Nét văn hóa xứ Thanh qua những chợ truyền thống
Có ý kiến cho rằng, khi muốn tìm hiểu về đất và người nơi mình ghé thăm, thì hãy ra chợ. Chợ không đơn thuần chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa, mà còn là “bức tranh” phản ánh nhiều mặt của đời sống. Ở xứ Thanh, có những chợ truyền thống chỉ nhắc đến tên thôi, đã đủ “định danh” cho cả một vùng.
Chợ Bái Thượng bên dòng sông Chu một thuở từng là một trong những trung tâm mua, bán nông - lâm sản lớn nhất xứ Thanh.
Nằm bên sông Chu, chợ Bái Thượng, xã Xuân Bái (Thọ Xuân) có lịch sử hình thành trên 100 năm, từng giữ vai trò là một trong những trung tâm mua bán nông, lâm sản lớn nhất xứ Thanh một thời.
Nằm ở vị thế đắc địa - kề sông, lại là “cửa ngõ” đi các huyện miền Tây xứ Thanh, chợ Bái Thượng buổi ban đầu thành lập mới chỉ tập hợp một vài nhà buôn nhỏ và thợ thủ công ở nhiều nơi khác đến. Sau đó, nhờ giao thông đường thủy thuận lợi, chợ Bái Thượng “tỏa” ảnh hưởng đến nhiều vùng phụ cận như Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân...
Và rất nhanh sau đó, chợ Bái Thượng sầm uất với đủ loại hàng hòa từ miền xuôi đưa lên, miền ngược đưa xuống. Trong đó, nổi bật là các mặt hàng nông, lâm sản (thóc, gạo, bông, tơ tằm, luồng, gỗ, song mây...). Hoạt động giao thương tại chợ cũng không còn “bó hẹp” chỉ ở người địa phương và vùng lân cận mà cả tỉnh ngoài, thậm chí là người nước ngoài. “Các lái buôn Hoa kiều hay người tỉnh lỵ và xứ Bắc đến đây mua hàng rất đông. Bến sông thuyền bè đậu kín đôi bờ với người mua, người bán thật tấp nập. Bái Thượng có nhiều nhà tầng kiên cố kiểu Pháp mọc lên, rồi những hiệu bánh kẹo, hàng phở, vàng bạc, hàng hương, vàng mã, lò rèn ra đời... Các nhà thầu người Hoa, người Việt suốt ngày bận bịu với việc thu mua nông, lâm sản để chuyển ra Bắc Kỳ” (sách Lịch sử xã Xuân Bái). Và nhờ đó, đã từng bước hình thành nên “sắc vóc” một phố Bái Thượng sôi động, phát triển cho đến ngày nay.
Chợ Bái Thượng là một trong những chợ truyền thống điển hình cho sự giao thương buôn bán giữa người miền xuôi với miền ngược. Cuộc sống ngày càng phát triển, mỗi làng mỗi xã đều có chợ, sự sầm uất “trên bến dưới thuyền” của chợ Bái Thượng dẫu không còn, song cho đến nay chợ Bái Thượng vẫn được xem là chợ trung tâm - điểm trung chuyển các mặt hàng của khu vực cuối huyện Thọ Xuân với các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc.
Chủ tịch UBND xã Xuân Bái Phạm Ngọc Tới, cho biết: “Có lịch sử hình thành hơn một thế kỷ, chợ Bái Thượng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của vùng đất Xuân Bái. Được sự đầu tư, nâng cấp, chợ Bái Thượng hiện nay có diện tích trên 2.800m2 với đa dạng các sản phẩm hàng hóa vẫn là địa chỉ buôn bán, trao đổi hàng hóa được nhiều tiểu thương và người dân tìm về”.
Và có lẽ, ở đâu có người, có nhu cầu trao đổi, ở đó có chợ. Ngược ngàn lên với huyện miền núi cao nhất, xa nhất của xứ Thanh, du khách sẽ được trải nghiệm xúc cảm “đi chợ trong sương”. Là chợ phiên Nhi Sơn (Mường Lát) mỗi tháng chỉ họp một lần vào ngày 15. Như một lời “ước hẹn”, bất kể mùa đông hay hè, đến ngày họp chợ, từ tờ mờ sáng người dân từ mọi nẻo đường đã vượt núi, băng đèo theo chân nhau về họp chợ, vui chơi, thậm chí chỉ để gặp gỡ nhau sau nhiều ngày xa cách. Phải chăng vì thế, mà người ta gọi chợ Nhi Sơn là phiên chợ tình.
Về chợ Nhi Sơn, đồng bào các dân tộc mang theo bất kể thứ gì có thể trao đổi. Là vài cân gừng được đào trong vườn nhà, dăm túi ớt nhỏ, mươi bó rau cải còn đẫm hơi sương; rồi cả những gói xôi nếp mang sắc màu của lá rừng, dăm loại bánh làm thủ công đơn giản; rồi những quần áo, vải vóc màu sắc sặc sỡ được dệt thủ công... Người ta đến chợ với sự háo hức, mong chờ.
Anh Lý Seo Phì - một tiểu thương ở đây chia sẻ: “Chợ Nhi Sơn đông nhất, vui nhất là phiên tháng 11, 12. Đó là thời điểm mà người dân đi làm ăn xa ở các nơi trở về nên đi chợ rất đông, người bán người mua tấp nập, thậm chí đến chợ còn phải chen chân”. Nếu có dịp, hãy một lần đi chợ phiên Nhi Sơn, mỗi người chắc chắn sẽ có nhiều xúc cảm về một phiên chợ đặc sắc nơi “cổng trời” Mường Lát.
Khách phương xa khi về với Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) hẳn sẽ không dừng lại ở sự ái mộ với truyền thống học hành, khoa bảng, mà còn ấn tượng trước chợ Quăng quy mô, từng một thuở được liệt vào danh sách những chợ lớn bậc nhất của tỉnh Thanh.
“Chợ Quăng mang dáng dấp phố xá... chợ chia làm nhiều khu, mỗi khu dành cho một số mặt hàng. Khu vải vóc, khu hàng xén, khu thóc gạo, trầu cau, khu thực phẩm, khu chuyên sản xuất và bán nông cụ. Ở phía Bắc khu chợ chính có chợ bán gia súc gọi là chợ trâu bò, họp trên khu đất rộng... Ở Hoằng Bột (tên gọi Hoằng Lộc trước đây - PV) từ xưa đã hình thành một lớp người buôn bán... Trong số người đi buôn, có không ít các bà vợ những ông đồ, ông cống chấp nhận cảnh vất vả, đòn gánh đè vai, để nuôi chồng, nuôi con ăn học” (sách Hoằng Lộc đất hiếu học).
Theo Ngọc phả, chợ Quăng có từ thời Lý, có tên chữ là “Thiên Quan thị”, tên chợ được cho là gắn liền với câu chuyện về danh tướng Nguyễn Tuyên đã có công phò giúp vua nhà Lý đánh giặc?! Trải qua nghìn năm với những lần thay đổi địa điểm họp chợ song không vì thế mà tên chợ đổi thay. Và không đơn thuần là nơi giao thương buôn bán - chợ Quăng còn được ví như “địa chỉ văn hóa” hấp dẫn khách muôn phương.
Người dân Mường Lát đi chợ phiên Nhi Sơn.
Dù cùng là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa song mỗi chợ truyền thống lại mang “vẻ đẹp” riêng. Và có phải chúng ta đã từng tự hỏi, chợ truyền thống có từ bao giờ? Theo sách Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia: “Lẽ tự nhiên, trong sinh hoạt đời sống, khi con người có nhu cầu trao đổi hàng hóa, tất yếu sẽ nảy sinh những địa điểm tụ họp để mọi người có điều kiện gặp gỡ giao lưu và trao đổi hàng hóa. Những địa điểm tụ họp đó có thể to, có thể nhỏ, nhưng phải thỏa mãn yêu cầu là một địa điểm công cộng thuận tiện nhất trong vùng. Cứ thế, trải qua năm tháng, sinh hoạt, giao lưu hàng hóa diễn ra thành lệ, được mọi người gọi là chợ. Tuy nhiên, chợ truyền thống Việt Nam thời cổ, trung đại có từ bao giờ, thì chưa thể xác định được thời điểm chính xác”.
Còn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Ngày 6 tháng 10 (mùa đông) năm Hồng Đức thứ 8 (1477) có định lệ mở chợ mới. Ra sắc chỉ rằng, sinh dân các huyện, châu, xã ở các xứ trong nước mỗi ngày một đông, nếu muốn mở thêm chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu phải khám xét thực tế, nếu quả là tiện lợi cho dân thì làm bản tâu lên, cho theo tiện lợi mà họp chợ”.
Trải qua thời gian với những biến thiên, chợ truyền thống cũng vì thế mà thay đổi phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của đời sống, thậm chí phải “cạnh tranh” với nhiều loại hình kinh doanh khác. Dẫu vậy, không phải vì thế mà chợ truyền thống mất đi vai trò - vị thế đã được “tạo dựng” xuyên suốt những thế kỷ.
Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Tường trong sách Về miền du lịch xứ Thanh, nhìn nhận: “Chợ tiêu biểu ở các vùng miền xứ Thanh không chỉ là chợ giao thương, chợ văn hóa của một thời đã qua, mà những mỹ tục ấy mãi còn sức sống trường tồn, được người xưa tạo dựng, gìn giữ, trao truyền và được các thế hệ thực hành cho đến hôm nay, đã và đang phát huy giá trị, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch trên quê hương Thanh Hóa”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:34:00
Lịch sử thú vị về lá quốc kỳ có hình dáng “kỳ lạ” nhất trên thế giới
-
2024-12-15 13:30:00
Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Mango tử nạn
-
2023-12-30 13:56:00
Vang tiếng cồng chiêng trên vùng đất Mường Đủ
Chợ đêm tại Phú Quốc mở cửa tới sáng hút du khách tới vui chơi, ngắm pháo hoa
[E-Magazine] - Khoảng lặng ngày cuối năm
Thực hiện nếp sống văn minh ở các địa phương có khu, điểm du lịch
Countdown 2024: Chờ đón đêm pháo hoa rực rỡ và những khoảnh khắc bùng nổ tại Sunset Town
Tây Ninh sẽ đón Năm mới 2024 với màn pháo hoa rực rỡ tại quảng trường Ga đi cáp treo Sun World Ba Den Mountain
Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Chào năm mới 2024”
Cầu Hôn được CNN ngợi khen: Cầu Hôn gửi lời chào, thế giới tặng lời đáp
[Podcast] - Tản văn: Phù sa vàng
Cầu Hôn vừa khai trương đã “sốt rần rần”, hàng nghìn du khách check-in mỗi ngày