(Baothanhhoa.vn) - Mỗi khi nghĩ về dải đất hình chữ S của chúng ta trong thời kỳ cam go, khốc liệt nhất thì hình ảnh những con tàu mang theo sức mạnh, bản lĩnh, khát vọng độc lập - tự do của lớp lớp thế hệ người con nước Việt khởi hành luôn thường trực hiện hữu. Ở đó, những chuyến tàu đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là hình ảnh đặc biệt, không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

Những chuyến tàu xóa nhòa giới tuyến

Mỗi khi nghĩ về dải đất hình chữ S của chúng ta trong thời kỳ cam go, khốc liệt nhất thì hình ảnh những con tàu mang theo sức mạnh, bản lĩnh, khát vọng độc lập - tự do của lớp lớp thế hệ người con nước Việt khởi hành luôn thường trực hiện hữu. Ở đó, những chuyến tàu đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là hình ảnh đặc biệt, không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

Những chuyến tàu xóa nhòa giới tuyếnPhù điêu tái hiện sự kiện cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Tình yêu nước trong bóng dáng những con tàu

Ngược dòng lịch sử, hình ảnh con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville) lênh đênh trên sóng nước đưa chúng ta trở lại bến Nhà Rồng, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. 30 năm đằng đẵng, Bác Hồ nếm trải biết bao nhọc nhằn, vất vả nơi đất khách quê người. Người cập cảng Mác-xây, cảng Lơ Havơrơ của Pháp; đã từng làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi. Cùng với hành trình của tàu, Bác dừng chân ở bến cảng của một số quốc gia như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi... Bác cũng từng theo tàu đi qua Máctinich, Uruguay, Argentina và dừng chân ở Mỹ. Gác lại mọi nỗi niềm riêng, tuổi xuân của Bác phiêu dạt cùng những chuyến tàu với hành trang duy nhất là tình yêu nước, thương dân nồng nàn. Bác làm mọi công việc mưu sinh nặng nhọc, tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, trau dồi kiến thức, sống đời sống của người cần lao với khát khao lớn nhất là tìm ra chân lý, con đường cứu nước, cứu dân. Chuyến tàu ngày 5/6/1911 đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước mãi mãi khắc sâu trong lịch sử dân tộc, trong trái tim mỗi người con đất Việt... Bác là người mở đường vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Tiếp nối dòng lịch sử, từ thực tiễn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hiện diện một con đường nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, đó là đường Hồ Chí Minh trên biển. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, với tên gọi “Đoàn tàu không số” đã được thành lập. Đêm 11/10/1962 chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở hơn 30 tấn vũ khí đầu tiên bí mật rời bến Nghiêng (Hải Phòng), sau 9 ngày nỗ lực vượt biển, cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, đánh dấu sự khai thông của đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhiều thủy thủ mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, họ chưa từng đi vào Nam bằng đường biển, không có công cụ hỗ trợ, định vị nhưng vẫn nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Chính nỗ lực, quyết tâm ấy đã kết thành sức mạnh lớn lao, làm nên kỳ tích, huyền thoại gắn với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Lắng nghe các câu chuyện được chia sẻ từ những người trong cuộc, mỗi chúng ta đều thấm thía hơn cái giá của độc lập - tự do, càng thêm cảm phục, trân trọng sự nỗ lực, hy sinh của các thế hệ cha ông vì dân, vì nước. Bóng dáng con tàu không số kiên cường rẽ sóng vươn khơi trong những đêm dông gió là một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chẳng thể điểm mặt gọi tên hết những con tàu đã đi qua khói lửa chiến tranh, để sau tất cả vất vả và gian lao ấy, dân tộc Việt cùng vỡ òa vui sướng, hạnh phúc ngập tràn đón chuyến tàu đầu tiên mang tên Thống Nhất nối hai miền Nam - Bắc, hân hoan trong khúc ca khải hoàn.

Nghĩa đồng bào trên những chuyến tàu tập kết

Lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn 1954-1975 ghi đậm dấu ấn về những chuyến tàu - hành trình đặc biệt chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc lao động, học tập. Đó là thời điểm sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20/7/1954). Nội dung hiệp định nêu rõ thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, cùng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau hai năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và Nhân dân Việt Nam sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra quyết định mang tầm chiến lược là để một bộ phận, cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam lãnh đạo cuộc chiến đấu và khẩn trương chuyển một số lượng không nhỏ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, bắt đầu từ ngày 6/10/1954 và kết thúc ngày 29/10/1954 tại 3 địa điểm: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp); khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau. Đây là cuộc chuyển quân lịch sử, mang trong đó cả những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng, đào tạo “hạt giống đỏ” cho cách mạng miền Nam.

Tại mảnh đất xứ Thanh anh hùng, vùng biển Sầm Sơn được lựa chọn là nơi thực hiện trao trả tù binh giữa ta và Pháp, đồng thời là địa điểm cập bến đầu tiên đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, các chi bộ Đảng khu vực Sầm Sơn đã huy động Nhân dân của 4 xã xây dựng khu lán A dài 500m, rộng 30m dọc bến xóm Toàn đến Thành Lập, khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc; làm con đường luồng từ Sầm Sơn ra bến Hới với hàng chục ngàn cây luồng... Cùng với xây dựng lán trại, các chi bộ Đảng khu vực Sầm Sơn đã chọn hàng chục cán bộ tham gia Ban đón tiếp và hàng trăm lao động làm công tác phục vụ.

Ngày cập bến, tàu to không thể vào sâu bên trong nên Nhân dân khu vực Sầm Sơn đã huy động hàng chục thuyền đánh cá áp sát, khẩn trương đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam vào bờ. Giai đoạn này, từ lán A đến lán B khi nào cũng đông đúc người, Sầm Sơn trở thành ngày hội - ngày hội của tình yêu nước, nghĩa đồng bào, đại đoàn kết dân tộc. “Mối tình giữa đồng bào Nam - Bắc rất là thắm thiết. Được tin có anh chị em ở miền Nam ra, đồng bào nô nức đi đón, có người phải đi xa hàng 2, 3 ngày, nhưng lần đầu có đến 40.000 đồng bào đón... Tuy mưa gió, rét, đồng bào vẫn kiên nhẫn đợi, có chị bế con mới 5 tháng đi đón, nhiều lúc tàu chập chờn vì sóng gió đến chậm, đồng bào vẫn kiên nhẫn đợi... Có ngày ở Sầm Sơn 5.000 - 6.000 quân đội, cán bộ miền Nam lên bờ, việc tiếp đón cũng được chu đáo. Thấy đồng bào đi đón đông như vậy có ảnh hưởng đến việc làm, sau này tổ chức đơn giản hơn, khi có tàu đến thì thiếu nhi và đồng bào các xã lần lượt thay phiên đi đón, nên lúc nào cũng giữ được không khí nồng nhiệt” (Báo cáo tình hình đón tiếp quân đội, cán bộ và đồng bào miền Nam từ đầu đến cuối tháng 11/1954, Tài liệu Trung tâm lưu trữ quốc gia III).

Trong những lần tiếp đón ấy, nhiều gia đình của Quảng Châu, Quảng Đại ân cần đón các học sinh là con em cán bộ chiến sĩ, đồng bào miền Nam về chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà. Riêng Quảng Châu nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 200 em, có người sau này đã ở lại Quảng Châu sinh sống, đóng góp sức mình xây dựng “quê hương thứ hai”. Trong thời gian này, Quảng Châu, Quảng Đại cùng 7 xã khác thuộc huyện Quảng Xương được tỉnh đầu tư thêm trường học, mỗi trường có từ 7 - 12 phòng học để phục vụ việc học tập của các em học sinh.

70 năm đã trôi qua, sự chảy trôi của thời gian vô tình phủ mờ nhiều ký ức, sự kiện! Tuy nhiên, hình ảnh những chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc còn sống mãi trong nghĩa tình Bắc - Nam thủy chung, son sắt, trong niềm tự hào về một dải non sông Việt Nam vững bền n

* Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Thành phố Sầm Sơn”, NXB Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Đăng Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]