Tỏa sáng giữa đời thường
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ và dám làm, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thế Hường đã trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của Hội CCB huyện Hoằng Hóa.
CCB Nguyễn Thế Hường thu gom trứng gà.
CCB Nguyễn Thế Hường sinh và lớn lên ở xã Hoằng Trinh. Năm 1972, khi đất nước bước vào giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với sức trẻ và khát vọng cống hiến, chàng thanh niên Nguyễn Thế Hường lên đường nhập ngũ vào đơn vị công binh. Sau một thời gian huấn luyện, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ quan trọng là mở đường phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc giành thắng lợi, thanh niên Nguyễn Thế Hường quay trở ra Bắc tiếp tục làm kinh tế tại Sư đoàn 473. Đến năm 1991, anh phục viên và trở về sinh sống tại địa phương.
Giữ vững nhiệt huyết của người lính, CCB Nguyễn Thế Hường bắt tay ngay vào phát triển kinh tế gia đình. Bám vào cái gốc rễ từ nông nghiệp mà cha ông để lại, CCB Nguyễn Thế Hường chọn đầu tư vào nông nghiệp và mua máy làm đất, máy vò lúa phục vụ bà con nông dân. Thời kỳ đầu làm ăn khá ổn định, dần dần số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp trong xã tăng lên, thu nhập giảm đi nên ông chuyển sang mua máy khai thác vật liệu xây dựng.
Sau 10 năm lăn lộn làm kinh tế, có vốn tích lũy, năm 2002 CCB Nguyễn Thế Hường quyết định bỏ nghề khai thác vật liệu xây dựng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi ngan, gà, vịt sinh sản. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, ông sớm chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc. Vì thế, thời kỳ cao điểm, gia đình ông nuôi tới 5.000 con ngan, gà, vịt sinh sản, và ông trở thành một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn của địa phương. Năm 2007, nhận thấy nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của bà con nông dân khá lớn, ông mở thêm đại lý thức ăn chăn nuôi để cung ứng cho bà con nông dân. Đến nay, thị trường thức ăn chăn nuôi mà ông cung cấp đã vươn ra nhiều huyện trong tỉnh.
Với bản lĩnh của người lính không ngại khó, không ngại khổ, CCB Nguyễn Thế Hường luôn ra sức phấn đấu, thường xuyên học hỏi để vươn lên làm giàu. Sau 8 năm nuôi ngan, gà, vịt sinh sản, ông lại tìm hướng đi mới cho mình. Năm 2010, tìm hiểu thị trường có nhu cầu tiêu thụ chim bồ câu rất tiềm năng nhưng lại chưa được nhiều người nuôi theo quy mô lớn, ông mạnh dạn chuyển sang “làm bạn” với loài chim này. Ở thời điểm ấy, nuôi chim bồ câu là mô hình mới mẻ và lạ lẫm, để tránh thất bại và cụt vốn, ông chỉ mua 150 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi thử nghiệm. Sau quá trình thử nghiệm, thấy bồ câu dễ nuôi, nhanh lớn, ít rủi ro, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng với kinh nghiệm ngày càng dày dặn nên ông mở rộng quy mô. Năm 2018, CCB Nguyễn Thế Hường nuôi tới 5.000 cặp chim sinh sản. Để chim không bị dịch bệnh, chuồng nuôi được ông đầu tư kiên cố, hằng ngày ngoài cho ăn vào các giờ cố định, ông và những người làm dọn vệ sinh chuồng nuôi, cho chim uống
vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa, thuốc giải độc gan, giúp đàn chim luôn khỏe mạnh và ít bị dịch bệnh. Nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con không cao, ông Hường đã sáng tạo khi sử dụng máy ấp trứng để nhân giống, vừa giúp trứng nở nhanh, tỷ lệ nở đạt cao hơn nhiều.
Nuôi chim bồ câu Pháp là thời kỳ “hoàng kim” nhất với ông Hường, bởi có những năm ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thế nhưng, việc làm ăn với ông không phải lúc nào cũng dễ dàng. Năm 2020 dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc nuôi chim bồ câu bị ảnh hưởng lớn do thị trường tiêu thụ giảm đáng kể. Vượt lên những khó khăn, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, CCB Nguyễn Thế Hường không nản chí, mà tiếp tục tìm hướng đi khác. Năm 2021, từ 5.000 cặp chim bồ câu, ông cắt giảm chỉ nuôi 1.000 cặp và chuyển sang nuôi 1.500 con gà siêu trứng và duy trì cho đến nay. Là người luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, ông mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hồ câu cá giải trí rộng hơn 1,2 ha.
Chia sẻ về lựa chọn này, CCB Nguyễn Thế Hường cho biết: “Ngoài thời gian làm việc kiếm sống, nhiều người thích đi câu cá để giải tỏa áp lực. Ngày nay thú vui này đã được nâng tầm thành môn thể thao giải trí thu hút rất nhiều người tham gia. Với diện tích lớn, hồ câu cá của tôi thường xuyên được Câu lạc bộ câu cá thể thao Thanh Hóa chọn là nơi tổ chức các giải đấu, thu hút 120 - 140 “cần thủ” từ nhiều tỉnh, thành về tham gia”.
Ở tuổi “xế chiều”, dù có cuộc sống dư giả nhưng CCB Nguyễn Thế Hường chưa lúc nào ngừng đam mê với công việc. Hiện nay, ngoài chăn nuôi, khu vườn của gia đình ông còn được phủ kín bởi 200 gốc cau cùng 3 sào cây đinh lăng. Ngoài ra, ông còn tham gia Hội Doanh nhân CCB huyện Hoằng Hóa và là thành viên Ban quản trị HTX con giống và nông sản sạch Hoằng Trinh. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn hội viên và nông dân trong xã kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập. Sự năng động, nhạy bén trong phát triển các mô hình kinh tế đã giúp gia đình ông sau khi trừ chi phí thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
“Với tôi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng không chỉ là đòi hỏi của cuộc sống mà còn là danh dự, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới. Vì thế, còn sức lực thì tôi vẫn sẽ lao động để xây dựng đời sống khá giả và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương”, CCB Nguyễn Thế Hường chia sẻ.
Bài và ảnh: Tố Phương
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:42:00
“Thắp ánh sáng” cho học sinh khiếm thị
-
2024-11-23 11:02:00
Nữ phó hiệu trưởng gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2023-12-09 14:47:00
Nữ bưu tá vùng cao tận tụy với nghề
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, tận tụy với công việc tập thể
Nữ kỹ sư nông nghiệp đam mê nghiên cứu khoa học
Nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn tận tụy
“Vua đồi” đất Bỉm Sơn
Thu nhập cao từ nuôi con “đặc sản”
Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”
Cựu chiến binh Hoằng Hóa giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Khen thưởng 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chủ tịch ủy ban MTTQ xã gương mẫu, trách nhiệm