Nông dân Lê Văn Bình làm giàu trên đồng đất trũng
Những năm gần đây phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi của TP Thanh Hóa đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân có những cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng mô hình SXKD cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố. Anh Lê Văn Bình ở tổ dân phố 7, phường Đông Cương là điển hình như thế.
Anh Lê Văn Bình chăm sóc vườn cây ăn quả.
Chúng tôi về phường Đông Cương đúng vào dịp người dân nơi đây đang tất bật bước vào vụ sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết Giáp Thìn năm 2024. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Hữu Hồng, chúng tôi đến khu vườn mẫu của anh Bình ở xứ đồng Ngát. Được “mục sở thị” và ấn tượng trong chúng tôi không chỉ đến từ vườn cây ăn quả xanh tốt, mà còn là những ao nuôi ốc nhồi được quy hoạch khoa học. Điều đó minh chứng cho sự thay đổi về tư duy sản xuất và sự hiểu biết trong canh nông của anh Bình.
Giống nhiều thanh niên trên đất Hạc Thành, năm 1994 anh Bình lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về quê hương để lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn nên anh đã phải bươn chải để phụ giúp cho gia đình. Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, lại thêm niềm đam mê nông nghiệp nên anh Bình luôn ấp ủ ước mơ làm giàu từ đồng ruộng.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng năng suất, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, năm 1999 Đảng ủy phường Đông Cương ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm bắt cơ hội, anh đã bàn bạc với người thân trong gia đình và quyết định đăng ký với phường chuyển 3.500m2 đất trồng lúa kém hiệu quả tại xứ đồng Ngạt để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng.
Anh Bình chia sẻ: “Đây là vùng thấp trũng, hay bị ngập úng, chỉ trồng được 1 lúa, nhưng năng suất rất thấp. Ngay khi được phường đồng ý, tôi đã bắt tay vào cải tạo đồng đất chuyển sang trồng ổi tứ quý, táo Gia Lộc và nuôi ốc nhồi, vừa để thỏa niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, vừa giải quyết bài toán kinh tế cho gia đình”.
Để có thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp, người nông dân không chỉ cần cù, siêng năng mà còn phải có kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Thiếu những điều cơ bản ấy nên những năm đầu mô hình vườn- ao - chuồng của anh Bình hiệu quả kinh tế chưa cao. Quyết tâm gắn bó với đồng đất và làm giàu từ đồng đất, anh đã tìm đến bạn bè có mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời qua sách, báo và tham gia các chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để trang bị những kiến thức cần thiết về sản xuất nông nghiệp. “Áp dụng kiến thức đã học vào thực tế thì năng suất cây trồng và sản lượng vật nuôi được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước, kinh tế gia đình dần ổn định”, anh Bình cho biết.
Thấy thu nhập tốt, gia đình tiếp tục chuyển đổi và mở rộng diện tích sản xuất lên gần 7.000m2, đưa thêm cây thanh long, bưởi vào trồng, kết hợp mở rộng ao nuôi ốc nhồi, các loại cá. Với cách làm khoa học, anh đã quy hoạch thành vườn mẫu với các phân khu khác nhau. Trong đó, khu ao nuôi cá, ốc nhồi rộng khoảng 2.500m2; khu trồng ổi tứ quý hơn 3.000m2; khu trồng thanh long 500m2; khu trồng bưởi gần 500m2. Diện tích đất còn lại của khu vườn anh chăn nuôi lợn thịt. Mỗi năm gia đình xuất bán hơn 15 tấn ổi tứ quý; 2,5 tấn thanh long; 4 tấn buởi; 1,2 tấn cá; 4,5 tấn ốc nhồi thịt; 2 tấn lợn hơi và khoảng 800.000 con ốc nhồi giống. Hàng năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu lãi trên 900 triệu đồng.
Nhận xét về anh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nguyễn Hữu Hồng cho biết: Trong những năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi của phường Đông Cương đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tác động tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có được kết quả ấy, mỗi cán bộ, hội viên nông dân của phường là “hạt nhân” trong việc tổ chức, hướng dẫn phát động và xây dựng phong trào thi đua SXKD giỏi. Anh Bình là một trong những “hạt nhân” tích cực, điển hình sản xuất giỏi để các hội viên nông dân, thanh niên trong phường học tập, làm theo.
Bài và ảnh: Trần Thanh
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2023-12-11 23:46:00
Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cay
Gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi
Tỏa sáng giữa đời thường
Nữ bưu tá vùng cao tận tụy với nghề
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tận tụy với công việc tập thể
Nữ kỹ sư nông nghiệp đam mê nghiên cứu khoa học
Nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn tận tụy
“Vua đồi” đất Bỉm Sơn
Thu nhập cao từ nuôi con “đặc sản”
Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”