(Baothanhhoa.vn) - Mùa xuân đã về. Đó là lúc những nghĩ suy của con người cũng trở nên xanh non như lộc cây, cũng ngát hương như hoa đào, dịu dàng mà lưu luyến. Ấy là khi con người quấn quýt nhau hơn, gặp nhau nhâm nhi chén trà, vung tay dăm ba câu lục bát, là như trút đi sự ưu tư, nhọc nhằn cả năm, mà thanh thản, nhẹ lòng, tin tưởng.

Ngày xuân luận đôi điều về tiếng cười trong thơ lục bát xứ Thanh

Mùa xuân đã về. Đó là lúc những nghĩ suy của con người cũng trở nên xanh non như lộc cây, cũng ngát hương như hoa đào, dịu dàng mà lưu luyến. Ấy là khi con người quấn quýt nhau hơn, gặp nhau nhâm nhi chén trà, vung tay dăm ba câu lục bát, là như trút đi sự ưu tư, nhọc nhằn cả năm, mà thanh thản, nhẹ lòng, tin tưởng.

Ngày xuân luận đôi điều về tiếng cười trong thơ lục bát xứ ThanhMinh họa của Hà Anh

Cũng là thơ lục bát, một thể loại thơ đặc trưng của dân tộc Việt, theo quy luật thơ ca, nhưng thơ lục bát xứ Thanh khác các nơi khác đó là: mang vẻ đẹp tâm hồn người Thanh Hóa, nó chất chứa những buồn vui, sướng khổ trước những thăng trầm biến động của lịch sử, con người nơi đây. Nhớ lại những bài thơ hay nhất thời kháng chiến chống Pháp có nhiều bài thơ lục bát của các nhà thơ nổi tiếng: Nhớ máu, Nắng tù, Tình sông núi của Trần Mai Ninh; Đèo Cả của nhà thơ Hữu Loan; Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu; Xem chèo, Đường vào làng Đại của Hà Khang... Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa lại xuất hiện những bài thơ nổi tiếng, lục bát hiện đại về hình thức, giàu mỹ cảm như: Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Bầu trời vuông... Các nhà thơ lục bát quê Thanh nổi tiếng thời chống Mỹ cũng khá đông đảo: Nguyễn Duy, Nguyễn Bao, Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Quế, Lê Đình Cánh, Mã Giang Lân, Văn Đắc, Huy Trụ, Mạnh Lê... Đến thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều cá tính thơ lục bát: Trịnh Thanh Sơn, Mai Linh, Trịnh Anh Đạt, Nguyễn Minh Khiêm, Lê Quang Sinh... Hiện nay nhiều nhà thơ đã về nơi “tiên cảnh” nhưng còn nhiều nhà thơ hiện đóng góp mạnh mẽ. Nhiều cây bút mới và trẻ xuất hiện báo hiệu “tre già măng mọc”. Năm 2012, để chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa lần thứ VIII, lãnh đạo hội lúc đó đã thành lập nhóm tác giả biên soạn tuyển tập: Thơ lục bát xứ Thanh. Đây là công trình lưu dấu những sáng tác vô cùng ý nghĩa, làm tài liệu nghiên cứu sau này cho các thế hệ sau. Hơn một thập kỷ qua, cuốn sách vẫn được độc giả tìm đọc, tìm mua... chứng tỏ tình yêu với thơ lục bát vẫn luôn được nhen lửa. Với tôi, đọng lại nét riêng của thơ lục bát xứ Thanh đó chính là tiếng cười trong thơ. Đó là cái cười nhập cuộc, dấn thân làm nên cái ta chung của dân tộc:

“Khi vui non nước cùng cười

Khi căm non nước cùng người đứng lên”.

(Tình sông núi - Trần Mai Ninh)

Lời thơ phóng túng, ngang tàng nhưng đầy nhân văn và cao cả. Con người cùng thế sông, dáng núi trở nên bất khuất trước kẻ thù nhưng cũng hiền hòa trước vẻ đẹp của tình người, tình đời.

Cũng sử dụng tiếng cười để bộc lộ tình cảm nhà thơ Lã Hoan lại khái quát đầy nhân hậu:

Vẫn bài hát của quê tôi

Bao lần tôi hát những lời say mê

“ Ai về quê mới thì về...”

Ngàn muôn con sóng ngoài kia điệp lời

Quên lưng áo đẫm mồ hôi

Bạn dành cho những miệng cười tin yêu

Những bàn tay lấm tìm nhau

Những gương mặt ánh lên màu phù sa.

(Hát trên đê mới - Lã Hoan)

“Miệng cười tin yêu” đó chính là sức mạnh của con người vượt qua bao gian khó. Đôi khi tiếng cười lại trở nên thi vị tình tứ đáng yêu như thế này: “Mắt em mắt lá cùng cười” (Trốn tìm - Định Hải) hoặc như “đôi mắt lá răm mỉm cười”... trong bài thơ “Ngẫu hứng cuối năm” của Lê Đăng Sơn:

Thế là,

Vèo

Hết một năm

Thời gian

Đôi mắt lá răm mỉm cười

Nguyện làm

một giọt sương thôi

Ủ trong lá biếc

liếc người - tuổi xanh.

Trong cái “liếc” ta vẫn thấy cái cười duyên, hóm của người trai Thanh Hóa, đa tình nhưng rất tinh tế và đáng yêu.

Với nhà thơ Văn Đắc lại cho ta một cảm giác khác. Dù không nói chữ cười nào, ta vẫn hình dung ra một bức chân dung thi sĩ ngạo nghễ, ngang tàng với cái cười đầy chất ngư dân của xứ sở “biển bạc, rừng vàng”:

“Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó

Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên”.

Cái khí chất ngang tàng ấy là cái tôi thi sĩ riêng có ở xứ Thanh. Cách ví von ấy cụ thể mà vẫn rất khái quát. Nhà thơ cân đong đo đếm được bản thân bằng cái thước quy đổi cũng riêng có. Chất trạng trong câu thơ làm rõ hơn tính cách Thanh Hóa. Vui mà sâu sắc đó là bản lĩnh của chàng trai mảnh đất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn này.

Nhiều nhà thơ làm thơ lục bát và Huy Trụ là một trong những người thành công với thể thơ này. Có người gọi ông là nhà thơ lục bát xứ Thanh. Ông nhiều lần nói đến tiếng cười để biểu đạt cảm xúc.

“Cái danh đâu chỉ mà chơi

Càng không thể để tiếng cười điêu toa

Chả chi cũng gọi là nhà

Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng”.

(Ngôi chùa)

“Tiếng cười điêu toa” là sự chỉ trích, mỉa mai của người đời. Nhà thơ muốn nói đến cái danh phải chân thực để người đời nể trọng và tiếng thơm lưu truyền. Mỗi người đều có thiện lương giúp mình một cái tâm tốt, dựng ngôi chùa ngay trong chính bản thân mình. Bài “Ngõ quê” là một ví dụ khác nhà thơ Huy Trụ sử dụng hình ảnh tiếng cười:

“Ới nhau bánh đúc, bánh bèo

Ngõ quê thơm thảo, trong veo tiếng cười

Đã yêu, yêu đến “chết” người

Ngõ quê nơi của lứa đôi rập rình.

Tiếng cười ở đây nhà thơ hướng đến sự nồng hậu, trong trẻo, nhân ái của con người nơi thôn dã, cuộc sống giản dị nhưng lòng người “trong veo” không toan tính, vụ lợi. Nhắc đến điều này nhà thơ Huy Trụ đã truyền suy nghĩ đến mọi người. Ai cũng có một miền quê, nhớ quê là nhớ đến tình làng, nghĩa xóm. Tình yêu trai gái cũng mãnh liệt không cần toan tính, vì yêu mà “chết” cũng vẫn yêu. Tình yêu và sự dám hy sinh, chấp nhận để sống thật với lòng mình. Bài thơ là khao khát về cuộc sống bình dị, chân thành trong đời sống hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại nói về tiếng cười trong sự chua xót:

“Chỉ cần cái nhếch mép cười

Bao nhiêu tai họa ập rơi xuống đầu”.

Nói về lẽ đời thơ lục bát là số một về sự nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nguyễn Minh Khiêm đã đúc kết đời vào thơ và đưa thơ vào cuộc sống đời thường. Sự đời hay lẽ đời là những điều các nhà thơ nói được không khô cứng mà đầy hình tượng. Từ đó thơ lục bát như người bạn, có khi như người thầy, có lúc lại như ông tiên cứu rỗi tâm hồn con người. Tiếng cười dù ở những dạng thức khác nhau, nó không đơn thuần là niềm vui, khi nỗi niềm, khi lại là triết lý cho một sự đời mang tính nhân sinh quan.

Tiếng cười kỳ diệu và cũng vi diệu, đôi khi chỉ là “giọt cười” đó là cái cách mà chỉ nhà thơ mới phát hiện ra:

“Cũng trời đất ấy - lạ chưa!

Nắng hừng lên, dáng em mưa mát chồi

Dâng dâng xanh thẳm đỉnh trời

Xanh sâu đáy giếng giọt cười riêng em”.

(Nơi anh về - Đinh Ngọc Diệp)

Cũng là không gian đó, trời đất đó nhờ có “giọt cười” của em trong thơ Đinh Ngọc Diệp mà giếng cũng sâu xanh hơn, trời thẳm hơn, cao hơn, nắng hừng hơn, mưa mát hơn và chồi cũng biếc hơn. Lạ chưa!

Mùa xuân đã gõ cửa muôn nhà. Cầu mong “tiếng cười” trở nên ấm áp hơn cho mọi người và trở nên đáng yêu, đáng nhớ hơn... cho thơ nói chung và thơ lục bát xứ Thanh nói riêng. Chúc cho các nhà thơ sẽ có “duyên” hơn với “tiếng cười” trong sáng tác và gặt hái nhiều thành công trong năm mới Giáp Thìn 2024 này.

THY LAN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]