(Baothanhhoa.vn) - Trước những nhận định và dự báo tình hình thiên tai, mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND huyện Nga Sơn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Từ tháng 5-2022, khi chuẩn bị vào thời điểm mùa mưa bão, huyện đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021 từ huyện đến xã để đánh giá những tồn tại, hạn chế, đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thảo luận để đề ra và triển khai các nhóm nhiệm vụ cho mùa mưa bão năm 2022.

Nga Sơn chủ động phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão

Trước những nhận định và dự báo tình hình thiên tai, mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND huyện Nga Sơn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. Từ tháng 5-2022, khi chuẩn bị vào thời điểm mùa mưa bão, huyện đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021 từ huyện đến xã để đánh giá những tồn tại, hạn chế, đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thảo luận để đề ra và triển khai các nhóm nhiệm vụ cho mùa mưa bão năm 2022.

Nga Sơn chủ động phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bãoVật tư cọc tre dự trữ theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai của xã Ba Đình.

Ngoài triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống, sự cố, thảm họa do thiên tai gây ra. Thời điểm từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, huyện đã thành lập các tổ công tác đi đôn đốc, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư dự trữ PCTT năm 2022 tới từng xã, thị trấn theo số lượng được giao. Theo đó, mùa mưa bão năm 2022, toàn huyện xây dựng kế hoạch dự trữ 3.700m3 đất, 610m3 đá hộc, 420m3 đá dăm, 460m3 cát, gần 20,4 tấn rơm rạ, gần 97.300 bao tải. Nhiều vật tư khác cũng được yêu cầu luôn trong tình trạng sẵn sàng để xử lý khi có sự cố đê điều trên địa bàn, như 39.400m2 bạt và phên liếp, 2.700 rọ tre và sắt, 22.000 cọc tre, 14.000 cây tre... Qua kiểm tra thực tế của huyện, đến nay, các địa phương đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ các đầu mục và số lượng vật tư được giao. Các vị trí tập kết đều được bố trí tại những nơi thuận lợi cho vận chuyển khi có tình huống khẩn cấp. Hiện tại UBND huyện cũng đã hoàn thành phương án di dân phía ngoài đê vào trong đê và các hộ dân có nhà ven sông, ven biển không đảm bảo an toàn đến các địa điểm tránh trú an toàn khi có bão.

Với các công trình phục vụ PCTT, những tháng qua, các phòng, đơn vị liên quan của huyện đã tổ chức kiểm tra tất cả các hệ thống kênh tiêu, thủy lợi nội đồng trên địa bàn, huy động lực lượng ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các kênh. Đến nay, toàn huyện đã nạo vét khoảng 11.111m3 bùn đất bồi lắng, vớt gần 486.000m2 bèo và các loại cây dại gây cản trở dòng chảy trên các công trình kênh mương, sông. Cùng với đó, huyện đã tổ chức phát quang hành lang các tuyến đê sông Lèn, đê sông Hoạt, sông Càn và tuyến đê biển trên địa bàn. Các công trình thủy lợi đang được đầu tư nâng cấp từ ngân sách huyện và tỉnh, như đê tả sông Càn qua xã Nga Điền, đê hữu sông Càn qua xã Nga Phú, đê biển Nga Sơn giai đoạn 2 qua xã Nga Thủy đều được huyện quan tâm yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Các xã, thị trấn trên địa bàn cũng chủ động trích kinh phí để cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi nhỏ, hệ thống kênh mương tiêu thoát nước nội đồng.

Từng phòng, đơn vị liên quan của huyện cũng được giao triển khai những nhiệm vụ cụ thể. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên kiểm tra để nắm bắt tình hình hoạt động các công trình đê, kè, cống, các trạm bơm tiêu, kênh tiêu phục vụ công tác PCTT&TKCN. Đồng thời, xây dựng phương án trọng điểm các tuyến đê; tham mưu tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, kè cống; xây dựng phương án khắc phục hậu quả do thiên tai. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Luật PCTT để nâng cao ý thức người dân, tổ chức và chính quyền các địa phương trong chủ động phòng ngừa bão lụt theo phương châm “tự cứu lấy mình trước khi được người khác đến cứu”. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện được giao tham mưu chỉ đạo đảm bảo về dự trữ nhiên liệu, hàng hóa, nhu yếu phẩm trong khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời tham mưu kế hoạch huy động phương tiện vận tải đường bộ khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu sơ tán dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ... Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu xây dựng kế hoạch, bảo đảm kinh phí phục vụ kịp thời công tác PCTT&TKCN.

Với các đơn vị có tính độc lập và đoàn thể trên địa bàn, cũng được đưa vào thành viên chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Phòng thủ dân sự huyện, giao phụ trách nhiều nhiệm vụ liên quan. Ban Chỉ huy Quân sự huyện là cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; đồng thời, trực tiếp phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn trên đất liền; tổ chức chỉ đạo và chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên phối hợp với các cơ quan, ngành và địa phương, các đơn vị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tìm kiếm cứu nạn, xử trí các tình huống khẩn cấp xảy ra. Đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Trung tâm Y tế dự phòng huyện chịu trách nhiệm chuẩn bị tốt vật tư, hóa chất phục vụ xử lý môi trường trước, trong và sau bão lụt. Chi nhánh Thủy lợi Nga Sơn tổ chức tu sửa cống tiêu, bảo dưỡng, thay thế phần cơ điện các trạm bơm để kịp thời phục vụ tiêu úng. Trạm Biên phòng Hói Đào phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, thông tin liên lạc, thông báo, kêu gọi và nắm bắt tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh. Phương án quản lý, kiểm soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển về nơi tránh, trú bão an toàn cũng được đơn vị lên phương án sẵn sàng.

Từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT,TKCN và Phòng thủ dân sự huyện cũng được phân công phụ trách từng địa bàn để kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra. Các xã, thị trấn trên địa bàn cũng đã thành lập các tổ lực lượng xung kích, lực lượng canh đê, hộ đê và công tác bảo đảm khác.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]