(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm trước đây, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vẫn được bàn luận sôi nổi xoay quanh câu chuyện: con cá và chiếc cần câu.  Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và những thay đổi trong nhận thức ở bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cho thấy quan điểm “nên trao chiếc cần câu thay vì cho con cá” là đúng đắn, nhân văn, phù hợp với thực tiễn. Câu chuyện vươn lên phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Hậu Lộc là minh chứng sinh động, thuyết phục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hộ nghèo, cận nghèo huyện Hậu Lộc vươn lên phát triển sản xuất

Nhiều năm trước đây, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vẫn được bàn luận sôi nổi xoay quanh câu chuyện: con cá và chiếc cần câu. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và những thay đổi trong nhận thức ở bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cho thấy quan điểm “nên trao chiếc cần câu thay vì cho con cá” là đúng đắn, nhân văn, phù hợp với thực tiễn. Câu chuyện vươn lên phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Hậu Lộc là minh chứng sinh động, thuyết phục.

Hộ nghèo, cận nghèo huyện Hậu Lộc vươn lên phát triển sản xuấtMô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của gia đình chị Nguyễn Thị Yến (thôn 3, xã Liên Lộc).

Bất kỳ ai đã từng ghé thăm trang trại tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Yến (thôn 3, xã Liên Lộc) đều cảm phục trước ý chí thoát nghèo, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chị Yến tâm sự: Mặc dù, khi đó, cuộc sống của hai vợ chồng có nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn biết yêu thương, động viên nhau. Ngày biết tin mình mang thai, anh chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng không may mắn, ngay từ khi sinh ra, bé đã mắc bệnh tim bẩm sinh. Gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi, bấu víu vào niềm hy vọng mong manh “còn nước còn tát”. Chị Yến bỏ hẳn công việc để túc trực, chăm sóc cho con. Chồng chị quần quật đi làm, tích cóp những đồng tiền công ít ỏi từ công việc thợ xây để lo cho hai mẹ con yên tâm chữa bệnh. Cuối cùng, sau 9 năm trời ròng rã “chiến đấu” với bệnh tật, kinh tế gia đình kiệt quệ nhưng anh chị cũng không thể cứu sống đứa con gái tội nghiệp của mình.

Nén chặt nỗi đau trong lòng, từ hai bàn tay trắng, chị Yến và chồng cùng nhau cố gắng xây dựng cuộc sống mới. Chông chênh là thế nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự hỗ trợ của người thân cùng với suy nghĩ phải nỗ lực khắc phục hoàn cảnh, vươn lên thoát nghèo, năm 2012, vợ chồng chị Yến mạnh dạn làm đơn xin vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hậu Lộc theo chương trình cho vay hộ nghèo với mức vay là 30 triệu đồng. Từ “chiếc cần câu” ấy, vợ chồng chị Yến “đầu tư” vào phát triển chăn nuôi bò. Lúc bấy giờ, hai con bò mua được từ nguồn vốn vay là tất cả gia sản, cơ nghiệp của vợ chồng chị Yến. Nhờ sự siêng năng, cần cù, chịu khó, sau 5 năm tập trung chăm sóc, vợ chồng chị Yến đã phát triển đàn bò với tổng số lượng là 10 con. Ngoài ra, vợ chồng chị còn nuôi thêm lợn, trồng một số loại cây ăn quả như: táo, bưởi, ổi... Năm 2017, gia đình chị Yến bước qua ngưỡng hộ nghèo.

Với ý chí phấn đấu, quyết tâm vươn lên phát triển sản xuất, năm 2018, gia đình chị Yến tiếp tục làm đơn xin vay vốn theo chương trình cho vay hộ cận nghèo, mức vay là 100 triệu đồng. Qua quá trình tìm hiểu, cân nhắc, vợ chồng chị Yến đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp với tổng diện tích 1.000m2. Đến nay, ngoài ao nuôi tôm, trang trại tổng hợp của gia đình chị Yến có diện tích khoảng 2 ha bao gồm đa dạng các loại vật nuôi như: bò, lợn, gà, ngan, dê và các loại cây ăn quả với mức thu nhập ổn định. Giờ đây, gia đình chị Yến đã chính thức “thoát nghèo”, cuộc sống của gia đình chị Yến đã khấm khá hơn rất nhiều. Không chỉ có của ăn của để, niềm vui lớn nhất của gia đình chị Yến là “lo được cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè”.

Không có sức khỏe như vợ chồng chị Yến, tuổi tác đã cao, gia đình ông Lê Văn Hoành (thôn Phù Lạc, xã Phong Lộc) được nhận định là “hộ nghèo bền vững” của xã. Ngót nghét 60 tuổi nhưng hai vợ chồng ông Hoành phải lo toan cuộc sống cho 3 đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi học. Có lẽ, cuộc sống sẽ mãi quẩn quanh trong nghèo khó nếu vợ chồng ông không quyết tâm tham gia Dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo” do UBND xã Phong Lộc triển khai thực hiện. Đây là dự án áp dụng cho 13 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo thuộc 4 thôn trên địa bàn xã Phong Lộc có khả năng và tự nguyện tham gia với cơ chế hỗ trợ kinh phí (tiền mặt) mua bò sinh sản với mức 10 triệu đồng/1 hộ nghèo, 8 triệu đồng/1 hộ cận nghèo. Đối với các hộ có nhu cầu mua con giống cao hơn so với mức phí hỗ trợ thì có thể chủ động tham gia đối ứng. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Qua tìm hiểu kết hợp với kinh nghiệm chăn nuôi bò nhiều năm, vợ chồng ông Hoành mạnh dạn chấp nhận đối ứng thêm 7 triệu đồng, quyết tâm mua con bò cái sinh sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Ông Hoành cho biết: “Ngay từ lúc mua, con bò đã mang thai được 5 tháng. Sau quá trình chăm sóc, bò lớn nhanh và đã đẻ được một con bê đực. Nếu thuận lợi, bò sẽ tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập cho gia đình”.

Từ những câu chuyện thoát nghèo, nỗ lực thoát nghèo ấy, chúng ta nhận thấy rằng: Đó là thành quả được tạo nên từ nhiều yếu tố. Bên cạnh nỗ lực phấn đấu, ý thức, nghị lực vươn lên từ bản thân các hộ nghèo, cận nghèo thì chính sự phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, trách nhiệm từ các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhân tố quan trọng làm nên những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo huyện Hậu Lộc.

Trong những năm qua, huyện Hậu Lộc đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016–2020. Công tác giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,55%, bình quân giảm 1,71%/năm. Để đạt được kết quả đáng ghi nhận ấy, hằng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng. Từ đó, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương và tìm giải pháp giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống như: Hỗ trợ sửa chữa và làm mới nhà ở; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo cũng luôn được các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện thực hiện tốt. Thông qua đó, giúp tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án, mô hình phát triển sản xuất; tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chung tay góp sức của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Ngoài ra, huyện Hậu Lộc tích cực tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hậu Lộc đã có đóng góp tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cùng với sự nỗ lực cố gắng từ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình của NHCSXH huyện Hậu Lộc là 391.246 triệu đồng, đạt 99,5% chỉ tiêu kế hoạch, tăng 27.502 triệu đồng so với năm 2019. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư cho vay một số chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, NHCSXH huyện Hậu Lộc tập trung đầu tư cho vay một số chương trình tín dụng chính sách giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh như: Cho vay hộ nghèo (dư nợ là 40.154 triệu đồng), cho vay hộ cận nghèo (dư nợ là 108.923 triệu đồng), cho vay hộ mới thoát nghèo (91.178 triệu đồng), cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 12.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc được vay vốn, trong đó có gần 10.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Từ việc vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục gọn nhẹ, cán bộ ngân hàng, tổ tiết kiệm và vay vốn quan tâm, tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình khi có vấn đề phát sinh đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có động lực, kinh nghiệm, học hỏi nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có “chiếc cần câu” đề đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, duy trì việc làm và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có được “chiếc cần câu” và phát huy tốt hiệu quả của “chiếc cần câu” ấy vào việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện Hậu Lộc tiếp tục huy động tổng hợp, tối đa nguồn lực từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực của huyện và đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục vụ mục tiêu giảm nghèo. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hậu Lộc thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tích cực huy động nguồn vốn từ dân cư và huy động qua tổ tiết kiệm và vay vốn; giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng theo kế hoạch được giao; hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng; không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; duy trì tốt chế độ giao dịch, giao ban tại điểm giao dịch; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác... Và hơn hết, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo cần phải nêu cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực vươn lên, ổn định cuộc sống, hòa mình vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]