Phòng, chống tệ nạn mại dâm: Còn nhiều khó khăn, thách thức
Công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm luôn được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây hoạt động mại dâm có chiều hướng gia tăng, lây lan đến các vùng miền, kể cả nông thôn và miền núi.
Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống TNXH tổ chức tại Trường THPT Thạch Thành 4 thu hút đông đảo học sinh, giáo viên tham gia.
Tiềm ẩn nhiều phức tạp
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4.169 cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm, bao gồm: 1.717 cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê; 1 vũ trường, 539 cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở tẩm quất - massage và 1.912 cơ sở kinh doanh khác. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 6/27 huyện, thị xã, thành phố xác định có địa bàn trọng điểm phức tạp về mại dâm, đó là TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, các đối tượng chủ chứa, môi giới, gái mại dâm ngày càng dùng nhiều thủ đoạn, hoạt động ngày càng tinh vi. Đơn cử như chủ chứa, chủ nhà nghỉ không trực tiếp nuôi, quản lý gái mại dâm mà thường giấu mặt điều hành gái bán dâm qua điện thoại; các đối tượng môi giới gái bán dâm thường để lại số điện thoại liên lạc cho chủ nhà nghỉ, khách sạn, nhân viên lễ tân, bảo vệ để liên hệ khi khách có nhu cầu. Mặt khác, đối tượng mua, bán dâm sử dụng các website, dịch vụ trực tuyến, mạng xã hội để đăng ảnh gợi cảm, làm quen, “chát sex” tìm đối tác mua, bán dâm; tự móc nối, giới thiệu khách cho nhau qua điện thoại. Điều đó đã gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý các đối tượng của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, việc triển khai lồng ghép chương trình phòng, chống mại dâm (PCMD) với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều, thiếu linh hoạt. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng và triển khai được mô hình thí điểm về PCMD. Đồng thời việc quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, massage... còn lỏng lẻo và có nhiều sơ hở. Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, PCMD tình hình mới.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 6/2/2024 về PCMD năm 2024; Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 30/1/2024 về việc kiểm tra liên ngành PCMD và kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Bám sát kế hoạch của tỉnh, các sở, ngành, cơ quan liên quan và địa phương đã tăng cường công tác PCMD, không để xảy ra tình trạng phức tạp về tệ nạn mại dâm tại các địa bàn dân cư. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCMD, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội cùng vào cuộc phòng, chống tệ nạn này. Bên cạnh đó, căn cứ hướng dẫn xác định địa bàn trọng điểm phức tạp về mại dâm của Cục C02 (Bộ Công an), Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm giảm tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Trọng tâm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về PCMD. Trong 6 tháng đầu năm, đoàn kiểm tra liên ngành PCMD cấp huyện đã tổ chức kiểm tra tại 606 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Lực lượng công an các cấp đã xử lý 4 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 21 đối tượng là chủ chứa, môi giới mại dâm, gái bán dâm, người mua dâm, được quần chúng Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Giải pháp căn cơ
Để công tác PCMD có hiệu quả, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS; các kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác PCMD. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng. Trong đó, tập trung tuyên truyền ở các trường THPT và các khu công nghiệp để mọi người tích cực tham gia PCMD; không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc.
Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hoạt động mại dâm là tăng cường công tác an ninh trật tự; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức mại dâm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về PCMD, gắn với điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, ổ, nhóm liên quan đến hoạt động mại dâm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm thông qua lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị, từ đó, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Bài và ảnh: Mai Phương
{name} - {time}
-
2024-12-15 22:10:00
Human Act Prize 2024: Kết nối nguồn lực, lan tỏa cảm hứng, kiến tạo cộng đồng
-
2024-12-15 18:56:00
Tất bật ở “thủ phủ’ đào phai hoa kép xứ Thanh
-
2024-08-03 20:25:00
Trễ "giấc mơ hưu”
“Lực lượng tiên phong” của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Bài cuối): Những chuyển biến rõ nét
Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho cựu Thanh niên xung phong đặc biệt khó khăn
Hội LHPN các cấp tham gia xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa
Phát động cuộc thi thiết kế logo “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”
[Infographics] - Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online
Thành Lâm: Nơi đất, núi chuyển mình
Lễ Quốc khánh năm 2024: Công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 4 ngày
“Lực lượng tiên phong” của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Bài 2): Phát huy vai trò của cấp ủy
Hai chiến sỹ Cảnh sát PCCC hiến máu giúp cụ bà qua cơn nguy kịch