Nghề ươm cây giống
Nắm bắt nhu cầu trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả của người dân, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Xuân... đã phát triển mô hình ươm cây giống. Các vườn ươm không những đáp ứng đủ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cây giống cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Yên Bái... với số lượng lớn.
Cơ sở sản xuất cây giống tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).
Là địa phương có lợi thế về diện tích đất đồi màu mỡ, từ năm 2009, nắm bắt nhu cầu về cây giống lâm nghiệp tăng cao, một số hộ dân xã Minh Sơn (Triệu Sơn) đã mạnh dạn chuyển sang nghề ươm giống cây lâm nghiệp. Theo những người có kinh nghiệm lâu năm làm nghề như ông Nguyễn Văn Thà, Trịnh Văn Trọng thì nghề ươm giống cây lâm nghiệp diễn ra hầu như quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vụ xuân. Xác định giống là khâu quan trọng, vì vậy công tác ươm, chăm sóc cây giống đòi hỏi sự tỉ mỉ với từng công đoạn khác nhau như làm đất đóng bầu, ghép thành từng luống, rồi chọn hạt giống tốt cấy vào bầu, tưới nước giữ ẩm cho hạt nảy mầm, phát triển thành cây giống. Sau một tháng cây sẽ ra rễ đầy đủ, sau hai tháng cây cao khoảng 5cm là có thể xuất bán. Để cây giống có chất lượng tốt, ngay từ khâu làm đất, người làm vườn phải khử sạch mầm bệnh và độ chua cho đất, nơi ươm cây giống phải cao ráo, dễ thoát nước... Đến giai đoạn nuôi cây thì phải luôn giữ độ ẩm cho đất, sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân bón NPK để chăm bón, đồng thời sát sao theo dõi để phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Với cách làm này không chỉ giúp cho cây giống tươi tốt, lá xanh đều, hạn chế sâu bệnh mà còn đáp ứng được nhu cầu về giống cây sạch bệnh.
Hiện nay, toàn xã Minh Sơn có khoảng 60 hộ đang làm nghề ươm cây giống với tổng diện tích gần 12ha; chủ yếu là các loại giống cây bạch đàn, keo tai tượng, dổi, lát, lim... Nhiều cơ sở đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giàn che nắng để bảo vệ cây giống. Giá trị kinh tế từ hoạt động ươm và kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên toàn xã ước đạt 3,5 tỷ đồng/năm. Hiện, các sản phẩm cây giống của xã Minh Sơn không chỉ xuất bán trong tỉnh mà còn tiêu thụ ở các tỉnh khác như Yên Bái, Hòa Bình...
Bên cạnh xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, anh Đỗ Trọng Học ở xã Cát Vân (Như Xuân) còn dành diện tích trang trại để hình thành vườn ươm cây giống mắc ca và các loại cây ăn quả như bưởi, ổi... Theo anh Học, khác với ươm giống cây lâm nghiệp, khi ươm giống cây ăn quả, nhà vườn phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chọn được thời điểm lý tưởng ghép mắt cho cây giúp tỷ lệ mắt đậu cao. Mỗi loại cây giống có cách chăm sóc khác nhau, đối với các loại cây trồng bằng hạt, thời điểm thích hợp nhất để nhân giống là vào mùa xuân và mùa thu. Đối với những loại cây ươm giống bằng phương pháp chiết, ghép cây, ghép mắt thì trong 1 năm có thể lựa chọn các tháng 3 - 5 và 8 - 10 âm lịch để nhân giống. Để có một cây giống chất lượng bán ra thị trường, người ươm phải trải qua nhiều công đoạn, tỉ mỉ trong từng khâu từ làm đất lên luống, đến ươm hạt hoặc cắt cành chăm sóc cây con... mỗi công đoạn lại đòi hỏi người làm nghề phải có những kỹ thuật nhất định...
Cũng theo kinh nghiệm của anh Học, phải xây dựng vườn ươm trên mặt đất có độ dốc nhẹ, tiêu thoát nước tốt; đối với các loại cây ăn quả được gieo trồng trực tiếp trên nền đất thì phải lựa chọn loại đất màu mỡ, tơi xốp, có khả năng giữ nước và thoát nước tốt; vườn ươm cần lắp mái che để điều chỉnh ánh sáng phù hợp với từng thời kỳ của cây giống... Trước khi xuất bán, cây con cần được phân loại và áp dụng các biện pháp chăm sóc để thích nghi dần với điều kiện đưa ra trồng sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng; nhiều giống cây trồng mới có chất lượng được đưa vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc kinh doanh những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng chưa bảo đảm vẫn còn diễn ra, nhất là giống từ những hộ nhỏ lẻ. Vì vậy, hiện nay, các địa phương có nhiều cơ sở ươm cây giống đang nỗ lực hỗ trợ người dân phát triển nghề cũng như quản lý chất lượng cây để tạo niềm tin cho người mua. Để có đầu ra ổn định, các địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất thành lập các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh để trở thành địa chỉ tin cậy cho các thành viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật... Cùng với đó, các cơ sở sản xuất cây giống cũng đã chủ động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất giống; áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng cây giống, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2025-01-21 14:41:00
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025: Hợp tác cho Kỷ nguyên thông minh
-
2025-01-21 13:33:00
Phường Xuân Lâm phát triển thương mại, dịch vụ
-
2024-12-20 10:45:00
Hiệu quả liên kết sản xuất rau màu vụ đông
Hoằng Hóa: Tiến độ làm thuỷ lợi mùa khô đạt trên 120% kế hoạch tỉnh giao
Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Petrolimex trao thưởng chương trình “Hóa đơn trao tay - vận may bất ngờ” cho các khách hàng tỉnh Thanh Hóa
VinaPhone chính thức thương mại hóa 5G, phủ sóng 63 tỉnh thành
Bản tin Tài chính 20/12: Bao giờ giá vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”?
Điển hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Cổng thông tin hỗ trợ người nộp thuế trên các sàn thương mại điện tử
Vietjet và Xanh SM bắt tay phát triển sản phẩm di chuyển xanh cho du khách Đông Nam Á
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, mặt hàng RON95-III vượt 21.000 đồng mỗi lít