Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài cuối): Sẵn sàng tâm thế “chạy nước rút”
Năm 2024 đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2020-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Do đó, việc đạt cho được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng còn lại của năm 2024, phải trở thành nhiệm vụ chính trị lớn nhất và đòi hỏi tâm thế sẵn sàng “chạy nước rút” cao nhất của mọi cấp, ngành, địa phương, đơn vị.
Trung tâm điều hành Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Khu Kinh tế Nghi Sơn). Ảnh: Khôi Nguyên
Triển vọng và thách thức
Những con số tăng trưởng kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024, không thể phủ nhận, đã mang lại nhiều sự kỳ vọng về một năm “bội thu” cho Thanh Hóa. Đặc biệt, “soi” vào 27 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, đã được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 1/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, càng cho thấy triển vọng 3 tháng cuối năm là rất khả quan.
Theo đó, trong 26 chỉ tiêu được đưa ra xem xét, đánh giá (còn 1 chỉ tiêu chưa đánh giá, đó là tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ), thì có 9 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch (gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024; giá trị xuất khẩu; tổng huy động vốn đầu tư phát triển; thu ngân sách Nhà nước; xây dựng nông thôn mới; thành lập mới doanh nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; số đảng viên kết nạp mới). Có 15 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch (gồm: Tổng sản lượng lương thực có hạt; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ đô thị hóa; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tốc độ tăng dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo; số bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ xã, phường, thị trấn, đạt tiêu chí an toàn về an ninh trật tự). Có 2 chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành, gồm cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP và GRDP bình quân đầu người.
Có thể thấy, triển vọng hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch phần đa các chỉ tiêu là rất rõ. Song đồng thời, thách thức đặt ra cũng không ít nếu đi sâu vào phân tích vai trò, tầm quan trọng của 2 chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành nêu trên. Đồng thời, trong từng lĩnh vực cũng không khó nhận thấy vẫn còn những “góc khuất”, những bất cập đang tồn tại và cần được “mổ xẻ”, nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa (tại Hội nghị lần thứ 34, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, diễn ra ngày 4/10/2024), thì một trong những bất cập, hạn chế cần phải nhìn nhận thấu đáo lúc này là tăng trưởng tín dụng còn ở mức thấp, mới đạt 6,5% trong khi cả nước tăng 7,5%. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, không vay được vốn, không có tài sản đảm bảo... Tóm lại, không có tăng trưởng tín dụng thì không mở rộng được quy mô sản xuất. Đặc biệt, sự khó khăn trong tăng trưởng tín dụng cũng phản ánh thực trạng các dự án chưa hiệu quả, chưa thuyết phục được đơn vị tài trợ vốn. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là liệu môi trường đầu tư đã thực sự hấp dẫn? Thêm một số hạn chế, bất cập nữa đã được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu ra, đó là số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, thông báo giải thể và số doanh nghiệp giải thể còn ở mức cao. Bên cạnh đó, có quá ít sản phẩm mới được đưa ra thị trường, chủ yếu vẫn là sản phẩm cũ (vật liệu xây dựng, may mặc, thực phẩm...). Ngoài ra, nhiều dự án chậm tiến độ, nên chưa đưa sản phẩm mới theo đúng dự kiến, kế hoạch đề ra...
Có thể thấy trong nhiều ngành, kể cả ngành “xương sống” như công nghiệp, nông nghiệp, dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, song vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Ví như sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị vẫn phát triển chậm so với kỳ vọng. Tiến độ thực hiện của nhiều dự án giao thông trọng điểm, các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch, công nghiệp, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... còn chậm và chưa có dấu hiệu chuyển biến. Việc tính tiền sử dụng đất, giao đất của một số dự án còn bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh... Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính còn chậm, lúng túng, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, lãng phí tài sản Nhà nước. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương còn kéo dài. Tình trạng thiếu giáo viên được quan tâm giải quyết nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số bệnh viện tuyến huyện và khu vực miền núi gặp khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm...
Những hạn chế bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hay một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng còn thiếu thống nhất...); thì không thể không nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan. Đó là năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số ngành, đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, trách nhiệm chưa cao. Việc kiểm tra, theo dõi, giám sát, đôn đốc cấp dưới thực hiện nhiệm vụ ở một số ngành, địa phương chưa sâu sát, quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ có nơi chưa nghiêm...
Đồng lòng vượt khó
Nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Trong đó, trước mắt là tập trung cao nhất cho việc khắc phục hậu quả do lũ lụt sau cơn bão số 3, số 4 gây ra, nhằm sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống Nhân dân. Song song với đó là chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn, trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các dự án khác đã thu hút đầu tư từ những năm trước, để sớm đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 30/12/2024...
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải đoàn kết, đồng lòng và bám sát định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như tình hình thực tế, để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề phát sinh. Đồng thời, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại của 3 tháng cuối năm 2024 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Bởi lẽ, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mỗi sở, ngành, địa phương ví như một mắt xích, một bộ phận quan trọng cấu thành nên “guồng máy” đang liên tục vận động. Do đó, “sức khỏe” của mỗi mắt xích, hay cụ thể hơn là tinh thần trách nhiệm, sự linh hoạt, sáng tạo, sâu sát của mỗi ngành, địa phương, sẽ góp phần tạo nên một lực đẩy để “guồng máy” chuyển động mạnh mẽ hơn.
Nhận thức được điều đó và xác định rõ nhiệm vụ cần triển khai thực hiện đến cuối năm 2024, yêu cầu đặt ra cho Sở Kế hoạch và Đầu tư lúc này là tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét các nội dung đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế để kịp thời tham mưu, đề xuất bổ sung các giải pháp chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...
Hay đối với Sở Công Thương, đó là tăng cường kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từ đó, đảm bảo doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, nhất là các sản phẩm có khả năng gia tăng sản lượng, phát huy tối đa công suất để bù đắp phần thiếu hụt giá trị sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm có sản lượng giảm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu để có phương án từ sớm, từ xa bảo đảm cân đối cung - cầu, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa dịp cuối năm. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước. Thường xuyên nắm bắt thông tin các chương trình xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đồng thời, làm sâu sắc hơn mối quan hệ gắn bó với các đối tác truyền thống, tìm kiếm thị trường mới gắn với nhóm hàng hóa xuất khẩu tiêu biểu của tỉnh...
Cùng với triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024, thì việc đề ra những đường hướng, mục tiêu của năm 2025, cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi đây sẽ là cơ sở, là “kim chỉ nam” để tiếp tục thôi thúc tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, quyết tâm của các sở, ngành, địa phương. Do đó, kết luận Hội nghị lần thứ 34, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (diễn ra ngày 4/10/2024), đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhấn mạnh: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, bám sát chỉ đạo, định hướng của tỉnh và tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 của ngành, địa phương, đơn vị, với tinh thần phấn đấu cao, khả thi, đảm bảo thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch 5 năm (2021-2025) của ngành, địa phương, đơn vị.
Kỳ vọng rằng, với sự chủ động nắm bắt thời cơ, dự báo thách thức và tích cực, đồng bộ, trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024, Thanh Hóa sẽ cán đích các mục tiêu đề ra. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 - năm có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-12 12:01:00
Agribank Bắc Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh
-
2024-12-12 11:50:00
Tăng cường quản lý thị trường cuối năm
-
2024-10-16 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 16/10: Vàng thế giới giảm tiếp, vàng nhẫn trên đỉnh
Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản năm 2024 sẽ được tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn
Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Thọ Xuân đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
Giao chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn nhận ủy thác năm 2025 cho Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương
Bản tin Tài chính ngày 15/10: Ngân hàng Nhà nước phản hồi việc người dân khó mua được vàng
Đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch
Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài 3): Giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế
Tính đột phá và giá trị khoa học là những yếu tố quyết định giải Nobel Kinh tế
Bản tin Tài chính ngày 14/10: Vàng có khả năng giảm sâu