(Baothanhhoa.vn) - Xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Chính vì vậy, trong thời gian qua các cấp, ngành và Nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa thông qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa

Xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Chính vì vậy, trong thời gian qua các cấp, ngành và Nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa thông qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóaCông viên thôn Nội Tý, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Về Hoằng Hóa những ngày đầu năm 2023, những con đường bê tông phong quang, sạch đẹp được tô thắm bởi cờ đỏ sao vàng, hai bên đường rực rỡ sắc màu của các loài hoa. Những năm qua, để tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động sức dân cùng vào cuộc, nhất là trong việc thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 17-9-2019 của UBND huyện Hoằng Hóa về chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2019-2025. Từ khi thực hiện đến nay không chỉ cảnh quan, môi trường, diện mạo làng quê trên địa bàn huyện ngày càng xanh, sạch, đẹp, mà đời sống của người dân cũng thay đổi rõ rệt. Toàn huyện đã trồng được 228,61 km đường hoa, viền cây và gần 2.000 cây bóng mát, gần 4.000 m2 tường rào được quét vôi ve, vẽ được 924 bức tranh bích họa. Một số xã đang đầu tư xây dựng công viên làm nơi vui chơi giải trí cho người dân như các xã: Hoằng Xuân, Hoằng Trinh, Hoằng Đồng... Các xã cũng tập trung vận động Nhân dân chỉnh trang vườn hộ sạch đẹp, sau đó từng bước vẽ sơ đồ quy hoạch, đầu tư cây trồng, lối đi, hệ thống tưới, chăm sóc để xây dựng vườn mẫu. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 138 vườn đạt chuẩn mẫu, một số vườn có cảnh quan đẹp, hài hòa, khoa học có giá trị kinh tế cao, như vườn hộ của gia đình các ông: Lương Đức Vượng, Nguyễn Xuân Miên ở xã Hoằng Xuân; Tô Văn Tước ở xã Hoằng Phượng; Lê Đức Huy ở Hoằng Trạch... Việc gìn giữ “không gian xanh” trên địa bàn huyện đã góp phần kiến tạo nên diện mạo của một vùng quê đáng sống vừa đẹp, lại vừa gần gũi, thân thuộc với người dân.

Ngoài ra, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia và đạt hiệu quả cao. Theo kết quả bình xét năm 2022 toàn huyện có 236/243 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, có 51.494/ 61.950 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Từ việc thực hiện phong trào, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên, nhất là trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh - trật tự ở địa phương... Qua đó, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú ở khu dân cư và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

Tại huyện Nông Cống, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Nổi bật là việc xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đến việc giữ gìn cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm... Năm 2022, toàn huyện đã có 88% gia đình đạt danh hiệu văn hóa 10 năm liên tục; 87% làng, thôn, tiểu khu văn hóa. Việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được huyện quan tâm thực hiện. Các địa phương đã xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu; tình trạng ăn uống linh đình giảm nhiều so với những năm trước. Các lễ hội truyền thống được tổ chức đúng quy định; nhiều trò chơi, trò diễn, văn nghệ dân gian được gìn giữ và duy trì trong các dịp lễ, tết... thu hút được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia.

Xác định việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì thế trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm triển khai thực hiện thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực và nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân như các cấp hội phụ nữ với phong trào chung sức bảo vệ môi trường, “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; hội người cao tuổi phát huy tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí để đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đoàn thanh niên với phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”... Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đạt nhiều kết quả tích cực, có tác động đến việc hình thành nên nếp sống văn hóa. Theo số liệu thống kê, năm 2022 toàn tỉnh có 737.525/957.825 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 3.311/4.357 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa; 375/469 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng đa dạng, phong phú, mạng lưới thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ từ nhà văn hóa đến hệ thống sân chơi bãi tập... Nếp sống văn hóa, văn minh được củng cố và bồi đắp, các hủ tục trong việc cưới, việc tang dần bị xóa bỏ...

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, một trong các giải pháp được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm là nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của môi trường văn hóa trong đời sống xã hội. Quan tâm đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]