(Baothanhhoa.vn) - Để góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong XDNTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện, duy trì mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Từ đó, không những giảm lượng rác thải mà còn góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại các địa phương.

Nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn

Để góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong XDNTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện, duy trì mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Từ đó, không những giảm lượng rác thải mà còn góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường tại các địa phương.

Nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồnCán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân huyện Thiệu Hóa quy trình sử dụng men vi sinh để xử lý rác thải.

Năm 2022, Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đã triển khai thực hiện Đề án “Mô hình phụ nữ tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, giai đoạn 2022-2025”, thí điểm tại 5 hộ dân ở các xã đăng ký về đích NTM nâng cao là: Thiệu Nguyên, Thiệu Viên, Thiệu Phúc, Thiệu Phú (nay sáp nhập vào thị trấn Thiệu Hóa); Thiệu Long, Minh Tâm (nay là thị trấn Hậu Hiền). Để giúp các hộ dân thực hiện cũng như lan tỏa được ý nghĩa của mô hình đến các hộ dân trên toàn huyện, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn, như: Giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển; tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... Bên cạnh đó, các hộ đã được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng men vi sinh, hỗ trợ nắp đậy hố xử lý rác, thùng chứa... Mặt khác, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng khoa học - kỹ thuật của Trường Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp tập huấn về phân loại và xử lý rác thải cho các hộ; bám sát cơ sở “cầm tay chỉ việc” cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Dung ở xã Thiệu Phúc là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình, cho biết: Sau khi được tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, gia đình tôi đã phân loại riêng lá cây, quả, rau xanh hỏng... ủ với men vi sinh, sau 40 đến 45 ngày có một lượng phân bón dùng bón cho cây trồng. Đối với những loại rác khó phân hủy như chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt... chúng tôi gom lại để tham gia chương trình “Biến rác thải thành tiền”. Được biết, một số hộ còn thực hiện xử lý rác thải hữu cơ bằng trùn quế mang lại nhiều lợi ích như dịch trùn hòa với nước tưới cho cây trồng, trùn còn được làm thức ăn dinh dưỡng cho gà, cá...

Từ những mô hình điểm, đến nay hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện phân loại rác thải với khoảng 26.922 thùng chứa và 5.222 hộ xây dựng hố chứa rác có nắp đậy. Chủ tịch Hội LHPN huyện Thiệu Hóa Tạ Thị Thúy cho biết: Với cách làm đơn giản nhưng hiệu quả thiết thực, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, qua đó không những nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định... bảo đảm giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường.

Hiện nay, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như TP Thanh Hóa, các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc... Thực hiện mô hình, mỗi gia đình đã tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ như rau, củ, quả, thức ăn thừa... ngoài chôn lấp, các hộ dân đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng; các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy... được phân loại để bán cho các đơn vị tái chế hoặc ở nhiều địa phương đã tổ chức chương trình “Đổi rác lấy cây xanh”, “Biến rác thải thành tiền”... nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các hộ dân. Đối với rác thải vô cơ được tập kết đưa về bãi chôn lấp theo quy định. Mô hình này còn được lồng ghép với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp” trong XDNTM.

Có thể nói, nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã góp phần xây dựng cảnh quan NTM sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhất là hướng dẫn các biện pháp xử lý sau khi các hộ dân đã tổ chức phân loại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của mô hình để từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân trong việc giữ gìn môi trường, lồng ghép với các phong trào trong XDNTM. Mặt khác, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng mô hình...

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]