(Baothanhhoa.vn) - Toàn tỉnh có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung nhiều ở các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... Hầu hết những diện tích này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa không ăn chắc, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, bình quân thu nhập chỉ đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, nhiều năm nay các địa phương có diện tích sản xuất trũng thấp kém hiệu quả luôn trăn trở về vấn đề tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất này.

Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng trũng thấp

Toàn tỉnh có khoảng 8.700 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung nhiều ở các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... Hầu hết những diện tích này chỉ sản xuất được 1 vụ lúa không ăn chắc, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp, bình quân thu nhập chỉ đạt khoảng 20 đến 25 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, nhiều năm nay các địa phương có diện tích sản xuất trũng thấp kém hiệu quả luôn trăn trở về vấn đề tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất này.

Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng trũng thấpDiện tích trồng sen - cá tại xã Minh Tân (Vĩnh Lộc).

Ở khu vực ven biển, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) có nhiều diện tích thuộc vùng trũng thấp không những khó canh tác mà còn nhiễm mặn. Không những hiệu quả kinh tế đạt thấp mà nhiều diện tích từng bị bỏ hoang. Không để lãng phí nguồn tài nguyên, UBND xã Hòa Lộc đã khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng sản xuất để chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trong đó con nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Mô hình này giúp người dân khắc phục được hoàn toàn khó khăn về nguồn nước mặn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất của người dân nơi đây. Từ mô hình chuyển đổi đầu tư của gia đình anh Trịnh Văn Doanh ở thôn Nam Tiến, đến nay toàn xã đã có hàng chục gia đình mạnh dạn cải tạo, đầu tư hạ tầng chuyển đổi vùng sản xuất trũng thấp, nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê của UBND xã Hòa Lộc, tính đến tháng 4-2023, toàn xã đã chuyển đổi được 85 ha thuộc vùng trũng thấp, nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã lên 147 ha. Trong đó, có 30 ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích còn lại được nuôi theo phương thức bán thâm canh. Anh Doanh cho biết: Việc chuyển đổi vùng trũng thấp, nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản đều đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm, có diện tích được đầu tư hạ tầng nuôi theo hướng công nghệ cao lợi nhuận còn lên tới hàng tỷ đồng/ha/năm.

Xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) có hơn 100 ha đất sản xuất thuộc vùng trũng thấp đa phần chỉ sản xuất được 4 tháng của vụ xuân, còn lại 8 tháng sản xuất không hiệu quả hoặc bỏ hoang. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều địa phương, xã quyết định lựa chọn, định hướng cho các hộ dân dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để hình thành những mô hình kết hợp cá - lúa - sen. Quá trình triển khai thực hiện cho thấy, mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần nhiều chi phí đầu tư, dễ thực hiện, độ rủi ro thấp, thời gian sinh lời ngắn...

Theo quy trình, người dân sản xuất lúa vụ chiêm xuân bằng những giống lúa cứng, bắt đầu thả cá, thu hoạch lúa thì trồng sen. Cây sen rất dễ trồng, gần như không cần chăm bón, không có sâu bệnh, mức đầu tư cũng thấp... Nếu áp dụng tốt công thức luân canh thì mỗi ha cho năng suất khoảng 1 tấn hạt sen tươi. Ngoài ra, người dân còn tận dụng bán hoa sen, ngó sen, lá sen làm dược liệu, doanh thu từ sản xuất cây sen đạt khoảng 180 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, doanh thu bình quân của mô hình cá - lúa - sen có thể đạt tới 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 7 đến 8 lần so với sản xuất lúa trước đây. Mô hình kết hợp cá - lúa - sen nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn xã. Hiện trên vùng đất trũng thấp của xã đã có 30 hộ dân thực hiện mô hình kết hợp này với tổng diện tích hơn 40 ha.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho vùng trũng thấp, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực tìm cho mình giải pháp, mô hình riêng, phù hợp đối với điều kiện và trình độ sản xuất. Nhiều mô hình đã nhanh chóng được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]