(Baothanhhoa.vn) - Điều đó đặt ra yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Lời Bác năm xưa: “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”

Điều đó đặt ra yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Lời Bác năm xưa: “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN.

Ngày 7-4-1965, với bút danh Lê Nông, Bác Hồ viết bài “Chúng ta có thể đạt hơn 5 tấn thóc cả năm/một hec ta” đăng trên Báo Nhân dân số 4022, để biểu dương một số hợp tác xã đã đạt chỉ tiêu này. Trong bài viết, Người nhấn mạnh: “Phải coi nhân tố con người là vấn đề số một”.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, song vượt lên khuôn khổ của một bài báo biểu dương người tốt, việc tốt, lời răn dạy của Bác đã trở thành bài học kinh nghiệp thực tiễn sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Đó là tư tưởng và ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân với tư cách chủ thể sáng tạo của lịch sử, là ngọn nguồn sức mạnh vô tận để đưa cách mạng Việt Nam đi đến những thắng lợi vĩ đại cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những ngày đầu “toàn dân, toàn diện kháng chiến”, ngày 5-4-1948, Bác Hồ đã viết 12 điều răn gửi anh chị em bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, yêu cầu mọi người ai cũng cần phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc hoặc sống chung với dân, gồm 6 điều nên làm và 6 điều không nên làm, sau cùng là bài thơ: “Mười hai điều trên/ Ai chả làm được/ Hễ người yêu nước/ Nhất quyết không quên/ Tập thành thói quen/ Muôn người như một/ Quân tốt, dân tốt/ Muôn sự đều nên/ Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.501-502.). Trong đó, câu thơ “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” đã trở thành chân lý, thành ngọn đuốc sáng soi đường cho cách mạng.

Ngày 8-12-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam, với tất cả tình cảm và sự tôn trọng nhân tố chủ thể của lịch sử, Bác Hồ đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Đó vừa là lời nhắn nhủ, đồng thời cũng là chỉ dẫn - sức mạnh của Đảng chính là nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Tư tưởng của Bác, cũng là kết tinh mạch nguồn tư tưởng của một dân tộc mà từ thuở hồng hoang dựng nước luôn đi liền với đấu tranh giữ nước, để rồi tạo dựng thành một nguyên lý - một nghệ thuật giữ nước là “chiến tranh Nhân dân”.

Trong “Văn lộ bố” trước khi tấn công quân Tống ở biên giới phía Bắc, Lý Thường Kiệt đã nói: “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền tất hoà mục. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân”.

Chỉ trong vòng 30 năm (1258-1288), 3 lần Đại Việt ta bị vó ngựa Nguyên Mông giày xéo. Thế nhưng, cả 3 lần đội quân xâm lược đã từng thu phục hơn 700 dân tộc, sáp nhập tới 40 quốc gia khác nhau từ Đông sang Tây đều bị đánh bại bởi hào khí Đông A, bởi “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức”. Giữ được giang sơn bờ cõi đã khó, gìn giữ và quy tụ được được sức mạnh lòng dân để giữ cho “non sông nghìn thuở vững âu vàng” còn khó hơn bội phần. Bởi vậy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất 2 tháng, đã có lời tâu với vua Trần Anh Tông – mà cho đến nay có giá trị như một chân lý dựng xây đất nước: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Tư tưởng đó tiếp tục được Nguyễn Trãi kế thừa và phát triển thành những kế sách trị quốc “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” - thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Và, “lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ”…

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phản ánh được nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để có thể tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng cho cách mạng, vì mục tiêu xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh. Tại Hội thảo khoa học về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh do Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 20-2-2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (thời điểm đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), đã nhấn mạnh: Lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khẳng định nguyên tắc mà Đảng ta đã khẳng định, đó là ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Mọi chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lòng dân.

Ý chí và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ là nguồn sức mạnh, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, “nói đi đôi với làm”, thực sự là công bộc của Nhân dân. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài. Đồng thời phải kiên quyết xử lý tình trạng người đứng đầu, cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, xa rời quần chúng, bị kỷ luật, ảnh hưởng tới mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]