(Baothanhhoa.vn) - Hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam cùng rất nhiều súng đạn, máy móc khí tài, ô tô... được chuyển ra Bắc trong 9 tháng, bắt đầu từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có một cuộc chuyển quân vĩ đại và đầy tính chiến lược như vậy.

Một cuộc chuyển quân lịch sử

Hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam cùng rất nhiều súng đạn, máy móc khí tài, ô tô... được chuyển ra Bắc trong 9 tháng, bắt đầu từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có một cuộc chuyển quân vĩ đại và đầy tính chiến lược như vậy.

Một cuộc chuyển quân lịch sửChủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)

“Nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”

Vượt qua những đêm dài của lịch sử, Nhân dân rũ bùn, anh dũng và tự hào đứng dậy. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ diễn ra, hai bên đã thỏa thuận các vấn đề cụ thể về ngừng bắn, trao trả tù binh, về chuyển quân tập kết, thành lập Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở trung ương và các địa phương.

Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định vĩ tuyến 17 dọc theo sông Bến Hải - Quảng Trị là giới tuyến quân sự tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ, cùng với một khu phi quân sự ở phía Bắc và phía Nam giới tuyến để lực lượng hai bên chuyển quân tập kết: Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc khu phi quân sự, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam, với thời hạn tối đa là 300 ngày kể từ sau khi Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực. Miền Bắc lúc này được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời do Pháp kiểm soát. Hiệp định quy định hai miền sẽ tổ chức hiệp thương và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956.

Căn cứ vào tình hình cụ thể ở miền Nam khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, với tầm nhìn chiến lược, tại Hội nghị lần thứ sáu của Bộ Chính trị mở rộng (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định rằng, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước còn lâu dài, khó khăn và gian khổ. Từ đó, một quyết định lịch sử đã ra đời: Một mặt, ta tổ chức, bố trí lại lực lượng cán bộ cách mạng ở miền Nam; mặt khác khẩn trương đưa một bộ phận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, cho tương lai cách mạng cả nước sau này.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước. Người nói: “Để thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Để ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử... Đó là một việc cần thiết. Nhưng Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.

Lời động viên của Bác đã kịp thời cổ vũ tinh thần cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam và thổi bùng tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc.

Để thực hiện việc chuyển quân, Trung ương Cục miền Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo về Trung ương Cục số lượng cán bộ, bộ đội tập kết để thông báo ra các địa phương ngoài miền Bắc có kế hoạch kịp thời đón tiếp. Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được dự kiến sẽ đón tiếp những người ở Quảng Trị, Thừa Thiên và một số địa phương ở miền Nam ra, ước tính khoảng 6 - 7 vạn người; tỉnh Thái Bình và Nam Định sẽ đón tiếp số người ở Nam Bộ ra với số lượng tương tự. Trong vòng một tháng, lực lượng đi tập kết đã hành quân về các khu vực tập kết theo quy định. Tại nơi tập kết, các đơn vị vũ trang cùng cán bộ các ngành dân - chính - đảng và các thành phần khác được sắp xếp lại, tổ chức thành các đơn vị hành quân.

Tiếp đó, ngày 21/9/1954, Bác Hồ viết thư (đăng trên Báo Nhân dân số 229, ra ngày 22/9/1954) thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: “Đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”.

Để có phương tiện di chuyển lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào từ miền Nam ra Bắc, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhờ Liên Xô giúp đỡ. Phía bạn đã lập một ủy ban hỗn hợp lo liệu việc thuê tàu, tổ chức chuyên chở. Năm con tàu: Kilinski (Ba Lan), Arkhangelsk và Stavropol (Liên Xô), Sunny Queen và Sunny Prince (Na Uy), được lựa chọn và đưa đến Nhà máy đóng tàu Quảng Châu (Trung Quốc) để sửa chữa, cải tạo để từ những chiếc tàu chở hàng chỉ có vài chục thủy thủ đoàn được chuyển sang chở hàng ngàn người. Hầm tàu được cọ rửa sạch để chứa nước ngọt, thực phẩm. Các tầng, hầm boong được đóng sạp nhiều tầng để người nằm; làm thêm bếp, nhà vệ sinh...

Trong khi đó, ở miền Bắc, các địa điểm được lựa chọn đón đồng bào, chiến sĩ tập kết cũng hết sức khẩn trương làm công tác chuẩn bị, Liên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 4 tổ chức chỉ đạo các tỉnh lập “Phòng Miền nam”, đảm nhận công tác đón tiếp, sắp xếp cho đồng bào, chiến sĩ tập kết. Tại Hà Tĩnh, nơi tiếp nhận lực lượng di chuyển bằng đường bộ, Tỉnh đội đã tổ chức các trạm đón tiếp ở dọc đường 1A. Mặt khác tổ chức lực lượng triển khai nhanh việc dựng nhà ở, nhà ăn; vận động Nhân dân sẵn sàng giúp đỡ đồng bào tập kết. Ở các địa điểm chính như Sầm Sơn, Cửa Hội, các bộ phận quân nhu, vận tải luôn thường trực, phối hợp với lực lượng của Bộ Tổng Tư lệnh sẵn sàng làm công tác đón tiếp một cách chu đáo nhất.

Ngày 25/9/1954, tàu Arkhangelsk thực hiện chuyến chuyển quân tập kết đầu tiên, chở đồng bào, chiến sĩ từ Hàm Tân rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới trong niềm hân hoan chào đón của Nhân dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa. Tính chung trong đợt di chuyển lịch sử này, chúng ta đã tổ chức hành quân an toàn, đưa hơn 120 nghìn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc khí tài, 236 ô tô các loại và 5 con voi từ Nam ra Bắc.

“Nam Bắc vẫn là một nhà”

Bức thư thăm hỏi động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc của Bác vừa là động lực vừa trở thành ý chí quyết tâm thực hiện của Nhân dân hai miền Nam - Bắc.

Trong thư Bác viết tuy “đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Lời động viên của Bác đã kịp thời cổ vũ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng “ngọn lửa đoàn kết dân tộc”. Bác mong đồng bào được mạnh khỏe để góp sức vào công cuộc xây dựng nước nhà: “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Việc đưa con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm hết sức sâu nặng của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Hơn thế, việc làm này có ý nghĩa sâu thẳm từ trong trái tim của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nước Việt Nam là một, là thống nhất, trong lòng miền Bắc có đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam. Và sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam trên đất Bắc làm chúng ta thấm thía hơn Nam - Bắc là một nhà.

Trong suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng ngày, từng giờ, từng công việc lớn nhỏ, Người luôn hướng về miền Nam. Miền Nam tuy cách xa, nhưng lòng Bác Hồ luôn bên cạnh đồng bào miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.

Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn quan tâm và thăm hỏi tình hình tập kết của cán bộ, bộ đội và các cháu thiếu nhi, học sinh miền Nam. Tết năm 1955, không thể vào Thanh Hóa và Nghệ An đến thăm và chúc tết cán bộ, bộ đội và học sinh, thiếu nhi miền Nam vừa tập kết, Bác gửi thư chúc tết và cho người chuyển quà bánh vào tặng. Sau một thời gian điều dưỡng, đầu năm 1955, theo gợi ý của Bác, Bộ Giáo dục quyết định thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam, gọi là Trường học sinh miền Nam (HSMN). Cũng theo gợi ý của Bác, các trường HSMN đều chuyển ra các tỉnh thuộc Bắc Bộ và gần Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1956, Bác đã đến thăm trường HSMN số 16 tại Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Đây là lần đầu tiên thầy cô giáo và học sinh nhà trường được đón Bác, được gặp Bác. Vào dịp Tết năm 1956, Bác đến thăm cán bộ, nhân viên Trại nhi đồng miền Nam đang chuẩn bị đón tết. Năm 1957, Bác đến thăm Trường HSMN số 24 (Hải Phòng). Ngày 18/1/1960, nhân ngày đầu xuân, Bác về thăm Trường HSMN số 12 ở Hải Phòng. Năm 1957, trên đường đi dự Đại hội 81 Đảng Cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Moskva và dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác đã ghé vào khu học xá Trung ương (ở Nam Ninh, Trung Quốc) để thăm cán bộ và học sinh Việt Nam đang học tập.

...Sau này trong lịch sử dân tộc còn có những cuộc chuyển quân khác, tuy nhiên đây là cuộc chuyển quân có quy mô lớn nhất. Bởi không chỉ có lực lượng vũ trang, hàng vạn cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng gia đình xuống tàu ra Bắc. Chuyển quân không chỉ nhằm chủ động đối phó với âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định của Mỹ và tay sai trong việc trả thù những người đã tham gia kháng chiến, mà còn là sự tri ân đối với đồng bào, đồng chí, là sự chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh lâu dài để xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà sau này n

KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]