Người nâng tầm cây dược liệu bản địa
Từ các bài thuốc dân gian và các cây thuốc quý ở địa phương, chị Quách Thị Anh, dân tộc Mường ở thôn Sơn Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân) đã nghiên cứu, chiết xuất thành công nhiều loại hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thảo dược được cơ quan chuyên môn và thị trường đánh giá cao. Không những phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất của chị còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Chị Quách Thị Anh giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng. Ảnh: L.H
Những ngày cuối năm, thôn Sơn Minh rộn rã tiếng nói cười của chị em phụ nữ trong thôn. Họ chia thành từng nhóm vừa thu hoạch nguyên liệu, dược liệu vừa tất bật sản xuất sản phẩm cho các đơn hàng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chị Quách Thị Anh, Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) thảo dược Hương Quê cho biết: Những ngày này là thời gian cao điểm sản xuất, bởi vậy THT đang tăng công suất để trả đơn cho khách hàng, các kênh phân phối tiêu thụ và bảo đảm đủ nguồn hàng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịp cuối năm.
Huyện miền núi Thường Xuân được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng không ít loại dược liệu quý hiếm. Quá trình sinh tồn, ốm đau, tự tìm kiếm cây rừng trị bệnh đã khiến người dân địa phương có một kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về y học và dược liệu. Chính vì vậy, chị Quách Thị Anh luôn có ý thức bảo tồn những bài thuốc dân gian, những cây dược liệu quý của người Mường và người dân địa phương.
"Tôi vốn có mái tóc dài, đen mượt tự nhiên. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng những loại mỹ phẩm công nghiệp không bảo đảm chất lượng, khoảng năm 2020 trên đầu tôi xuất hiện nấm, gàu và tóc ngày càng rụng nhiều. Do đó, tôi tìm đến bài thuốc dân gian được lưu truyền của đồng bào địa phương, kiên trì kết hợp quả bồ kết, lá sả, bồ hòn, hương nhu, vỏ bưởi... nấu lên để gội đầu. Sau thời gian ngắn, các triệu chứng đã thuyên giảm, tóc mọc dày hơn, bóng mượt. Từ đó, tôi càng tin tưởng vào những “điều kỳ diệu” được lưu truyền trong các bài thuốc dân gian", chị Anh chia sẻ.
Từ những kiến thức chắt lọc, tích lũy được, chị Quách Thị Anh đã đầu tư nghiên cứu để chiết xuất, bào chế các loại hóa mỹ phẩm có nguồn gốc dược liệu dưới dạng kem cô đặc, vừa tiện sử dụng vừa bảo quản được lâu hơn.
Tốt nghiệp sư phạm toán Trường Đại học Hồng Đức, song Quách Thị Anh không theo đuổi nghề, mà từ những trải nghiệm bản thân về hiệu quả của các bài thuốc nam, chị mong muốn lan tỏa sự an toàn, hiệu quả đến mọi người. Do đó, chị càng quyết tâm khởi nghiệp với cây dược liệu bản địa.
Để thực hiện dự định của mình, từ năm 2021 chị đã tham khảo các chuyên gia về các loại thảo dược mà huyện Thường Xuân đang có thế mạnh để thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Sản phẩm có nguyên liệu chính là các loại cây thảo dược bản địa, dựa trên các bài thuốc lưu truyền trong dân gian của người dân tộc Mường, Thái, kết hợp với công nghệ hiện đại. Mặc dù đầu tư kỹ lưỡng về kiến thức song đã không ít lần chị thất bại.
Sau nhiều lần thất bại, chị cũng đã sản xuất được những sản phẩm ưng ý như: Siro húng chanh, cao tía tô, sữa rửa mặt, sữa tắm... được cơ quan chuyên môn chứng nhận chất lượng. Thông qua các kênh phân phối, sản phẩm được thị trường, người tiêu dùng đánh giá cao. Từ thành công bước đầu, cuối năm 2021 chị đã thành lập THT thảo dược thiên nhiên Hương Quê với 7 thành viên là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Sơn Minh. Hiện nay, THT đã có 17 sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, đều có nguồn gốc từ các loại thảo dược thiên nhiên, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023 là siro húng chanh và cao tía tô.
Những sản phẩm nổi bật và ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của chị Quách Thị Anh đã được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải khuyến khích tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Đồng thời, các sản phẩm của THT thảo dược Hương Quê được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với doanh thu năm 2023 đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động nữ, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị cho cây dược liệu địa phương.
Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-12-06 14:31:00
Hội viên nòng cốt trong phong trào phụ nữ
-
2024-01-07 11:25:00
Gặp chàng trai của “Việc tử tế”
Những nữ thủ lĩnh “trọn việc nước, tròn việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản mẫu mực bảo vệ đường biên, cột mốc
Nữ đảng viên 24 năm làm bí thư chi bộ
Hơn 20 năm nỗ lực vì cộng đồng
Tích cực tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Giảng viên về quê gây dựng trang trại chăn nuôi hiện đại
Y sĩ đông y Hoàng Thị Chon tận tâm với nghề
Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN
Những cựu TNXP nêu gương sáng sản xuất, kinh doanh giỏi