Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững và có trách nhiệm
Ngày 11/4, tại TP Thanh Hóa, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững và có trách nhiệm. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Hiện nay cả nước có hơn 82.000 tàu cá và 2.000 cơ sở chế biến; 78 cảng cá, 80 khu neo đậu. Nghề khai thác thủy sản đã và đang tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động; tăng trưởng trung bình 3%/năm, giai đoạn 2010-2024; đóng góp 10% GDP ngành nông nghiệp; sản lượng khai thác đứng thứ 7 thế giới. Tuy nhiên, ngành thủy sản hiện nay còn một số tồn tại chủ yếu như: Nguồn lợi khai thác thủy sản giảm; tình trạng khai thác quá mức, hiệu quả kinh tế thấp; hoạt động khai thác bất hợp pháp phổ biến; hạ tầng dịch vụ hậu nghề cá còn yếu kém; sản xuất manh mún, tự phát, thiếu chuỗi liên kết. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi; trình độ khai thác lạc hậu; đầu tư phát triển hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực còn hạn chế; khai thác thiếu trách nhiệm, tận diệt...
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá tại các địa phương trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp; một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình đã thất bại sau một thời gian triển khai thí điểm. Nguyên nhân chủ yếu là phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế chính sách của từng địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ triển khai còn chậm như: Bến Tre, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nghệ An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhiệt liệt chào mừng đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, ngành NN&MT các tỉnh tham dự hội nghị. Đồng thời khái quát tình hình kinh tế và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng. Trong lĩnh vực thủy sản, Thanh Hóa hiện có tổng số tàu cá là 6.613 chiếc, đứng đầu khu vực miền Bắc, đứng thứ 12 cả nước; có 8 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa hơn 2.000 tàu cá phục vụ cho tàu cá cập cảng, neo đậu tránh trú bão; có 28 cơ sở đóng, sửa tàu cá; có 80 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản; lao động nghề cá khoảng 44.000 người; sản lượng thủy sản năm 2024 đạt 219.702 tấn; tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản đạt 6,6%, giá trị sản xuất đạt 14.512 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: Để phát triển ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc Bộ NN&MT tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững và có trách nhiệm là rất cần thiết trong thời điểm này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngư dân sẽ có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh để đưa ngành thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay.
Đại biểu thảo luận phân tích thuận lợi, khó khăn của việc khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm hiện nay.
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 với các chỉ tiêu cụ thể như: Tăng trưởng giá trị ngành từ 3-4%/năm, sản lượng khai thác 2,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, Bộ NN&MT đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển triển thủy sản hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm. Chú trọng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình, đề án thực hiện chiến lược theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việc khai thác thủy sản phải gắn với chống IUU, trong đó chú trọng việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thiết bị giám sát hành trình; truy suất nguồn gốc sản phẩm... Đồng thời, tập trung rà soát lại cơ cấu đội tàu, cơ cấu nghề khai thác, tập trung nâng cao trang thiết bị, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; quan tâm hơn tới việc đào tạo nghề cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU.
Đồng chí đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền để thúc đẩy cắt giảm khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, triển khai thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc phạm vi quản lý, tổ chức quản lý khu bảo tồn biển sau khi thành lập gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các khu bảo tồn biển hoạt động có hiệu quả cả về nhân lực, tài chính, hạ tầng, trang thiết bị. Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các sinh kế khác phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện đào tạo, tập huấn nghề nghiệp cho ngư dân, kỹ năng quản lý bảo tồn biển, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn và lao động tay nghề cao cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Khánh Phương
{name} - {time}
-
2025-04-13 15:59:00
Thủ tướng: Hoàn thiện thể chế, giải phóng toàn bộ sức sản xuất của đất nước
-
2025-04-13 15:31:00
Bế mạc Giải Pickleball trong chương trình Đại hội TDTT tỉnh lần thứ X
-
2025-04-11 09:46:00
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Điểm nóng 11/4: Tổng Bí thư: Không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động thường ngày của nhân dân
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 11/4/2025
Mở ra “cánh cửa thép” trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Hội nghị Trung ương 11: Bước ngoặt tinh gọn bộ máy
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 11/4
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 11/4/2025
Thủ tướng: Xúc tiến đàm phán với Hoa Kỳ đặt trong tổng thể các mối quan hệ
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 10/4/2025
Ông Trương Hòa Bình bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng