Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài cuối): Cuộc “cách mạng” làm mới chính mình
Sau “phép thử” COVID-19, “cơn bão” suy thoái kinh tế dường như còn là một liều “thuốc thử liều cao” hơn và đến một cách bất ngờ, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không kịp trở tay. Làm sao để chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn? Nghe hình như mâu thuẫn, nhưng đó là đòi hỏi tất yếu!
Công ty Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc) đã thành công kết nối xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc vào những ngày đầu năm 2024, tạo cơ hội để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất trong tương lai. Ảnh: Minh Hằng
Chủ động trên lằn ranh “sống, chết”
Tuy đơn hàng, doanh thu có giảm, nhưng Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (Khu Công nghiệp Lễ Môn) hiện vẫn tạo việc làm đều đặn cho hơn 200 lao động. Cùng với việc tăng cường quản trị nội bộ để tiết giảm chi phí sản xuất, công ty chú trọng việc đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm. Lao động giỏi, tay nghề cao, thiết kế bắt kịp xu hướng và làm maketing tốt vẫn được DN chú trọng tuyển dụng và đào tạo.
Bà Vũ Thị Ngọc Anh, giám đốc công ty, cho biết: “Các sản phẩm, trang thiết bị giáo dục vẫn được công ty xác định là thế mạnh. Cùng với việc cập nhật, tiếp cận xu hướng của thế giới, DN đã thuê chuyên gia nghiên cứu, cải biến, “việt hóa” cho phù hợp với chi phí, vóc dáng, thời tiết và thị yếu của người tiêu dùng Việt Nam. Điển hình như năm 2024, dòng sản phẩm bàn ghế học sinh I20 dự định được DN “trình làng” phân phối bán lẻ, tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng các thiết kế “ngoại” theo giá “nội”. Thay vì những sản phẩm nhập khẩu châu Âu có mức giá hàng chục triệu đồng, người tiêu dùng Việt Nam có thể được sử dụng sản phẩm này mới mức giá chỉ từ 1 - 2 triệu đồng. Ưu điểm của sản phẩm là có thể linh hoạt lắp ghép, di chuyển phù hợp các hình thức giáo dục khác nhau như là sắp xếp riêng lẻ, học nhóm, thảo luận hay dã ngoại...”.
Trong lĩnh vực may mặc, giày da, trong khi đa phần các DN bị cắt giảm đơn hàng thì một số DN vẫn duy trì lượng đơn hàng ổn định và phát sinh thêm khách hàng mới, giúp DN “cầm cự” và trang trải việc làm cho lao động.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty TNHH 888 (Quảng Xương) là một trong số những DN ít ỏi mà công nhân vẫn đang thực hiện tăng ca thêm từ 1 - 1,5 giờ/ngày để kịp những đơn hàng đã nhận cho quý I/2024. Mặc dù thị trường chính là Mỹ, EU - đối tác đang chịu tác động nặng nề nhất trong làn sóng suy thoái kinh tế, song năm 2023, Công ty TNHH 888 vẫn đang có việc làm ổn định cho hơn 1.100 công nhân. Uy tín về chất lượng, tiến độ giao hàng chính là những yếu tố giúp DN giữ chân được các nhà phân phối lớn. Cùng với đó, để bù đắp sản lượng đơn hàng giảm tại các thị trường truyền thống, công ty đã đa dạng thêm một số thị trường tiềm năng tại châu Á và đã thành công kết nối thêm 8 đối tác.
Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn) đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Ông Dương Văn Lâm, Phó tổng giám đốc, cho biết: “Hiện tại, công ty đã có đơn hàng xác nhận đến hết quý II/2024. Từ cuối năm 2023, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tập hợp mẫu, nghiên cứu bổ sung máy móc và đào tạo tay nghề cho lao động để đáp ứng tốt yêu cầu của các đơn hàng mới nhận và tiến hành hiệu quả các kế hoạch sản xuất mới”.
“Trong thách thức, vẫn nhìn thấy cơ hội” - am hiểu sâu thị trường và lạc quan chính là động lực để các DN trong hệ sinh thái Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực cố gắng. “Từng tác động tiêu cực, từng thời cơ đối với từng mũi nhọn sản xuất đều được chúng tôi phân tích theo diễn biến từng tuần, từng tháng, từng quý, từ đó, có những chiến lược phù hợp trong từng thời điểm” - anh Nguyễn Công Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa - trực thuộc tổng công ty, chia sẻ.
“Với các thị trường Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, mặt hàng ngao được chúng tôi phân tích là mặt hàng thiết yếu, bởi nó gắn liền với hành vi tiêu dùng và văn hóa ẩm thực của các quốc gia này. Khi kinh tế có suy thoái, đây cũng sẽ là những mặt hàng chỉ bị cắt giảm cuối cùng. Do đó, chúng tôi tự tin đây là sản phẩm tiêu dùng có tính bền vững, xứng đáng để được đầu tư duy trì, phát triển và kỳ vọng khôi phục sản lượng sau thời điểm khó khăn. Ngành hàng chả cá surimi với các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapo... cũng là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, thiết yếu. Cùng với đó, đây cũng là sản phẩm có tính công nghiệp hóa trong sản xuất, chế biến, phân phối nên cơ hội tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn. Những yếu tố này đã nói lên sức sống của nghề, giúp chúng tôi vững tâm giữ nghề, đồng thời quay lại để làm tốt mình hơn”, ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ thêm.
Và, để “làm tốt mình hơn”, DN đã tái cấu trúc toàn bộ hoạt động, từ thị trường, sản phẩm, vốn đến điều chỉnh lao động phù hợp. Đồng thời kéo dài các chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Thay vì chỉ thu mua nguyên liệu, con ngao đã có vùng nuôi hơn 500ha; đồng thời liên kết với vùng ngao Kim Sơn (Ninh Bình) để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận ASC cho hơn 889ha ngao Meretrix Lyrata. Đây là chứng chỉ cao nhất trong ngành thủy sản và vùng ngao Kim Sơn hiện là vùng nuôi ngao lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là vùng nuôi ngao thứ 2 thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế “Visa vip” này (sau vùng nuôi Nghĩa Hưng - Nam Định trong chuỗi liên kết của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam). Trong ngành gỗ, DN cũng kéo dài chuỗi giá trị đến tự đầu tư khai thác nguyên liệu, đồng thời đa dạng thêm sản phẩm viên nén gỗ...
Với việc cải tiến hoạt động sản xuất như sử dụng phụ phẩm của ngành gỗ làm chất đốt, giảm năng lượng tiêu hao từ than, giảm chi phí nhân công, vật tư sửa chữa... đã giúp DN giảm được từ 7 - 8% chi phí - tương đương lợi nhuận những năm trước đó, giúp DN có thể tăng sức cạnh tranh về giá bán so với DN khác. Trong thời điểm khó khăn như những năm 2022, 2023, DN vẫn duy trì sản lượng cơ bản khoảng 14.000 tấn ngao, tương đương doanh thu 700 tỷ; 800 tấn chả cá, bột cá với doanh thu 1.000 tỷ; ngành gỗ đạt doanh thu 500 tỷ và đang dự ước đạt 700 - 800 tỷ đồng trong các năm 2024-2025.
Thích nghi để phát triển
Nhìn lại có thể thấy, trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực, một số DN từng có tên tuổi từ hàng chục năm về trước thì đến nay đã bị “đổi ngôi”, thậm chí sống lay lắt nếu không kịp thích ứng với những cú sốc lớn vừa qua. “Muốn thành công, cần phải sẵn sàng thay đổi theo thời cuộc” - câu nói tôi khá tâm đắc khi được chia sẻ bởi 1 doanh nhân nhiều kinh nghiệm. Ngẫm lại thực tế, có những DN trẻ mới bắt tay vào cuộc nhưng cũng đã có những thành công nhất định khi kịp thích ứng với xu thế.
Những ngày đầu năm mới 2024, Công ty Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh (Hậu Lộc) do anh Nguyễn Văn Tú làm giám đốc đã thành công với đơn hàng tổ yến sào và tổ yến chưng đầu tiên xuất khẩu đi Trung Quốc - một thị trường được đánh giá vô cùng rộng lớn, đặc biệt đối với sản phẩm từ yến sào.
Là trai quê, hành trình khởi nghiệp khó khăn hơn rất nhiều đối với anh Tú do thiếu kiến thức, kinh nghiệm và vốn. Cùng với “cắp sách” học hỏi và nỗ lực của bản thân, sau 10 năm, anh Tú đã đạt được một số thành công nhất định. Đến nay, công ty đã có 6 nhà yến sở hữu và 300 nhà yến liên kết tại nhiều tỉnh, thành, với 12 dòng sản phẩm mang thương hiệu Yến sào xứ Thanh có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: yến chưng, yến rút lông khô xuất khẩu, tổ yến sợi, tổ yến tinh chế... với doanh thu đã đạt tới 18 - 20 tỷ đồng/năm.
Công ty TNHH 888 (Quảng Xương) tăng ca sản xuất để đáp ứng tiến độ giao hàng đã ký kết trong các quý đầu năm.
Anh Nguyễn Văn Tú chia sẻ: “Trước và sau dịch có rất nhiều ngành nghề gặp khó khăn; nhưng trong khó khăn đó cũng có nhiều DN có cơ hội phát triển nếu có những bước đi kịp xu thế, đặc biệt ngành nghề sản phẩm thực phẩm liên quan tới sức khỏe lại được người tiêu dùng ưu tiên chi phí hơn”.
Thanh Hóa đặt mục tiêu, đến năm 2025 đưa khối DN đóng góp tới 65% - 70% GRDP. Khu vực DN tạo việc làm cho khoảng 500.000 lao động. Đến năm 2025, đóng góp vào ngân sách của khu vực DN chiếm 65% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh. |
Theo anh Tú, ngoài việc luôn quan tâm tới nâng cao chất lượng, thương hiệu và cạnh tranh giá cả, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, DN đã nhanh chóng tiếp cận với xu hướng số. Ngoài đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm, DN đã thành lập riêng một bộ phận truyền thông chuyên bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử như: titok, shopee, sendo. Với hướng đi này, doanh thu của DN tăng tới 200% trong thời điểm dịch bệnh, tạo tiền đề để DN mở rộng sản xuất, kinh doanh hiện nay. Năm 2023, anh Nguyễn Văn Tú được tôn vinh là 1 trong 81 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2023.
Với Công ty CP Phát triển nông nghiệp và dược liệu Việt Nam (Thạch Thành), bắt đầu định vị được thương hiệu trên thị trường, cũng là khi dịch bệnh COVID-19 và nhiều khó khăn khác ập đến. Tự tin là người đầu tiên “khai phá” và đang làm chủ vùng nguyên liệu 600ha nơi quê nhà cùng việc phân tích nhu cầu của người tiêu dùng trong đời sống hàng ngày đối với các loại tinh dầu làm từ dược liệu, nhất là từ cây sả đã giúp giám đốc trẻ Nguyễn Hữu Minh vững tâm tiếp tục nghiên cứu tìm cơ hội tồn tại và phát triển.
“Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tác động tích cực cho cộng đồng sống trong và xung quanh vùng nguyên liệu, công ty đã hỗ trợ thiết lập các tổ hợp tác sản xuất, từ đó cũng giảm bớt được áp lực về khâu sản xuất và chăm sóc vùng nguyên liệu. Bắt nhịp xu hướng kinh doanh, phân phối số, chúng tôi tinh gọn lại bộ máy nhân viên văn phòng, tập trung nhân sự bán hàng trực tuyến; đồng thời tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chuyên sâu, đặc biệt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm”.
Vượt qua khó khăn, khởi nghiệp với điều kiện eo hẹp, đến nay Công ty CP Phát triển nông nghiệp và dược liệu Việt Nam đã có 10 xưởng sản xuất, bảo đảm tiêu thụ nguyên liệu từ lá sả cho các xã Thạch Sơn, Thành Minh, Thành Vinh với quy mô diện tích khoảng 600ha. DN hiện có 10 dòng sản phẩm tinh dầu, trong đó 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, tạo việc làm cho 30 lao động. Lao động trong các tổ hợp tác sản xuất tinh dầu có thu nhập đạt tới 150 - 200 triệu đồng/người/năm từ “phế thải” là lá sả vốn vẫn bị bỏ đi trong nhiều năm qua.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình nhận định: Khó có thể kể hết những thách thức của DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng như những biến động thực tại cũng là một dịp để kiểm chứng, sàng lọc, một “thuốc thử” liều cao đối với DN. Đây cũng là cơ hội “đại sàng lọc”, loại bỏ DN yếu kém và hoạt động không thực chất, để môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn; đồng thời thị trường cũng sẽ xuất hiện các mối liên doanh, liên kết chặt chẽ hơn, bền vững hơn trong sản xuất - quản trị - phân phối - tái đầu tư. Một đợt cơ cấu lại DN, cũng như một lần DN “khám bệnh” lại chính mình, từ đó nhìn thấy những căn bệnh cần “điều trị” sớm. Qua đợt sàng lọc này, DN nào còn tồn tại và đứng vững, chắc chắn sẽ đón nhận vận hội mới khi thị trường hồi phục trong tương lai”.
Minh Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-27 11:41:00
Khởi công Dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn
-
2024-12-27 10:15:00
Thị trường hoa, cây cảnh sôi động vào vụ tết
-
2024-01-30 10:16:00
Bản tin tài chính sáng 30/1/2024: Giá vàng và USD đi lên, dầu giảm
Trải nghiệm không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại quảng trường Lam Sơn
Đánh thức một vùng núi hoang
Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài 2): “Miếng bánh” chính sách khó cầm
Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024
Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Hyundai Lam Kinh được vinh danh là “Đại lý chăm sóc khách hàng tốt nhất” năm 2023
Bản tin tài chính sáng 29/1/2024: Giá vàng chờ tin Fed, dầu tăng, USD giảm
Nhiều lợi ích từ hóa đơn điện tử
Tăng tốc, bứt phá để về đích các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024