(Baothanhhoa.vn) - Từng gặp nhiều cảnh đời khốn khổ, nhưng điều làm tôi ám ảnh và suy nghĩ nhất là những đứa trẻ sinh ra trong “gia đình ma túy”. Các em lớn lên thiếu vắng tình yêu thương, sự chăm sóc, đùm bọc của mẹ lẫn cha, bởi họ chết vì nghiện ma túy hoặc bị bắt đi tù, đi cai nghiện. Vì vậy, rất nhiều trẻ vùng biên lớn lên với hai lựa chọn: bỏ học làm nương rẫy, hoặc vượt biên lấy chồng.

Những đứa trẻ lớn lên trong “tổ ấm rất lạnh”

Từng gặp nhiều cảnh đời khốn khổ, nhưng điều làm tôi ám ảnh và suy nghĩ nhất là những đứa trẻ sinh ra trong “gia đình ma túy”. Các em lớn lên thiếu vắng tình yêu thương, sự chăm sóc, đùm bọc của mẹ lẫn cha, bởi họ chết vì nghiện ma túy hoặc bị bắt đi tù, đi cai nghiện. Vì vậy, rất nhiều trẻ vùng biên lớn lên với hai lựa chọn: bỏ học làm nương rẫy, hoặc vượt biên lấy chồng.

Những đứa trẻ lớn lên trong “tổ ấm rất lạnh”

Căn bếp hoang lạnh của gia đình Dính khi mẹ vắng nhà (ảnh nhỏ). Mặc cảm, tự ti vì gia đình không trọn vẹn, Dính không dám nhìn thẳng vào người đối diện, thậm chí tìm cách trốn tránh khi thấy người lạ (ảnh to).

Nỗi sợ vô hình...

Một ngày mùa đông năm 2019, Hơ Thị Vang khoác chiếc áo dệt từ sợi lanh, quấn gọn mái tóc bằng chiếc khăn thổ cẩm, đeo gùi, bước khỏi căn nhà trình tường, mái rạ trên đỉnh núi cao của xã Pù Nhi (Mường Lát). Đứa con gái út - Hơ Thị Dính giụi mắt chạy theo hỏi mẹ đi đâu. Vang đáp: “Mẹ xuống chợ, tí về”. Không ngờ, chuyến đi chợ của người phụ nữ Mông kéo dài tận hơn hai năm. Thay vì xuôi con dốc lớn xuống chợ phiên, Vang cầm theo số tiền hơn 1 triệu đồng, cũng là tất cả của nả trong nhà, “xé” rừng sang Lào mua thuốc phiện. Nhưng khi vừa đặt chân trở lại biên giới thì bị lực lượng bộ đội biên phòng bắt được.

Chồng Vang - Thao Văn Tông nghiện thuốc phiện nặng. Mới hơn 40 tuổi nhưng Tông mang bộ dạng của một ông già. Tông không nhớ mình nghiện từ khi nào, chỉ biết đời ông, đời bố và bây giờ bắt đầu “ám” cả vào những đứa con của Tông. Trong những hình ảnh ít ỏi những đứa trẻ còn nhớ về tuổi thơ, thứ sâu đậm nhất là hình ảnh bố nằm bên bàn đèn. Vang và các con có thể bữa đói, bữa no, nhưng chồng không thể một ngày thiếu thuốc. Còn nhớ, cách đây hơn chục năm gì đó, gia đình Tông phải chuyển nhà từ xã Trung Lý xuống xã Pù Nhi. Dù có bán ruộng, bỏ nhà, áo quần để vợ con mang, nhưng riêng cái ống điếu hút thuốc phiện, Tông nhất định tự tay ôm theo kè kè như đồ gia bảo. Sau hai ngày đi bộ, việc đầu tiên Tông làm khi đặt chân xuống xã Pù Nhi là chạy đến bên giường của người họ hàng, ngả vào bàn đèn châm thuốc phiện hút.

Hàng chục năm nay, anh em Dính cũng không thấy mẹ dám mở miệng khuyên bố nửa lời, chỉ lầm lũi kéo con ra ngoài, lầm lũi lên nương một mình, hái măng một mình, nấu rượu, sửa nhà, chăm con một mình. Và những chuyến “đi chợ” vì thế đã quen thuộc với Vang như chuyện đi nương rẫy. Vang bị phạt 2 năm tù vì tội tàng trữ trái phép thuốc phiện. Phiên tòa của Vang cũng như nhiều phiên tòa diễn ra tương tự ở Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát, có thêm một người phiên dịch vì chị không nói được tiếng phổ thông. Thuốc phiện đưa Vang vào tù cũng là lúc cơm, áo, gạo, tiền đẩy những đứa con của chị vào con đường mù chữ.

Kể từ khi Vang đi vắng, căn nhà cũ nát, hở bốn bề càng hoang lạnh. Không có gì để nấu ăn, những chiếc nồi mòn vẹt đế vứt lăn lóc bên bếp củi tàn. Ngay cả hồi mẹ còn ở nhà, bữa nào nhà Dính cũng chỉ có cơm trắng với muối, có thêm đĩa rau luộc đã là “sang” lắm rồi. Tiền bán gà, bán rau, tiền công trồng rừng đều để mua thuốc phiện cho bố. Lâu thật lâu, các em chưa được ăn một bữa cơm có thịt, chưa được một bữa no. Ông bố nghiện vẫn nằm co trong buồng vì đau và thèm thuốc, Dính chạy vào hỏi bố: “Mẹ sắp về chưa bố?”. “Không biết”, ông bố mệt mỏi trả lời. Sau ba cuộc đối thoại giống nhau, cô bé 8 tuổi ôm bát chạy sang nhà hàng xóm xin được lưng cơm. Dính đặt ở đầu giường cho bố, rồi ôm cặp sách đi học.

Nỗ lực tìm mẹ của Dính kéo dài thêm vài tuần nhưng cô bé không dám hỏi bố thêm nữa. Ngần ấy năm có bố là người nghiện, Dính nhận ra những lúc bố lên cơn vật thuốc thì không nên lại gần, dễ bị mắng chửi. Nơi gia đình Dính sinh sống chỉ vài chục nóc nhà và hầu hết đều có quan hệ họ hàng với nhau, không họ Hơ, họ Thao thì họ Lâu... nhưng tất cả đều không biết mẹ Dính đang ở đâu, hoặc biết nhưng không thể nói cho Dính. “Anh biết mẹ ở đâu không?”, đáp lại câu hỏi dai dẳng của em gái, tối ấy, anh trai Dính, 14 tuổi, chỉ xoay người, nằm quay mặt vào vách tường, nói nhanh: “Bố bảo phải có người đi nương, mày đang còn nhỏ nên cứ đi học. Mai tao lên nương”.

Vắng mẹ, Dính không còn háo hức những buổi chiều về nhà như mọi khi. Mẹ Dính có một chiếc khăn thổ cẩm, mỗi lần đi đâu về nhà mẹ sẽ vắt chiếc khăn lên dây phơi ngoài bếp. Hôm đi, mẹ kéo chiếc khăn quấn gọn mái tóc. Mỗi lần đi bộ về nhà, Dính đứng lại từ xa nhìn cái dây phơi. Nó chỉ mong cái khăn sẽ xuất hiện ở đấy, nghĩa là mẹ đã về. Lâu dần, cô bé cũng đã quen được với suy nghĩ mẹ sẽ không về, cũng dần quen với sự vắng mặt của anh trai. Từ ngày anh chuyển hẳn lên nương ở, mối liên hệ gia đình duy nhất còn lại chỉ có bố. Tông từ ngày vắng vợ, không có thuốc phiện hút, hầu như chỉ nằm đắp chăn một chỗ, liêu xiêu trong cơn đói thuốc và đợi con, họ hàng mang đến gì thì ăn nấy. Con cái đang làm gì, ăn uống ra sao, có còn đi học nữa hay không, Tông chịu không hay biết.

Cũng vào một ngày mùa đông năm trước, anh trai Dính bất ngờ xuất hiện trước điểm trường Dính đang học để đón em về. Người dân cả bản đã tụ lại ở nhà Dính. Thao Văn Tông chỉ kịp đưa tay ra sờ mặt con trai và con gái lần cuối rồi trút hơi thở cuối cùng. Bố mất, mẹ tù tội, trong vòng hai năm hai anh em Dính sống lay lắt, tự bươn chải mưu sinh. Ngoài nỗi cơ cực, buồn tủi, cô bé luôn mơ hồ một nỗi sợ. Lúc mẹ đi, anh trai phải nghỉ học. Liệu giờ bố mất, Dính có được tiếp tục được đến trường?

Và những tổ ấm không trọn vẹn

Những đứa trẻ sống “lay lắt” như anh em Dính không hề hiếm ở Mường Lát, chỉ tính riêng xã Pù Nhi đã có 22 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ, hoặc có cha mẹ nhưng “có cũng như không” khiến các em phải sống với người thân hay tự sống một mình. Chị Thao Thị Dua, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi, chia sẻ: “Mặc dù những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các cấp, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị tổn hại được phát hiện sớm, nhận được sự trợ giúp, chăm sóc kịp thời từ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Tuy nhiên, sự trợ giúp nào cũng không thể bằng sự sát sao, chăm sóc con cái của cha mẹ. Bởi môi trường giáo dưỡng của gia đình là nền tảng để mỗi trẻ em hình thành nhân cách tốt cho một xã hội tươi đẹp”.

Cũng là mẹ của hai cô con gái, cô giáo Nguyễn Thị Hưng, Trường Tiểu học Pù Nhi nói với chúng tôi mà như cật vấn lòng mình: “Lẽ ra, các em đã có một tuổi thơ rất hồn nhiên, ngây thơ. Việc thiếu thốn tình thương của mẹ cha ngay từ khi còn nhỏ, khiến con đường đến trường và xa hơn là tương lai của các em, hẳn sẽ gập ghềnh như con đường mòn vắt qua triền núi. Dù thầy cô trong trường rất quan tâm, chia sẻ, gần gũi nhưng làm sao bù đắp được. Bởi, để hình thành nhân cách, tri thức của một đứa trẻ thì rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Lứa tuổi mầm non và tiểu học còn đỡ, nhìn những đứa trẻ thiếu cha, vắng mẹ ở lứa tuổi bậc THCS khiến chúng tôi day dứt, xót xa. Không ít cháu đã sống thu mình, lặng lẽ, tự ti, mặc cảm với bạn bè, hoặc sớm tỏ ra “bất mãn”.

Đồng quan điểm, thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Pù Nhi, cho rằng: “Ông bà ta vẫn nói “trời sinh voi sinh cỏ”, những đứa trẻ sinh ra dù có cha mẹ hay không rồi lớn lên cũng phải cắp sách tới trường. Nhưng có lẽ thẳm sâu bên trong tâm hồn non nớt, ngây thơ ấy, hẳn là một khát khao, một ước mơ cháy bỏng về một mái ấm gia đình. Nhiều em sức học yếu nhưng chưa quan trọng bằng việc các em rất thiếu kỹ năng mềm, dễ bị rủ rê và tâm lý luôn mặc cảm. Vì vậy, vừa giảng dạy trên lớp, thầy cô còn kiêm luôn tư vấn, quan tâm, giúp đỡ, động viên, sẻ chia với các em ngoài giờ lên lớp. Chúng tôi đã và đang làm tất cả những gì có thể để bù đắp sự trống vắng tình cảm, dạy bảo của cha mẹ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, các em bước vào đời sẽ vất vả hơn, nhọc nhằn hơn so với các bạn”.

Trở về khi trời ngả bóng xế tà, cái lạnh miền sơn cước ùa về khiến xóm núi hoang vắng hơn. Hình ảnh thân hình bé xíu của Dính gùi củi nặng nhọc, lầm lũi bước đi từng bước lẻ loi, đơn côi giữa đại ngàn bóp nghẹt trái tim tôi. Có những nỗi đau không gì bù đắp, có những thiếu thốn chẳng thể lấp đầy, có những nỗi buồn khó để nguôi ngoai... Và tôi chẳng thể mường tượng hết những xúc cảm, khát khao trong trái tim non nớt của em - đứa trẻ lớn lên trong tổ ấm lạnh, rất lạnh.

Ngày cơn gió mùa đông bắc đầu tiên gõ cửa, Hơ Thị Vang mãn hạn tù. Bước chân đến cửa nhà, thấy bàn thờ chồng, chị mới biết anh vừa mất được 40 ngày. Cô bé Dính nhỏ thó đứng trân trối nhìn mẹ đang ôm lấy chân mình xin lỗi, nhưng không nói gì, chỉ cúi xuống ôm lưng, hít hà mùi mẹ. Ngày hôm sau, anh trai Dính giờ đã cao lớn lầm lì và nét mặt đã dần đanh lại, lục tìm cái áo trắng đã vứt góc nhà hai năm nay, mặc lên người, rồi khoác cái túi vải đựng sách vở, ra đứng trước mặt mẹ: Mai con sẽ đi học lại. Sáng hôm sau, hai anh em men theo con đường đất đang nở rực cúc cánh cam, cùng đi học.

Và để những đứa trẻ như anh em Dính có tương lai, cần lắm sự sẻ chia của cả cộng đồng, để vơi bớt nỗi đau mất mát mà số phận đã an bài cho các em...

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]