Lối đi nào cho hạt muối quê biển?
Đã một thời, nghề muối gắn bó với diêm dân 2 xã Hải Lộc và Hòa Lộc (Hậu Lộc) như máu thịt. Thế nhưng, bao phen lận đận với giá cả, cơ chế thị trường, thời tiết... nghề “phơi nước biển” đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Diêm dân vẫn duy trì các công đoạn làm muối theo phương pháp thủ công, truyền thống.
Muối “đắng”
Trên cánh đồng muối Trương Xá (xã Hòa Lộc) - nơi đầy nắng, gió, hàng chục diêm dân vẫn “vùi mình” trong vị mặn chát của nước biển, màu trắng của muối và nền trời xanh ngắt không một gợn mây. Cho tới bây giờ, hầu hết diêm dân ở Hậu Lộc vẫn duy trì các công đoạn làm muối theo phương pháp thủ công, truyền thống: Phơi cát - lọc chạt - kết tinh. Nhờ thế, chất lượng hạt muối nơi đây khá tốt. Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa lấy mẫu muối của HTX muối Tam Hòa gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm định. Chất lượng sản phẩm muối được đánh giá hạng A về độ tinh khiết; hạt muối không nhiễm kim loại.
Tuy nhiên, sản xuất thủ công, giá muối không thể cạnh tranh với thị trường, đặc biệt là với các vựa muối trong Nam. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, khiến người dân không thể có vốn để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghề muối. Trong khi, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp, không được tu bổ, cải tạo lại khiến chất lượng muối ngày càng giảm, giá trị xuất bán không cao. Một vòng luẩn quẩn xung quanh hạt muối khiến nhiều diêm dân đã rời bỏ ruộng muối, nhưng còn đó những người vẫn có lý do riêng để thủy chung với cái nghề của cha ông. “Hòa Lộc có 2 cánh đồng muối là Trương Xá và Nam Tiến với khoảng 300 hộ dân hiện đang gắn bó với nghề làm muối, trên diện tích hơn 30ha. Lao động ra đồng làm muối chủ yếu là người già và phụ nữ; còn thanh niên, người khỏe mạnh đa phần đi làm ăn xa hoặc chuyển đổi sang các nghề khác như: kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làm công nhân...” - anh Lê Văn Kiên, Phó Giám đốc HTX muối Tam Hòa, mở đầu câu chuyện.
Mới chỉ cách đây khoảng 10 năm, cả xã Hòa Lộc có đến gần 100ha đất làm muối nhưng hiện tại chỉ còn lại 1/3. Năm 2023, 4.100 tấn muối được làm ra tại xã Hòa Lộc đã cung cấp cho các công ty, chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Hậu Lộc và các vùng Nga Sơn, Hoằng Hóa, các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hà Nam... với giá bán trung bình là 2.500 đồng/kg. Như vậy, nếu chia bình quân cho khoảng 300 hộ dân, mỗi hộ chỉ đạt được khoảng 3 triệu đồng/tháng từ việc làm muối. “Nghề muối vốn cực nhọc, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thu nhập thấp nên chẳng ai ở Hòa Lộc giàu lên nhờ làm muối” - anh Kiên nói.
Chưa kể, việc các doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh muối trên địa bàn chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đa phần sản lượng muối làm ra, diêm dân phải tự tìm đầu ra, mạnh ai nấy bán nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Phó Giám đốc HTX muối Tam Hòa, giãi bày: “HTX muối Tam Hòa rất muốn đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con, vừa đảm bảo đầu ra, vừa ổn định giá cả, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có vốn. Ngay cả đến phương án vay ngân hàng, HTX cũng từng bàn tới nhưng không thể thực hiện vì không có tài sản thế chấp. Vì thế, HTX muối Tam Hòa chỉ đứng ra kết nối giữa các bên, lo dịch vụ thủy lợi, kênh mương nội đồng cho người dân”.
Chuyển đổi đất làm muối kém hiệu quả
Giá cả bấp bênh, cơ sở vật chất không được đầu tư, diện tích đồng muối đang dần thu hẹp, người dân không còn mặn mà với nghề... đó không chỉ là vấn đề riêng của xã Hòa Lộc mà còn là thực trạng ở các địa phương còn nghề làm muối như xã Hải Lộc (Hậu Lộc); phường Hải Châu, phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn). Vậy, đâu là lối đi cho hạt muối và những cánh đồng muối. Bài toán chuyển đổi nghề muối sang mô hình kinh tế nuôi trồng thủy sản và hướng tới cụm công nghiệp được tính đến.
Theo chia sẻ của anh Lê Văn Kiên, địa phương đã chuyển đổi 30ha đất làm muối kém hiệu quả, trong đó 18ha chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, cá bống giống, 8ha dành để xây cụm công nghiệp Hòa Lộc, 3ha làm công ty giày. “Việc bỏ muối sang tôm thì cũng theo quy luật phát triển thôi, lợi nhuận từ muối thì thấp, còn tôm thì rất cao. Cùng 1ha đất, nhưng dùng để nuôi trồng thủy sản, cho doanh thu tới 1 tỷ đồng/năm, còn làm muối chỉ đạt gần 100 triệu đồng” - anh Kiên chia sẻ.
Là một trong những hộ gia đình tích cực trong việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi tôm, anh Đào Văn Bình, ở thôn Tam Hòa (xã Hòa Lộc), chia sẻ: “Diện tích đất sản xuất muối bị nhiễm mặn chỉ có thể phù hợp nhất với nuôi trồng thủy sản, tôi quyết định chuyển đổi 1.400m2 đất sản xuất muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích gia đình không đủ cho việc nuôi tôm, tôi mua thêm diện tích sản xuất muối của các hộ bên cạnh, nâng tổng số diện tích khu nuôi tôm lên hơn 5.000m2. Nếu thời tiết thuận lợi, 1 năm cho thu hoạch 3 vụ tôm, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện, mô hình đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ”.
Việc chuyển đổi đất sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa Lộc nói riêng và huyện Hậu Lộc nói chung đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, tạo bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây chính là một hướng chuyển đổi cần thiết cho vùng đất này. Tuy nhiên, nuôi tôm cho thu nhập cao nhưng phải đầu tư lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nghề làm muối khó làm giàu nhưng để ổn định cuộc sống thì bền vững hơn so với các ngành nghề khác.
Được biết, quy hoạch của huyện Hậu Lộc đến năm 2030, xã Hòa Lộc vẫn sẽ giữ lại 14ha đất làm muối để duy trì nghề. Đây thực sự là một tin vui đối với bà con diêm dân nơi đây, nhất là với những người vốn nặng lòng với nghề làm muối. “Nghề làm muối - nghề “gieo nước biển” được xem là một trong những nét đặc trưng trong đời sống sản xuất của người dân ven biển. Ai đã trải qua những năm tháng nhọc nhằn trên ruộng muối sẽ không thể nào quên được cái chói chang của nắng, cái khô rát của gió với tinh thần “Tranh mưa, cướp nắng, quyết thắng thiên nhiên”. Vì thế, nghề làm muối Tam Hòa không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần chất chứa trong đó nữa" - ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, khẳng định.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-12 23:32:00
Nền tảng để Thanh Hóa cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
-
2025-01-12 16:38:00
Doanh nghiệp Thanh Hóa với danh hiệu “Sao Vàng Đất Việt”
-
2024-08-29 16:48:00
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn thực hiện tốt cung ứng điện cho mùa khô và bảo vệ môi trường
Hồi sinh “đất chết”
Giá xăng, dầu cùng giảm trước nghỉ lễ 2/9
Tăng biện pháp mạnh gỡ “thẻ vàng” IUU
Tiếp tục giữ vững và phát huy thương hiệu Agribank Bắc Thanh Hóa
Prudential Việt Nam hợp tác cùng Viện Quản trị và Công nghệ FSB xây dựng chương trình đào tạo dành cho các Giám đốc văn phòng tổng đại lý
Quả chanh dây Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Bản tin Tài chính 29/8: Giá vàng quay đầu giảm mạnh; USD tăng lên mốc 25.090 đồng
Những cái nhất làm nên “kỳ tích” của dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối
Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Cửa Đạt phục vụ sản xuất và dân sinh mùa mưa, bão