(Baothanhhoa.vn) - Hơn 300 hộ dân bản Pốn Thành Công, Cao Hoong, Kịt (xã Lũng Cao, Bá Thước) bao năm qua kể từ khi bị “ghi danh” vào vùng lõi và nay là vùng đệm trong thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, cuộc sống từng ngày bị “ghì níu, trói buộc” bởi các quy định ngặt nghèo “đè” lên những nhu cầu thiết yếu. Thiếu đất sản xuất, đất ở... cái nghèo vẫn đang dai dẳng đeo bám người dân.

Nghèo giữa đại ngàn...

Hơn 300 hộ dân bản Pốn Thành Công, Cao Hoong, Kịt (xã Lũng Cao, Bá Thước) bao năm qua kể từ khi bị “ghi danh” vào vùng lõi và nay là vùng đệm trong thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, cuộc sống từng ngày bị “ghì níu, trói buộc” bởi các quy định ngặt nghèo “đè” lên những nhu cầu thiết yếu. Thiếu đất sản xuất, đất ở... cái nghèo vẫn đang dai dẳng đeo bám người dân.

Nghèo giữa đại ngàn...

Bản Kịt có 36 hộ với 152 nhân khẩu và 100% là hộ nghèo, cận nghèo.

Cơn mưa rừng bất chợt đêm hôm trước khiến cho hơn 20km đường dẫn vào 3 bản Pốn Thành Công, Kịt, Cao Hoong trở nên khó nhọc. Nhếch nhác, ẩm ướt và trơn trượt, kèm với đó là những âm thanh gầm gào của thác đổ như thêm phần thách thức. Cán bộ Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao động viên tôi suốt dọc hành trình: “Nhà báo yên tâm, đường đi chỉ là khó thôi! Trường hợp mưa lớn, ngập úng thì anh và tôi mới phải di chuyển bằng thuyền”.

Con đường chúng tôi đi khi thì ngược dốc thẳng đứng như táp vào mặt, lúc thì trôi tuột như rơi vào vực sâu. Mươi phút di chuyển trên cung đường khó nhọc tôi phần nào mường tượng việc bà con phải di chuyển vất vả thế nào mỗi khi ra trung tâm; con em đến trường phải gian nan thế nào để theo đuổi được con chữ.

Mấy nay, người dân bản cùng cánh thợ điện hỗ trợ nhau việc đào các mố, chôn cột. Nhìn những cây cột điện vươn cao hơn cả những tán cây rừng đang dần được mọc lên, tôi thấy rõ được niềm vui, sự kỳ vọng qua những ánh mắt, nụ cười của bà con dân bản. Rồi đây, bà con sẽ có điện sáng, con cái không còn phải thắp đèn để học đêm khuya. Bản nghèo vùng cao rồi sẽ có điện lưới quốc gia.

Anh Tuấn bộc bạch, cũng giống như mở con đường, để dẫn được cái điện lưới vào với bà con nơi đây là cả một sự chung tay, nỗ lực rất lớn. Bất cập này, bao năm qua, chính quyền cũng như ngành điện rất trăn trở. Cuộc sống của bà con các bản Cao Hoong, Kịt, Pốn Thành Công suốt một thời gian dài, cũng bởi không có điện mà mọi sinh hoạt trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Không ti vi, không loa truyền thanh và không có cả máy xay xát... Cuộc sống cứ thế quẩn quanh, ảm đạm gắn với cái nghèo như một “định mệnh”. “Mà đâu chỉ thiếu cái điện, sóng điện thoại nơi đây cũng không có” - anh Tuấn lắc đầu ngao ngán khi kể đến việc, mỗi lần xã họp thôn, bản, vì không thể liên hệ trước, cán bộ xã phải vào tận bản trước 1, 2 ngày để thông báo họp.

“Tôi và anh vào với bà con hôm nay, gặp được bà con, trưởng bản là sự may mắn. Thường thì bà con họ lên rẫy, vào rừng!” - anh Tuấn nói. Thật may cho chúng tôi, hôm nay bà con bản Kịt, Cao Hoong, Pốn Thành Công đang tập trung dọn dẹp, phát quang cỏ cây khuôn viên các điểm trường. Thầy Ngân Văn Thoa, Trưởng khu Kịt quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đen sạn, nói về cái khó của điểm trường. Khu Kịt hiện có 2 lớp ghép 4 trình độ (lớp 1 và lớp 2; lớp 4 và lớp 5) với tổng số gần 20 học sinh. Chỉ 20 học sinh thôi, nhưng nhiều năm qua nếu không nhận được sự hỗ trợ, sự quan tâm của cấp ngành chức năng, của các nhà hảo tâm thì bây giờ lớp học vẫn tranh - tre - nứa - lá. Mặc dù không còn tình trạng học sinh bỏ học như trước, nhưng lực học của con em nơi đây vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nghèo và thiếu điện đã gây ra không ít khó khăn cho cả thầy và trò. Mùa đông thôi, các con ở nhà còn có cây nến thắp lên, lấy ánh sáng để học, chứ lên lớp nhất là vào những hôm sương mù dày đặc, dù mở toang tất thảy các cửa phòng nhưng rồi ánh sáng cũng không đủ, thầy trò phải căng mắt lên để dạy và học.

Trưởng bản Hà Văn Thao sau giờ phút lao động hăng say cũng kịp nhận ra bản nhà có khách. Trước mắt tôi, đây chẳng phải vị trưởng bản mà đêm qua cán bộ xã đã nói rất nhiều. Người hơn 30 năm đảm việc thôn, việc bản mà cho đến nay ông vẫn chưa tìm được người kế nhiệm. Ông cũng là người đầu tiên mạnh bạo đứng lên đề xuất trong buổi họp tiếp xúc cử tri về việc xin đất, xin điện, xin dự án làm đường. Đó là dự án “đẻ” ra một con đường mang tính chiến lược, tầm nhìn và tầm cỡ. Một con đường lớn đi qua bản, xuyên qua những cánh rừng, nối với Quốc lộ 6 đoạn Tân Lạc, Hòa Bình. Ông Thao triết lý, có con đường thông suốt, kinh tế sẽ khởi sắc, đời sống bà con sẽ “thay da, đổi thịt”. Dĩ nhiên, đề xuất táo bạo đó được ghi nhận. Song, khó để thực hiện. Khó không chỉ bởi nguồn kinh phí lớn, mà đây là đất thuộc khu BTTN gắn với những quy định nghiêm ngặt, mà chính người dân cũng đang phải chịu áp lực bởi những quy định đó.

Nằm cheo leo giữa lưng chừng đồi là căn nhà sàn mái tranh của bà Vi Thị Muộn. Căn nhà cũ kỹ, được trao truyền từ nhiều đời, nay chật chội, xuống cấp. Thế nhưng ít ai biết được rằng, ngôi nhà cũ kỹ ấy lại là nơi trú ngụ của 3 thế hệ gia đình, với 6 nhân khẩu. Bà Muộn nói: “Nhà bố mẹ chồng cho thế nào thì nay nó vẫn vậy!”. Quan sát một lượt, cái nghèo không chỉ hằn lên trên gương mặt khắc khổ của bà Muộn, mà nó còn hiển hiện qua từng liếp cửa trống hoác, sự tềnh toàng của căn nhà. Gian bếp được đặt ngay trong nhà, một đặc trưng mà ít gia đình hiện thời còn giữ lại. Phía trên bếp, bà Muộn treo kín những đon lúa, xâu ngô, củ sắn, củ mài... đã chuyển màu đen kịt, bám đầy bồ hóng. Đó là lương thực dự trữ mùa giáp hạt. Nói vậy thôi, chứ bà Muộn bảo, chỉ nay mai là hết.

“Nhà có 1 sào ruộng thôi, năm nào cũng thiếu gạo, không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đói cái bụng” - bà Muộn cười như phần ái ngại. Rồi bà lại tiếp lời như phân bua: “Cũng muốn phát thêm cái rẫy cho rộng cái ruộng, trồng thêm cây lúa, cây ngô cho đỡ phải ăn nhờ gạo Nhà nước, nhưng làm vậy là mình vi phạm vào đất rừng”. Không nói gì thêm, bà Muộn lôi một đon lúa trên cao xuống, bà cho vào chiếc nong, tay vịn cây cột mà vò liên hồi bằng đôi chân gầy teo gầy tóp, gân guốc. Sau khi tách lúa khỏi bông thì cho vào lu để giã, sẵn lấy gạo... Chúng tôi thì lặng đi, khi không thể tin giữa thời hiện đại này, mà ở nơi rừng sâu, người dân đang còn phải vò lúa, giã gạo. Nhưng rồi nghĩ về thực tại, bản không có điện, lại xa trung tâm xã, dù có cái máy xay xát cũng trở nên vô dụng.

Trưởng bản Thao nói, cái khó của nhà bà Muộn cũng như bà con các thôn, bản nơi đây là thiếu đất sản xuất, đất ở. Kể từ khi “ghi danh” thuộc vào vùng lõi và nay là vùng đệm trong Khu BTTN Pù Luông thì cuộc sống của bà con bị giới hạn trong những quy định ngặt nghèo. Xuống khỏi nhà là đất rừng, đất khu bảo tồn... Như nhà bà Muộn, anh con cả đã lập gia đình, muốn tách hộ, dựng cái nhà mới nhưng không được, trong khi anh con thứ 2 thì cứ thúc giục việc lấy vợ.

Nói như Bí thư, Trưởng bản Kịt Hà Văn Thao: Người dân bản vốn đã hình thành và có từ lâu đời. Về sau, khu BTTN mới được thành lập. Người dân có trách nhiệm với rừng nhưng những quy định của rừng thì đang ghì níu cuộc sống của người dân. Nếu như so với trước khi khu BTTN được thành lập, thì nay người dân chịu nhiều áp lực hơn. Thiếu đất sản xuất, đất ở, con em khi lớn lên, phần nhiều đều phải “ly hương” đi làm ăn xa. Bản làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ... Thống kê cho thấy, riêng bản Kịt, cả bản có 36 hộ, 152 nhân khẩu thì chỉ duy nhất có 2 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo truyền thống. Và sẽ còn nghèo “bền vững” nếu không sớm có những giải pháp căn cơ.

Suốt cuộc hành trình đi qua 3 bản, tôi không khỏi trăn trở, đâu sẽ là lối thoát, là hướng mở cho bà con nơi đây? Anh Tuấn cười vỗ vai tôi bảo: Đó là câu hỏi lớn cần lời giải từ nhiều cấp, ngành. Có những thời điểm địa phương lâm vào bế tắc trong việc tìm phương án cho người dân, khi mà việc “đi không được, ở cũng không xong”. Không có quy định nào riêng dành cho bà con để được di dời, tái định cư. Nếu như họ thuộc đối tượng nằm trong vùng sạt lở, nguy cơ lũ lụt... thì lại khác.

Không thể di dời bản làng, địa phương đã nỗ lực trong việc phối hợp với Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông để tiến hành rà soát lại diện tích đất ở, đất canh tác, diện tích đất chồng lấn để từ đó phân loại và đưa ra những đề xuất. Cái khó là nhiều hộ dân từ nơi khác chuyển đến định cư, cùng với đó là việc các hộ dân thêm khẩu, tách hộ... dẫn đến thực trạng, nhiều hộ có nhà ở ổn định nhưng đất vẫn thuộc đất rừng, không được cấp trích lục. Không có trích lục, đồng nghĩa với việc gặp không ít khó khăn về thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội cũng như vay vốn phát triển sản xuất.

Để duy trì đời sống của người dân, địa phương đã khuyến khích bằng nhiều cơ chế hỗ trợ từ các Chương trình 134, 135, 30a. Mấy năm trở lại đây, ngoài hỗ trợ con giống, chính quyền cũng tạo điều kiện hỗ trợ con em trong việc đi xuất khẩu lao động, làm công nhân tại các khu công nghiệp. Vấn đề về đất sản xuất, địa phương đã rà soát, đề xuất “xin đất” bằng văn bản. Nếu được chấp thuận, thì quỹ đất có thể giúp bà con canh tác là hơn 30 ha (trong đó, bản Kịt 10 ha; Cao Hoong 10 ha, Pốn Thành Công gần 15 ha). “Hy vọng ngoài việc có điện, bà con cũng sẽ có đất để sản xuất, như vậy cuộc sống sẽ khởi sắc hơn” - anh Tuấn mong mỏi.

Màn đêm ở nơi rừng già đổ bóng thật nhanh. Sau lưng tôi là những ngôi nhà sàn cũ kỹ, xám bạc, nơi những ánh mắt người dân đang mòn mỏi chờ đợi, hy vọng!...

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông cho biết: “Trước đây, khu bảo tồn có tất cả 8 thôn, bản nằm trong vùng lõi và bị giới hạn bởi nhiều quy định ngặt nghèo. Nay, theo quy hoạch đến năm 2030 vừa được phê duyệt, thì hiện 8 thôn, bản (trong đó có 3 thôn, bản như: Pốn Thành Công, Cao Hoong, Kịt) không còn nằm trong vùng lõi khu bảo tồn. Các thôn, bản thuộc vào vùng đệm trong. Không còn là cư dân vùng lõi rừng, đồng nghĩa với việc các hộ sinh sống lâu nay sẽ được cấp trích lục về quyền sử dụng đất. Cái khó cho bà con vẫn là thiếu đất sản xuất, canh tác. Việc này vẫn đang dừng lại ở đề xuất”.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]