(Baothanhhoa.vn) - Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải là vấn đề mới. Song những rủi ro và ảnh hưởng mà nó gây ra là không hề nhỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây có thể được xem là “khối u” nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ), trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn đang “bó tay” trước tình trạng này và chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để.

Nợ đọng BHXH - “khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài 1): Điểm mặt những “đại gia” chây ỳ nợ BHXH

Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) không phải là vấn đề mới. Song những rủi ro và ảnh hưởng mà nó gây ra là không hề nhỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây có thể được xem là “khối u” nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ), trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn đang “bó tay” trước tình trạng này và chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để.

Nợ đọng BHXH - “khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài 1): Điểm mặt những “đại gia” chây ỳ nợ BHXHCông ty CP Xây dựng Hancorp.2 - đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Căn bệnh mãn tính

Mặc dù cơ quan BHXH thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp để thu hồi công nợ; tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải tuyên bố phá sản, thì nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, hoặc đối phó theo kiểu “nhỏ giọt”. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có số nợ đọng BHXH lớn, thời gian nợ kéo dài, thậm chí đã được thanh, kiểm tra nhiều lần, nhưng vẫn không chấp hành nghiêm kết luận thanh tra. Điển hình là Công ty CP Xi măng Công Thanh (có địa chỉ xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn). Tính đến tháng 2-2023, công ty có 391 lao động thuộc diện tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng công ty đang nợ 4.895.445.609 đồng. Con số nợ BHXH của Công ty CP Xi măng Công Thanh ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và làm đau đầu các nhà quản lý. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, các đơn vị liên quan đã phối hợp nhiều lần kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở nhưng công ty vẫn cố tình chây ỳ.

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp đang nợ BHXH của NLĐ hàng tỷ đồng rồi sau đó vẫn tiếp tục mua bán, chuyển nhượng lòng vòng nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm đã, đang đặt ra những tiền lệ rất xấu.

Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan có trụ sở tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng bằng đất sét nung, từ tháng 7-2022 đã chuyển đổi chủ sở hữu sang một công ty khác có địa chỉ tại Láng Hạ, Hà Nội, nợ BHXH, BHYT, BHTN 74 tháng với số tiền 8.761.477.044 đồng, trong đó nợ gốc 4.754.868.898 đồng, nợ lãi chậm đóng 4.006.608.146 đồng. Sau khi chuyển đổi, công ty này đổi tên thành Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan 1 (đóng trên địa bàn phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn), công ty lại tiếp tục nợ 9 tháng BHXH, BHYT, BHTN của 56 lao động với số tiền 703.905.551 đồng (trong đó lãi chậm đóng 49.095.177 đồng).

Giám đốc BHXH thị xã Bỉm Sơn Trịnh Bá Hãn cho biết: Tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn thị xã có chiều hướng gia tăng. BHXH thị xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xử lý nợ đọng, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng theo kế hoạch được giao đối với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thị xã. Ngoài các giải pháp thường xuyên, việc đôn đốc các đơn vị thực hiện các quyết định về xử phạt hành chính đơn vị nợ đã được BHXH thị xã thực hiện. Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2023, trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn có 110 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 51 tỷ đồng... Tình trạng nợ đọng BHXH tại thị xã Bỉm Sơn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh trên địa bàn.

Theo báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm này có hàng ngàn đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa; Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng TP Thanh Hóa; Đội đảm bảo giao thông Triệu Sơn; Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa; Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 4; Xí nghiệp Sông Đà 10.5; Công ty TNHH MTV JLG Vina; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone... Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, nhưng hiện tại lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được như: Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long; Công ty CP Xây dựng Hancorp.2; Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 838; Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung... Ngoài các đơn vị đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nhiều đơn vị đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn... tập trung chủ yếu là ở các đơn vị doanh nghiệp, nhưng chưa thực hiện việc nộp BHXH, BHYT, BHTN. Việc đôn đốc thu số tiền chưa đóng của các đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Quẩn quanh lý do...

Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, việc các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ. Đặc biệt, bên cạnh các chế độ như thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất... NLĐ không được hưởng, thì còn nhiều chế độ khác như chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BHTN, BHYT, NLĐ cũng sẽ gặp khó khi làm thủ tục để hưởng các chế độ này. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp nằm trong danh sách nợ đọng BHXH đưa ra đó là do tác động của suy thoái kinh tế, thậm chí không ít doanh nghiệp còn viện dẫn lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ.

Nợ đọng BHXH - “khối u” vẫn còn nhức nhối (Bài 1): Điểm mặt những “đại gia” chây ỳ nợ BHXHCông ty CP Sản xuất và Thương mại Ba Lan - một trong những đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn, kéo dài.

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp dù không bị tác động hoặc đã phục hồi sản xuất trở lại, cũng mượn cớ này để chây ỳ đóng BHXH, BHYT. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp còn cố tình lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách BHXH, chế tài xử lý việc nợ chậm đóng BHXH còn nhẹ và chưa nghiêm để trốn đóng, hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ. Thậm chí, việc nợ đọng BHXH kéo dài năm nọ sang năm kia còn diễn ra ở các đơn vị hành chính sự nghiệp có thụ hưởng ngân sách Nhà nước khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH trở nên phức tạp hơn.

Đơn cử về việc chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa. Ban được thành lập theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND, ngày 18-7-2022 của UBND thành phố trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 và Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố. Hiện ban quản lý có 9 phòng chức năng, nghiệp vụ với 149 lao động, trong đó có 25 viên chức và 124 lao động hợp đồng. Điều đáng nói là trước khi chưa sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 thừa 17,1 triệu đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 thừa 538 đồng và Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố nợ 2,433 tỷ đồng. Tính từ khi sáp nhập đến cuối tháng 2-2023, ban quản lý dự án phải nộp số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 3,942 tỷ đồng.

Cùng nằm trong danh sách chây ỳ, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là Chi nhánh Công ty CP Du lịch giải trí An Bình Mai Việt Nam, có địa chỉ kinh doanh tại Khu du lịch Vạn Chài, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn. Năm 2020, công ty có 61 lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN, năm 2021 có 53 lao động và năm 2022 là 44 lao động. Theo đó, trong năm 2020, số tiền công ty phải nộp là trên 633 triệu đồng, cộng số tiền kỳ trước chuyển sang là 39 triệu đồng, như vậy tổng số tiền phải nộp trong kỳ là trên 672 triệu đồng, nhưng công ty chỉ nộp được trên 304 triệu đồng. Sang năm 2021 số tiền phải thu trong kỳ là trên 933 triệu đồng, cộng số tiền kỳ trước chuyển sang trên 368 triệu đồng, tổng số tiền phải nộp trong kỳ là trên 1,302 tỷ đồng, nhưng công ty chỉ nộp được gần 357 triệu đồng. Năm 2022, tổng số tiền phải nộp cả trong kỳ và nợ kỳ trước chuyển sang là trên 1,521 tỷ đồng, nhưng công ty chỉ nộp được 770 triệu đồng. Số tiền còn nợ năm 2022 là trên 751 triệu đồng. Giải trình về việc chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đại diện Công ty CP Du lịch giải trí An Bình Mai Việt Nam cho rằng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tính chất công việc kinh doanh theo mùa vụ. Đơn vị cũng không thể chi trả hết số tiền nợ đọng tại một thời điểm được mà sẽ cố gắng khắc phục bằng việc chi trả nợ dần theo từng tháng với số tiền 100 triệu đồng/tháng như đã cam kết với cơ quan BHXH theo biên bản làm việc ngày 23-11-2022.

Trả lời câu hỏi của Đoàn khảo sát Thường trực HĐND tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh mới đây, đại diện lãnh đạo Công ty CP Xi măng Công Thanh (thị xã Nghi Sơn) đưa ra lý do nguyên liệu đầu vào tăng quá cao, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, hoạt động tiêu thụ hàng hóa lại giảm do thị trường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ... Những khó khăn này vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết, phải chờ tìm đơn hàng mới có đầu ra để giải quyết tình trạng này. Đại diện Công ty TNHH MTV JLG Vina (TP Thanh Hóa) cho biết thời điểm mới thành lập, công nhân có tay nghề ít, cần phải có quá trình đào tạo nghề cho NLĐ, vì thế chất lượng xuất khẩu và tiến độ không bảo đảm, dẫn đến bị phạt, mất một năm mới vực lại được để duy trì hoạt động; trong khi đó hơn 1 tháng qua công ty bị dừng hoạt động do hệ thống chữa cháy chưa bảo đảm nên để bảo đảm lương cho NLĐ công ty cũng đã cố gắng rất nhiều...

Bài và ảnh: Mai Phương

Bài 2: Quyền lợi người lao động bị “đánh cắp”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]