(Baothanhhoa.vn) - Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực hiện các quy định trong bản Hiệp định, tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua đề án tổ chức Ban đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết. Thanh Hóa vinh dự được chọn là địa điểm đón tiếp quân dân miền Nam tập kết tại Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).

Những đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc

Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực hiện các quy định trong bản Hiệp định, tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua đề án tổ chức Ban đón tiếp đồng bào, cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết. Thanh Hóa vinh dự được chọn là địa điểm đón tiếp quân dân miền Nam tập kết tại Cửa Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn).

Những đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra BắcCác mẹ nồng nhiệt đón các con tập kết ra Bắc. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Nhân dân Thanh Hóa đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một trong những điều khoản quan trọng của Hiệp định là cán bộ, bộ đội, đồng bào, chiến sĩ từ vĩ tuyến 17 trở vào phải tập kết ra Bắc.

Thanh Hóa vốn là một tỉnh lớn, đất rộng, người đông, có 3 vùng kinh tế: đồng bằng, miền núi, trung du và miền biển; có vị thế chiến lược về địa kinh tế cũng như quân sự trong cả nước. Thời điểm này, cùng Nhân dân cả nước, khắp nơi trong tỉnh rộn lên một không khí tưng bừng phấn khởi chào mừng thắng lợi Điện Biên, miền Bắc được giải phóng. Các huyện trong tỉnh hân hoan tổ chức mít tinh đón lời Hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh ngừng bắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lời hiệu triệu, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra những nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Cũng thời điểm này, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như: tiến hành cải cách ruộng đất đợt 2; chống cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Đặc biệt lúc này Nhân dân trong tỉnh phải hứng chịu 2 trận bão lụt liên tiếp. Hầu khắp các huyện trong tỉnh đê điều đều bị vỡ hoặc sạt lở khoảng gần 1km chiều dài đã làm cho 2.164 ngôi nhà bị sụp đổ; 44.361 mẫu ruộng bị mất trắng; kho tàng bị hỏng làm ướt 150.057 tấn thóc, gạo... làm chết 33 người...

Do ảnh hưởng trực tiếp từ 2 trận bão, Nhân dân Thanh Hóa bị rơi vào nạn đói. Toàn tỉnh đến cuối năm 1954 có 155.000 người bị đói, đại bộ phận bà con phải ăn rau, ăn cháo, có người phải ăn củ chuối. Diện đói sang năm 1955 càng diễn ra trên diện rộng...

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu ủy Khu IV, mặc dù lúc này tình hình trong tỉnh Thanh Hóa vô cùng khó khăn, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp lãnh đạo tiến hành tổ chức thành một phong trào học tập công tác đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết rộng rãi từ các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh xuống đến Nhân dân từng thôn. Do vậy đã phát động được tư tưởng cán bộ và Nhân dân thực hiện công tác đón tiếp.

Ngày 19/9/1954, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Mai Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vào Ban đón tiếp của tỉnh; thành lập 12 trạm đón tiếp; 1 bệnh viện miền Nam quy mô 800 giường (năm 1956 sáp nhập với bệnh viện tỉnh thành Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa). Ngành y tế xây dựng tại Sầm Sơn 1 trạm cấp cứu và thành lập 2 trạm y tế ở xã Hoằng Quang (nay thuộc TP Thanh Hóa) và xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào chiến sĩ miền Nam.

Do được chuẩn bị chu đáo, nên ngay từ những chuyến tàu đầu tiên cập bến Sầm Sơn, Nhân dân các nơi đến đón lên tới hàng vạn người, có những cụ già, em nhỏ đi xa 30 - 40km, từ 2, 3 ngày với nắm cơm khoai, sắn đến Sầm Sơn chờ... Trong 8 tháng, từ tháng 10/1954 đến 5/1955, toàn tỉnh đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, với 79.996 người (trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ). Trong những ngày đồng bào miền Nam ở Thanh Hóa, Nhân dân khắp nơi trong tỉnh như: Nông Cống, Đông Sơn, Quảng Xương, Như Xuân, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc... đã chăm lo nơi nghỉ, nơi ăn, thuốc men, quần áo, chăn màn cho bà con, anh em thấm đậm tình cảm ấm áp như người thân trong gia đình. Tất cả những hình ảnh các mẹ, các chị đón tiếp, nâng giấc anh chị em thương binh đã làm cho bà con anh em miền Nam thấm thía tình cảm thiêng liêng đầm ấm của bà con miền Bắc, nhiều người đã khóc và nói “đến chết cũng không quên đồng bào miền Bắc...”.

Ðồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết đóng góp xây dựng Thanh Hóa và miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Sau công tác đón tiếp, việc bố trí công ăn việc làm cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra tập kết miền Bắc là việc làm khó khăn và vô cùng phức tạp. Đảng bộ Thanh Hóa coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lúc này.

Trong số đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc, được Nhân dân Thanh Hóa đón tiếp và sau đó chuyển về các tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... Số ở lại Thanh Hóa bao gồm công nhân, nông dân, học sinh, tiểu thương đã được Ban đón tiếp của tỉnh bố trí. Cụ thể, tổng số công nhân là 1.743 người (có 1.719 nam và 24 nữ) đã được đưa về 5 công trường: Tĩnh Gia, Đông Quang, Tào Xuyên, Hoằng Lộc và Hà Trung làm nhiệm vụ sửa sang đường sá; Số học sinh là 5.735 em, trong đó có 4.277 em nam và 1.458 nữ. Sau khi chuyển về các tỉnh, còn lại ở Thanh Hóa là 2.631 (2.195 nam và 436 nữ) được chia về 12 trường trong 9 xã ở huyện Quảng Xương (cũ); Số thương binh là 1.734 (có 15 nữ), sau khi bố trí đi Ty Thương binh Nam Định và Thái Bình còn lại 995 người. Tất cả đã bố trí ở huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa; Số các cụ già, trên 200 cụ được bố trí về 2 xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).

Tính đến ngày 15/5/1955 ở Thanh Hóa có 90 gia đình, trong đó có 29 gia đình bộ đội và 61 gia đình cán bộ, dân, chính Đảng và công nhân viên cơ quan xí nghiệp. Các gia đình này đã phân công về: thị xã Thanh Hóa buôn bán, công tác các cơ quan công sở tỉnh và thị xã, về các xã làm ruộng. Với các gia đình nông nghiệp, tỉnh đã tiến hành xây dựng cơ sở đón tiếp về các xã: Yên Trường (Yên Định); xã Xuân Thành, Phú Yên (Thọ Xuân).

Việc bố trí công ăn việc làm cho đồng bào cho tới khi nước nhà hoàn toàn độc lập, chúng ta có thể phát huy được sở trường của các cá nhân đóng góp vào việc xây dựng, củng cố cơ sở, địa phương và góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng đào tạo được một lực lượng cán bộ kiến thiết xây dựng miền Nam sau này.

Theo Hiệp định Giơnevơ, đến năm 1956 là phải tiến hành tổng tuyển cử nhưng do đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định, không tổ chức hiệp thương, vì vậy tư tưởng một số đông trong đồng bào miền Nam tỏ ra bi quan, lo lắng. Nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, chính quyền và Nhân dân các địa phương, đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã nhanh chóng thay đổi nhận thức, yên tâm học tập, lao động, sản xuất đóng góp sức mình xây dựng địa phương đơn vị mình sinh sống. Nhiều con em miền Nam đã gắn bó cả đời mình với miền Bắc. Từ năm 1959 đến 1967, trên địa bàn tỉnh có 12 nông trường quốc doanh, công nhân các nông trường phần lớn là bộ đội chuyển ngành, cán bộ miền Nam tập kết. Sự đóng góp lớn lao của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong công cuộc xây dựng quê hương Thanh Hóa và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể kể hết. Mỗi người tùy theo sức mình đã tham gia sức lực vào công cuộc xây dựng nước nhà. Bên cạnh đó, nhiều con em miền Nam đã học tập và công tác trên các lĩnh vực như ở các bệnh viện, trường học...

Trong thời gian này, tỉnh Thanh Hóa mặc dù rất khó khăn nhưng các bệnh viện miền Nam, trường học miền Nam đã góp phần chuẩn bị nguồn lực cán bộ cho miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Từ các trường này đã để lại các bài học như: Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội, từ tình thương yêu của Thày - Trò đã xây dựng nên nhân tố quyết định để dạy tốt - học tốt.

Thời gian trôi hơn 2/3 thế kỷ, những chuyến tàu, điểm tập kết mãi mãi thấm đậm tình người dân Thanh Hóa với đồng bào chiến sĩ miền Nam. Đồng thời những dấu ấn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa cũng không bao giờ mờ phai. Chính nghĩa tình Bắc - Nam là sự thôi thúc để nảy sinh ra biết bao “hạt giống đỏ” ươm mầm cho phong trào cách mạng miền Nam, đồng thời cũng khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm giàu cho quê hương Thanh Hóa. Có nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; nhiều đồng chí làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, của tỉnh và thành phố; nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, diễn viên, sĩ quan cao cấp, anh hùng LLVT... Đến nay trên quê hương Thanh Hóa còn in đậm những vần thơ nghĩa tình:

“Hai mươi năm đất nước chia đôi

Từng xóm nhỏ cũng nửa Nam, nửa Bắc

Biển khoác trên lưng người đánh giặc

Đại dương nào ru hết được nỗi đau...”.

ĐÀO MINH CHÂU

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]