(Baothanhhoa.vn) - Đi giữa bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng trồng và rừng tự nhiên ngút ngàn thuộc địa bàn Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh bảo vệ, quản lý và các xã tham gia thực hiện dự án lâm nghiệp chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện về hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Đi giữa bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng trồng và rừng tự nhiên ngút ngàn thuộc địa bàn Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh bảo vệ, quản lý và các xã tham gia thực hiện dự án lâm nghiệp chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện về hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Thái (Như Thanh).

Giám đốc BQLRPH Như Thanh Nguyễn Văn Dũng, nhận định: “Xã hội hóa nghề rừng là chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước. Kể từ khi triển khai thực hiện, xã hội hóa nghề rừng đã thực sự làm chuyển biến ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, BV&PTR của đơn vị, tạo điều kiện cho Nhân dân vươn lên làm giàu chân chính trên mảnh đất quê hương”. Một số cán bộ, công nhân BQLRPH Như Thanh phấn khởi cho biết: Để chủ động quản lý, BV&PTR bền vững, BQLRPH Như Thanh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xã hội hóa công tác BV&PTR tận gốc. Xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, loại rừng được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phù hợp tiêu chí quy định. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để BV&PTR. Các trạm quản lý, bảo vệ rừng (BVR) đóng tại các xã thường xuyên bám địa bàn hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh như keo nuôi cấy mô, keo hom... bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng trồng đã cho sản phẩm theo quy định. Từ năm 2015 đến tháng 11-2022, BQLRPH Như Thanh đã hướng dẫn kỹ thuật; cung ứng cây giống; tổ chức cho các hộ nhận khoán đất sản xuất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định được gần 4.000 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 500 ha rừng gỗ lớn, gần 200 ha cây keo nuôi cấy mô... Nhờ tích cực trồng và BVR, người dân trong vùng BQLRPH Như Thanh quản lý có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, nâng cao đời sống, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.

BQLRPH Như Thanh là một trong số các đơn vị điển hình đã phát huy hiệu quả BV&PTR gắn với sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả sau gần 14 năm thực hiện Quyết định số 138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 17-11-2006 và quyết định về chuyển 12 lâm trường thành BQLRPH của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ tháng 1-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sáp nhập từ 12 BQLRPH còn 8 BQLRPH. Việc chuyển đổi và sáp nhập đã đánh dấu bước ngoặt mới trong hoạt động quản lý, BV&PTR, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng.

Từ khi chuyển đổi, nhiệm vụ chủ yếu của các BQLRPH là tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có. Kết quả nổi bật là an ninh rừng ngày càng ổn định. Các vụ khai thác trái phép lâm sản, điểm nóng xâm hại rừng đã được giải quyết dứt điểm. Các BQLRPH đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong giải quyết, tháo gỡ về chồng lấn đất đai, vi phạm Luật Lâm nghiệp; xây dựng, triển khai ký cam kết phối hợp trong công tác BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng nên số vụ tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật về sử dụng đất, BVR giảm đáng kể. Tính từ năm 2007 đến tháng 11-2022, các BQLRPH đã bảo vệ an toàn khoảng 173.000 ha rừng; khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên 22.288 ha; khoanh nuôi, tái sinh trồng bổ sung 624 ha; trồng gần 21.000 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ; chăm sóc hơn 20.000 ha rừng trồng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 45,1% (năm 2007) lên 53,5% (31-12-2021). Hàng năm, các đơn vị còn sản xuất, cung cấp hàng triệu cây giống lâm nghiệp các loại phục vụ trồng rừng, trồng cây phân tán. Đời sống của các hộ nhận khoán ngày càng được nâng cao, yên tâm gắn bó với rừng, góp phần giữ vững an ninh rừng.

Rừng được bảo vệ và phát triển tốt không những phát huy tốt tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo cảnh quan môi trường đẹp mà còn có tác dụng cung cấp nước, giữ nước bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân nhận đất, nhận rừng. Hầu hết đất trống, đồi trọc trên địa bàn, đặc biệt là diện tích đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho các ban quản lý đã cơ bản được phủ xanh. Một số BQLRPH đã đầu tư, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người lao động. Cụ thể như BQLRPH Thường Xuân xây dựng 8 ha vườn quế đầu dòng phục vụ đề án phát triển 1.000 ha quế Thường Xuân; đưa máy sàng vào xử lý hạt lim xanh để có tỷ lệ nảy mầm trên 90%; BQLRPH Thạch Thành đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào trồng cam; BQLRPH Lang Chánh đầu tư trồng rừng thâm canh, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) gắn với xây dựng hệ thống chế biến gỗ rừng trồng, bảo đảm tận dụng hết các sản phẩm khai thác từ rừng, hình thành chuỗi liên kết từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các mô hình trồng rừng thâm canh của BQLRPH Lang Chánh, BQLRPH Như Thanh có năng suất cao gấp 2,5 lần trồng rừng quảng canh...

Thông qua triển khai các chương trình, dự án và công tác lâm nghiệp, các BQLRPH đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi, bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu cho chế biến, hình thành các mô hình phát triển kinh tế rừng bền vững... Nhờ sắp xếp đã rà soát hiện trạng, lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và xây dựng các phương án: SXKD, sử dụng đất hiệu quả.

Tuy nhiên, có một thực tế là các BQLRPH được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai rất lớn, quá sức quản lý và đầu tư khai thác nên nảy sinh vấn đề xâm canh, lấn chiếm đất. Một phần do năng lực tài chính khó khăn nên chưa khai thác được tiềm năng đất đai, lao động gắn với sản xuất và chế biến. Công tác quản lý đất đai thời gian qua còn thiếu chặt chẽ trong đo đạc xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguồn lực đầu tư cho việc cắm mốc trên thực tế tại các ban quản lý còn nhiều hạn chế. Việc đo vẽ chủ yếu sử dụng thiết bị thủ công nên vị trí, diện tích và ranh giới một số khu đất, khu rừng giao chưa chính xác, chồng chéo, dẫn đến xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nhận khoán sản xuất tại một số địa phương. Sau chuyển đổi, nhiều BQLRPH vẫn chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong tổ chức SXKD rừng sản xuất, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, kinh tế trang trại, khai thác và sử dụng rừng. Các đơn vị có sản phẩm khai thác từ rừng như gỗ, nhựa thông, nứa, luồng nhưng chủ yếu bán ra thị trường dưới dạng sản phẩm thô, chưa qua chế biến, không thu hút được nhiều lao động, giá trị sản phẩm thấp. Một số hộ được giao khoán đất lâm nghiệp với diện tích lớn, vượt khả năng kinh tế của hộ, không có khả năng đầu tư phát triển rừng, ảnh hưởng đến kế hoạch SXKD của đơn vị. Thậm chí có hiện tượng một số hộ nhận khoán không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng khoán, tự ý chuyển đổi cây trồng không đúng quy định...

Mục tiêu đặt ra đối với các BQLRPH là bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; tập trung hình thành các vùng trồng rừng sản xuất, lâm sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh với quy mô lớn, gắn trồng rừng với chế biến và thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng rừng, thu hút và tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động làm nghề rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xã hội hóa nghề rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các BQLRPH tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân. Tích cực đổi mới, vận dụng cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đầu tư bảo vệ tốt các khu rừng phòng hộ hiện có và phát triển rừng sản xuất hiệu quả, tạo nguồn thu, cải thiện đời sống cho người lao động để họ yên tâm gắn bó với rừng. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án về lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình và tổ chức quốc tế đầu tư trồng rừng, chế biến, khai thác lâm sản; khai thác tiềm năng, thế mạnh đất lâm nghiệp và rừng hiệu quả. Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Đối với diện tích đất đã giao khoán, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung những nội dung còn thiếu trong hợp đồng giao khoán so với quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhận khoán thực hiện không đúng hợp đồng khoán, sử dụng diện tích nhận khoán sai mục đích, diện tích khoán bị chuyển nhượng trái pháp luật, thì thanh lý hợp đồng và thu hồi diện tích khoán. Đối với diện tích rừng phòng hộ đã giao khoán, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, BVR. Diện tích rừng sản xuất là rừng trồng đã giao khoán, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo hướng chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ diện tích rừng trồng sản xuất của các BQLRPH đều là rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao thu nhập để người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Thùy Dương


Thùy Dương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]