Lễ hội mùa xuân hay cuộc hành hương về “miền cộng cảm” người Việt
Mùa xuân là bản giao hưởng sự sống đương độ dạt dào nhất. Nương theo nhịp điệu mùa xuân, lòng người như cũng phấn chấn, rộng mở hơn để đón lấy những thanh âm sự sống tươi mới. Và rồi, mang theo tâm trạng ấy, con người càng mong được hòa mình vào mùa xuân, vào những lễ hội xuân như là cách để hành hương về “miền cộng cảm” của tâm thức người Việt...
Lễ hội Đền Bà Triệu.
Mùa xuân, dẫu là khi mưa bụi giăng kín đất trời, hay khi trời hửng nắng để những vạt mật ong phủ lên vạn vật sắc vàng trong, thì cũng đều “ru” tâm hồn con người vào cõi lắng đọng bình yên khó có thể diễn đạt hết bằng lời. Mùa xuân thanh tân, mùa của sức sống căng tràn, mùa của chồi non lộc biếc tận lực tách mình ra khỏi lớp vỏ nặng nề để bắt đầu một sinh mệnh mới. Xuân ươm mầm sự sống và lòng người như càng hân hoan hơn trước sức sống rạo rực, căng tràn của thiên nhiên để nuôi những khát khao, hy vọng về cuộc sống viên mãn, an yên. Trong tiết xuân phơi phới, người ta lại chen chân theo dòng người trẩy hội chùa, hội đền. Để rồi, chốn cửa phật, cửa thánh linh thiêng là nơi con người có thể “tạm lánh” khỏi những tham sân si, hay “chốn” guồng quay hối hả của cuộc sống thường ngày.
Trong những “điểm hẹn mùa xuân” mỗi độ tết đến, xuân về, Am Tiên từ lâu đã là nơi tìm về chiêm bái, vãn cảnh của những đoàn hành hương trên khắp mọi miền Tổ quốc. Am Tiên mùa xuân, dẫu vẫn bấy nhiêu cảnh sắc, nhưng hương xuân, sắc xuân vấn vít đã mang đến cho không gian quen thuộc một ý vị khác. Miền đất “xa chốn bụi trần” này là chốn sơn thủy kỳ thú và những điều linh thiêng, huyền bí chưa thể lý giải. Về Am Tiên những ngày xuân du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp của Ngàn Nưa quanh năm “mây trắng nhởn nhơ vờn đỉnh núi”; hay đưa xa tầm mắt ngắm những xóm giềng, làng mạc như tấm thảm xanh tươi dưới thung lũng; hoặc đắm mình trong cảnh sắc vườn đào ẩn trong màn sương bồng bềnh... Nhưng hơn hết về Am Tiên để được ru mình trong không khí trong lành và linh thiêng nơi đền miếu, huyệt đạo. Từ lâu, chính bởi “tính thiêng” nức tiếng mà Am Tiên đã trở thành “nam châm” hút du khách của xứ Thanh.
Cùng với Am Tiên, thì Phủ Na cũng nổi tiếng xa gần bởi thắng tích trời ban. “Na Sơn động phủ” nơi những đình, đền, miếu mạo nằm chênh vênh giữa tầng tầng, lớp lớp núi non hiểm trở. Nhưng hơn hết, Phủ Na nức tiếng bởi sự linh thiêng của hệ thống nhân vật được thờ phụng, như Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh, Đức ông Triệu Quốc Đạt, “tứ bất tử” Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa con thần Tản Viên... Từ xa xưa trong đời sống tâm linh, tinh thần người Việt, tín ngưỡng thờ cúng nhân thần, nhiên thần đã thấm sâu vào đời sống để nâng đỡ tâm hồn con người. Cũng dễ hiểu khi tín ngưỡng thờ mẫu, thờ các nhân vật lịch sử hướng con người đến những thiện, lòng khoan dung, yêu thương và sống gắn bó, hài hòa, tôn trọng thiên nhiên. Để rồi, được nuôi dưỡng và trao truyền trong cộng đồng làng xã, nên dẫu trải qua vô vàn biến cố của thời cuộc và văn hóa, tín ngưỡng ấy vẫn có được sức sống mãnh liệt và bền chặt.
Bởi vậy mới nói, mùa xuân gắn với lễ hội là mùa hành hương của con người về với nơi khởi phát niềm tin tín ngưỡng, tâm linh. Nếu đã lên rừng với “mẹ Phủ Na” hay xuống biển cùng “cha Độc Cước”, du khách có thể dừng chân ngay tại trung tâm TP Thanh Hóa – một vùng thắng tích, lễ hội không kém phần hấp dẫn. Leo qua ngót trăm bậc thềm đá để lên Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng. Từ “vọng xuân lâu” này, phóng tầm mắt ra xa để tâm hồn thả trôi trên dòng sông Mã mùa xuân đang lặng lờ chảy. Hai bên bờ là sự sống đang nảy nở trong không gian mùa xuân với xóm làng trù mật, phố xá sầm uất... Tất cả cảnh sắc thiên nhiên và sự sống in lên nền trời mùa xuân và tỏa xuống không gian biệt lập, u tĩnh của Thiền viện, khiến con người như được nhập vào chốn vô ưu, vô phiền. Giữa khói hương nghi ngút, mang theo lòng thành kính, người người cầu được tốt tươi, no đủ, an lành, hạnh phúc.
...
Xứ Thanh là xứ sở của những lễ hội truyền thống, với trên 200 lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo... được tổ chức mỗi năm. Theo guồng quay mùa màng, khi mùa xuân bắt đầu một chu kỳ mới trong đời sống cư dân nông nghiệp, cũng là mùa mở hội. Một “vệt lễ hội” trải dài từ miền núi, trung du, xuống đồng bằng và ra miền biển. Nếu người Mông mở hội Gàu Tào mừng lúa đầy rẫy, thóc đầy nhà; thì người Mường, người Thổ mở hội Khai Hạ cầu cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy. Hay cư dân vùng cửa biển Lạch Bạng, Lạch Trường mở hội Cầu Ngư mong những chuyến vươn khơi sóng yên bể lặng, cá tôm đầy thuyền... Dù mang nhiều nét riêng, độc đáo gắn với đặc trưng vùng, miền hay tộc người; và dù là lễ hội lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo hay liên quan đến tập quán sản xuất nông, ngư nghiệp... thì mỗi lễ hội đều được ví như “sân khấu” trình diễn nghệ thuật dân gian (với trò chơi, trò diễn...) và là tấm gương phản chiếu văn hóa (với phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian, văn học dân gian...). Bởi vậy nên lễ hội được ví như một bảo tàng văn hóa - thứ bảo tàng tâm thức lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa của dân tộc.
Du khách dâng hương tại Am Tiên dịp đầu xuân năm mới. Ảnh: tư liệu
Bởi ý nghĩa và giá trị của nó mà trẩy hội xuân từ xưa đã trở thành nếp sinh hoạt, thành phong tục đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Trẩy hội là cách con người thực hành văn hóa, hưởng thụ văn hóa và ở một khía cạnh khó lý giải, dường như mỗi người còn được khoác thêm “tấm áo văn hóa” như một sự “định vị” giá trị bản thân trong cộng đồng. Nói như GS Trần Lâm Biền trong “Hội xuân, vài dòng suy ngẫm” thì “lễ hội, nếu như không còn thì khó mà tưởng tượng nổi, xã thôn như trở về miền hoang dã, lấy gì để cân bằng cho một năm đầy vất vả, cho hòa hợp yêu thương và phần nào bản sắc sẽ dễ tàn phai, làm cạn mòn lòng yêu quê hương nguồn cội”! Bởi vậy, lễ hội là thành tố quan trọng, nơi lắng đọng nhiều lớp phù sa văn hóa. Đồng thời, sức sống và giá trị của nó đã và đang góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt Nam đa sắc màu và giàu giá trị.
Nếu Tết Nguyên đán âm lịch là sinh hoạt của cả cộng đồng, thì lễ hội được xem là ngày tết của một cộng đồng. Để rồi, khi nghiên cứu về lễ hội truyền thống dân tộc Việt Nam, có nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng, “giá trị của lễ hội chính là giá trị cộng cảm và cộng mệnh”. Đây là “một sinh hoạt tập thể long trọng, thường đem lại niềm phấn chấn cho tất cả mọi người, cho mỗi một con người. Những quy cách và những nghi thức của lễ hội mà mọi người phải tuân theo, tạo nên niềm cộng cảm của toàn thể cộng đồng, làm cho mỗi người gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng và do đó thấy mình vươn lên ở tầm vóc cao hơn, với một sức mạnh lớn hơn”.
Các giá trị của lễ hội nói riêng, văn hóa nói chung được “néo chốt” trong cộng đồng thông qua các chuẩn mực, khuôn mẫu, phong tục tập quán, luật tục... Để đến lượt nó, những chuẩn mực, khuôn mẫu, phong tục tập quán, luật tục... ấy lại trở thành “khuôn mẫu” có khả năng điều chỉnh cách thức ứng xử, hành vi, đạo đức của từng cá nhân và cả cộng đồng. Chính vì lẽ đó mà các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có lễ hội, có vai trò liên kết cộng đồng, gắn kết cá nhân với cộng đồng, gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai. Để rồi, trẩy hội mùa xuân, suy cho cùng cũng là phương thức để con người gắn kết với nhau trong “miền cộng cảm”, để sẵn sàng trao đi yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm, vị tha, nhân ái... Thậm chí là để thức dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và để thấy trách nhiệm của mỗi người đối với sự phát triển hưng thịnh của quê hương, đất nước.
Lê Dung
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-02-13 15:59:00
Hương ước - truyền thống và hiện đại
Hàng nghìn người dân và du khách trẩy hội Phủ Na
Những đôi tay nở hoa
Sông Mã hồn tôi
Thầm thì tiếng tiền nhân
Lung linh miền di sản
Xúc tiến, quảng bá - tiền đề cho du lịch “cất cánh”
Một thế kỷ di chỉ văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh
Trẩy hội Đền Nưa - Am Tiên
[E-Magazine] – Những buổi ngày xưa vọng nói về…