Lung linh miền di sản
Xứ Thanh nổi danh là “cái nôi di sản” của đất nước. Bởi, mỗi di tích, lễ hội, hay mỗi vùng đất nơi đây đều là những nhân chứng sống động cho sự hình thành và phát triển của quê hương, đất nước.
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mảnh đất xứ Thanh đã kết tụ và chắt lọc nên một kho tàng di sản phong phú, độc đáo vừa có tính riêng, vừa có tính đại diện cho văn hóa dân tộc. Xét ở chiều rộng hay chiều sâu thì văn hóa xứ Thanh đều xứng đáng là một đại diện tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.
Xứ Thanh có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 856 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia; 711 di tích cấp tỉnh. Đồng thời, Thanh Hóa có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn, giàu giá trị với hàng trăm lễ hội, lễ tục, các trò chơi, trò diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống... Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng trong năm 2023, có 7 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Đền thờ Bà Triệu, lễ hội truyền thống Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, lễ hội truyền thống Lễ hội Mường Khô, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường...
Với một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú đa dạng ấy, chắc chắn xứ Thanh sẽ làm say lòng nhiều du khách khi đến khám phá “miền di sản”, đặc biệt là lúc vào xuân. Bắt đầu từ TP Thanh Hóa - “trái tim” của “miền di sản”, du khách sẽ được đắm mình trong thắng tích Hàm Rồng. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là chứng nhân lịch sử gắn với bao chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc kháng chiến cứu nước giải phóng dân tộc; mà còn hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú được tạo nên từ sông núi, hang động, ruộng đồng, xóm làng. Trong bức tranh sơn thủy hữu tình ấy, làng cổ Đông Sơn hiện hữu như một nét điểm xuyết độc đáo, mang đậm dấu ấn truyền thống và văn hóa xứ Thanh.
Từ “trái tim” của “miền di sản”, tìm về mảnh đất “căn bản làng vua”, trong khí trời xuân – thời điểm hội tụ tinh hoa đất trời, cùng không gian linh thiêng, bề thế của Lam Kinh, du khách như được tìm về với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc để càng tự hào hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân. Lam Kinh là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Lê, nơi an nghỉ nghìn thu của tổ tiên và các vua, thái hậu nhà Lê. Sải bước qua cầu Bạch bắc ngang sông Ngọc, du khách sẽ được hòa mình vào khối kiến trúc xanh đồ sộ, đa tầng “ôm trọn” khối kiến trúc gỗ hoành tránh, bề thế trang nghiêm, trầm mặc của hệ thống đền đài, lăng tẩm của nhà Lê.
Về với Lam Kinh, du khách không những được tham quan, chiêm bái tại Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh mà còn được tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nơi đây – trò Xuân Phả. Trò Xuân Phả được ví như viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trò Xuân Phả là sự tổng hòa giữa yếu tố cung đình và yếu tố dân gian; sự hài hòa giữa các yếu tố âm nhạc, múa hát cùng những chiếc mặt nạ kỳ dị, biểu đạt nhiều sắc thái cảm xúc, tộc người hay tuổi tác. Tất cả sự độc đáo, đặc biệt ấy đã được người dân bảo tồn và phát huy giá trị trở thành một báu vật, một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không chỉ có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đến Thanh Hóa, du khách còn biết đến nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng nghề chế tác đá núi Nhồi (TP Thanh Hóa), nghề làm chiếu cói (huyện Nga Sơn), nghề Mộc Đạt Tài (huyện Hoằng Hóa), nghề dệt nhiễu Hồng Đô, nghề đúc đồng Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), nghề dệt thổ cẩm (huyện Ngọc Lặc). Và, nhiều đặc sản nổi tiếng mà kẻ gần, người xa đều phải trầm trồ khen ngợi như, quế Thường Xuân, chè Lam Phủ Quảng, mía Kim Tân, bánh gai Tứ Trụ...
Có thể thấy, kho tàng di sản văn hóa mà hậu thế đang được thừa hưởng chính là “món quà” vô giá mà cha ông bao đời nay đã dày công dựng xây, vun đắp. Để rồi hôm nay trong xu thế phát triển, hội nhập những “món quà” vô giá ấy trở thành những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của “miền di sản” xứ Thanh; trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện và vững chắc.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2025-01-15 09:31:00
Nhiều kênh truyền hình dừng phát sóng kể từ ngày hôm nay
-
2025-01-14 13:56:00
Báo chí chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại quan trọng năm 2025
-
2024-02-12 15:03:00
Xúc tiến, quảng bá - tiền đề cho du lịch “cất cánh”
Một thế kỷ di chỉ văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh
Trẩy hội Đền Nưa - Am Tiên
[E-Magazine] – Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Trong hương xuân thơm nồng
Cáp treo Fansipan mở cửa trở lại từ 8/2 cùng chuỗi lễ hội rộn ràng đón xuân
[Podcast] Truyện ngắn: Xuân về bên sườn đồi
Cà kê chuyện rồng
Nét đẹp tục xông đất và hái lộc đầu xuân
Hot trend đón Tết của Gen Z