(Baothanhhoa.vn) - Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Thanh Hóa có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt, “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương.

Những người “vác tù và hàng tổng” ở vùng cao

Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Thanh Hóa có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt, “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ; có vai trò và ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương.

Những người “vác tù và hàng tổng” ở vùng caoChủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Lý Sùng A Páo (ngoài cùng bên trái) vận động hộ dân ở bản Khằm 2 phát triển kinh tế.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.289 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua người có uy tín tại các vùng DTTS trong tỉnh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Với ảnh hưởng của mình, người có uy tín đã thực sự trở thành “điểm tựa” tin cậy, vững chắc giúp bà con vùng DTTS xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ như “ngọn đuốc” sáng soi đường giúp bà con vùng cao vượt qua bóng đêm của đói nghèo, lạc hậu.

Đến xã Trung Lý (Mường Lát), hỏi người dân ai cũng biết Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sùng A Páo. Với cương vị được giao, anh đã không ngại khó, ngại khổ, đến với những bản người Mông xa xôi để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ hủ tục, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Quyết tâm giảm bớt khó khăn cho người dân, anh đã kêu gọi hỗ trợ làm đường liên thôn, giúp đồng bào Mông được thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nắm chắc chủ trương, hiểu rõ chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ nhanh và hiệu quả luôn là phương châm mà anh Páo đặt ra khi thực hiện công việc. Để làm tốt công tác tuyên truyền, anh luôn sâu sát với dân, chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế để hướng dẫn ban công tác mặt trận ở khu dân cư vận động bà con thực hiện. Anh cũng luôn lắng nghe ý kiến bà con, kịp thời hòa giải mâu thuẫn của các hộ gia đình, tạo được đồng thuận trong Nhân dân.

Là xã có đông đồng bào dân tộc Mông nên đời sống của bà con còn bộn bề khó khăn, nhiều hộ còn ở trong những căn nhà tranh cũ, xuống cấp. Chia sẻ khó khăn đó, anh đã tích cực vận động các nguồn ủng hộ để xây dựng nhà Đại đoàn kết cho bà con.

Trong phát triển kinh tế, anh đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn người dân cách làm chuồng, phòng bệnh cho trâu, bò; phối hợp với Hội Nông dân xã hướng dẫn, giúp đỡ 3 hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư chăn nuôi, mỗi hộ 100 triệu đồng. Đến nay, sau 5 năm vay vốn, cả 3 hộ đã phát huy được hiệu quả, có nguồn thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm, trả hết nợ ngân hàng, tu sửa được nhà cửa, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Hơn 9 năm gắn bó với công tác mặt trận, Sùng A Páo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giúp xã Trung Lý thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Anh là một trong 63 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại hội nghị biểu dương chủ tịch MTTQ cấp xã và trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022.

Một tấm gương người có uy tín tiêu biểu nữa là ông Bùi Sinh Tất, dân tộc Mường, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thạch Đồng (Thạch Thành). Để làm gương cho người dân, cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ông đã năng động trong phát triển kinh tế gia đình, tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, no ấm. Từ chăn nuôi trâu sinh sản, hàng năm, gia đình ông có nguồn thu hơn 120 triệu đồng (đã trừ chi phí). Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ các hộ trong thôn có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi suất để mua con giống, phân bón; vận động các hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh, ớt, chuối tiêu hồng... cho giá trị kinh tế cao. Học theo gia đình ông Tất, đến nay toàn xã đã có 28 trang trại nuôi cá - lúa tổng hợp, 7 gia trại nuôi gà, lợn, 18 mô hình nuôi trồng thủy sản, 120 mô hình vườn - ao - chuồng, 5 mô hình kinh doanh tổng hợp cho thu nhập cao. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 54 triệu đồng/năm.

Trong chương trình XDNTM, ông đã huy động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, nhà văn hóa, đường điện chiếu sáng, lắp camera an ninh... góp phần vào thành công chung của xã Thạch Đồng đạt chuẩn NTM năm 2021.

Ngoài anh Sùng A Páo, ông Bùi Sinh Tất, còn rất nhiều tấm gương điển hình uy tín tiêu biểu khác đang gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Với những đóng góp quan trọng, họ được ví như những “cánh tay nối dài”, ngọn đuốc “soi đường”, là những hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng dân cư ở các vùng DTTS của tỉnh, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]