vật chất cần thiết để minh chứng cho sự phát triển liên tục không đứt quãng của nền văn hóa Đông Sơn và cũng là sự khẳng định sức sống dẻo dai, bền bỉ của văn hóa Việt trong quá trình diễn biến văn hóa cũng như quá trình đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa Đông Sơn trước sự xâm lăng, đồng hóa văn hóa.
Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn “Địa chí Thanh Hóa tập II”, “Tham luận Hội thảo khoa học kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn”.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-02-12 13:58:00
Trẩy hội Đền Nưa - Am Tiên
[E-Magazine] – Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Trong hương xuân thơm nồng
Cáp treo Fansipan mở cửa trở lại từ 8/2 cùng chuỗi lễ hội rộn ràng đón xuân
[Podcast] Truyện ngắn: Xuân về bên sườn đồi
Cà kê chuyện rồng
Nét đẹp tục xông đất và hái lộc đầu xuân
Hot trend đón Tết của Gen Z
Thư viện tỉnh Thanh Hóa: Đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc
Mùng 1 Tết cha