Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài 2): “Miếng bánh” chính sách khó cầm
Trợ lực doanh nghiệp (DN) phục hồi sau dịch, các cơ quan từ Trung ương tới tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách, chỉ đạo, cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, nếu các chính sách hỗ trợ này vẫn mới chỉ... ở trên tivi, báo đài mà chưa đi được vào thực tiễn, các DN sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn kéo dài.
Sản xuất vật liệu xây dựng tại Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thanh Tâm (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa). Ảnh: Minh Hằng
Loay hoay với ưu đãi tín dụng
Có uy tín, kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường thiết bị nội thất trường học và dân sinh, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa) cũng không tránh khỏi khó khăn chung của thị trường với doanh thu suy giảm khoảng 30% trong năm 2023. Trong bối cảnh này, DN vẫn đang tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với mức lãi suất khá cao, có khoản vay lên tới 10,5% và đến tháng 11/2023 vừa qua mới được giảm xuống 9%. Ngoài việc được giảm lãi suất một cách “nhỏ giọt” khi trực tiếp đến làm việc, đề xuất với ngân hàng sau các kỳ điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì DN này cũng chưa hấp thụ được chính sách hỗ trợ lãi suất cụ thể nào. Theo đại diện DN thì các ngân hàng cũng có vẻ chưa mặn mà với việc hướng dẫn DN thụ hưởng chính sách. Phải chăng, không chỉ DN mà chính các ngân hàng cũng còn e dè và lo ngại với việc tuân thủ các quy định về thủ tục, hồ sơ cũng như công tác hậu kiểm?
Có thể nói, trong 2 năm vừa qua, chính sách về tiền tệ là một trong những chính sách được Nhà nước chú trọng điều hành và chỉ đạo quyết liệt. Nhiều ngân hàng cũng đã tích cực tung ra các gói tín dụng ưu đãi để “cứu” DN. Tuy nhiên, câu chuyện ngân hàng thì thừa tiền, nhưng DN lại “đói” vốn đang là vấn đề gây “đau đầu” các nhà quản lý. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 27.000 DN nhưng chỉ có 4.686 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Như vậy, chỉ có 17,3% DN hấp thụ được vốn ở thời điểm hiện nay, phản ánh “bức tranh” yếu ớt về lưu động dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, với dư nợ 52.130 tỷ đồng cho 4.686 khách hàng DN, nhưng con số khách hàng được cơ cấu nợ trong năm 2023 chỉ có 266 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 1.274 tỷ đồng là một con số quá ít ỏi.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Thanh Hóa thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Mặc dù mặt bằng lãi suất hiện nay tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao và quá sức so với khả năng chịu đựng của DN cũng như lợi nhuận có thể đạt được trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc định giá tài sản bảo đảm cũng chưa sát với mức giá thị trường, khiến ngân hàng và DN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”.
Đặc biệt, để hỗ trợ các DN, HTX, hộ cá thể khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều gói hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đã được ban hành nhưng phần lớn đều bị “tắc” đầu ra. Điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ lên tới 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, cả nước chỉ giải ngân được 1.400 tỷ đồng (tương đương 3,5%).
Một khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN theo chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển DN năm 2023.
Tại Thanh Hóa, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, hơn 19 tháng triển khai thực hiện chính sách này (từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023), Thanh Hóa chỉ có 208 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất với dư nợ 1.343 tỷ đồng và tiền lãi suất đã hỗ trợ 17,5 tỷ đồng. Con số này, so với nhu cầu vốn thực tế của các DN, HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn quá thấp và chưa đáp ứng như kỳ vọng khi triển khai, thực hiện chương trình.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cho rằng: “Sở dĩ DN rất khó tiếp cận chính sách này vì kèm theo đó có quá nhiều điều kiện chưa phù hợp với DN. Đặc biệt, cả phía ngân hàng và DN đều rất e dè khi triển khai thụ hưởng chính sách do lúng túng trong việc xác định tiêu chí như thế nào là “DN có khả năng hồi phục”?
Cộng đồng DN mong muốn trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sát sao hơn, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại địa phương thực hiện nghiêm việc giãn, hoãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng tinh thần của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cần mạnh dạn có những giải pháp đột phá, tháo gỡ những “điểm nghẽn” và ban hành các chính sách thực sự khả thi trong hỗ trợ nguồn vốn và khắc phục tình trạng chậm triển khai chính sách hỗ trợ như thời gian vừa qua.
Nhiều chính sách vẫn trên... “bàn giấy”
Được đánh giá là địa phương có những chỉ đạo quyết liệt để tạo dựng hành lang thông thoáng cũng như đa dạng các chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên, phần lớn những quyết sách hỗ trợ hiện vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Thực hiện Nghị định 12/2023/NĐ-CP, ngày 14/4/2023 của Chính phủ, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 1.227,8 tỷ đồng; trong đó, gia hạn cho 1.602 DN số tiền thuế giá trị gia tăng là 622 tỷ đồng; gia hạn thuế thu nhập DN cho 1.489 DN với số tiền 548 tỷ đồng; gia hạn số tiền thuê đất cho 395 DN với số tiền 57,8 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện chính sách miễn giảm thuế đất, thuê mặt nước 360 tỷ đồng; khoanh tiền nợ thuế cho 1.163 DN với số tiền hơn 98 tỷ đồng; xóa nợ tiền thuế cho 983 DN với số tiền hơn 35,7 tỷ đồng. |
Điển hình như Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh (NQ 214) về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026 với 7 chính sách hỗ trợ DN: Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN và quản trị DN; hỗ trợ kinh phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN; hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của DN trên nền tảng số của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số; hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các DN xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới. Tuy nhiên qua 2 năm triển khai, những chính sách có tính chất thiết thực đối với việc khuyến khích, tăng niềm tin và hỗ trợ DN hồi phục lại không giải ngân được.
Năm 2023, chính sách hỗ trợ DN theo NQ 214 được phân bổ nguồn vốn gần 15 tỷ đồng; trong đó 2,5 tỷ đồng hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các DN xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới; 3,5 tỷ đồng hỗ trợ sử dụng chữ ký số; hơn 2,4 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số; hơn 2,7 tỷ đồng bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN; hơn 2,9 tỷ đồng bồi dưỡng kiến thức về quản trị DN; 550 triệu đồng hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; 268 triệu đồng hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN và 90 triệu đồng in ấn, cung cấp miễn phí cẩm nang hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký DN, quy trình thực hiện đăng ký DN qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ DN.
Sản xuất nước uống đóng chai Nhà máy Nước Vida&La Sante (Khu Kinh tế Nghi Sơn).
Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Ban Chỉ đạo Phát triển DN thì ngoài thực hiện hỗ trợ 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN và 77 lớp bồi dưỡng kiến thức về quản trị DN, đạt 100% kế hoạch cùng một số nội dung không trọng yếu như: cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký DN, hỗ trợ miễn phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính... thì một số chính sách lại không khả thi thực hiện; đặc biệt là chính sách như hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các DN xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, chính sách hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; chính sách hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số... qua 2 năm triển khai vẫn không có DN đăng ký hay đủ điều kiện thụ hưởng.
Theo Sở Công Thương, từ năm 2022 đến nay và cũng trùng thời điểm thực hiện chính sách cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất của hoạt động xuất khẩu. Các thị trường mới như Mỹ, EU... là những thị trường chính yếu của DN trong tỉnh cũng chính là những thị trường đang chịu ảnh hưởng của lạm phát nặng nề khiến đơn hàng bị cắt giảm chứ chưa nói đến việc mở mới. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều DN cũng nỗ lực đa dạng hóa thị trường sang một số nước châu Á nhưng chủ yếu là các đơn hàng nhỏ. Chính vì vậy, trong 2 năm qua, không có DN nào đăng ký thụ hưởng chính sách này.
Cùng với đó, các DN cũng nhận định, điều kiện thụ hưởng chính sách không dễ khi DN phải đáp ứng có đơn hàng kim ngạch đơn hàng tối thiểu 300.000 USD.
Với nội dung hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số, theo Sở Tài chính, nguyên nhân khó giải ngân là do đối tượng, trình tự thủ tục hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên hiện nay Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định của nghị định nên các đơn vị được giao chủ trì chưa có cơ sở để thực hiện.
Thêm 1 chính sách hỗ trợ DN không hiệu quả là chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026 được ban hành theo Nghị quyết 121/2021/NQ-HĐND. Nổi bật của chính sách này là DN được hỗ trợ kinh phí 1 lần để đầu tư các hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động CCN với mức kinh phí 1 tỷ đồng/ha đối với địa bàn các huyện 30a; 0,7 tỷ đồng đối với các huyện miền núi còn lại và 0,5 tỷ đồng/ha đối với các huyện đồng bằng và ven biển. Qua 3 năm triển khai, chính sách vẫn chưa... tìm được đơn vị thụ hưởng.
Nguyên nhân khiến chính sách không giải ngân được là do không đáp ứng được điều kiện “dự án đã đi vào sản xuất trên phần diện tích đã được Nhà nước cho thuê đất”. Thực tế, với việc chồng chéo các thủ tục pháp lý trong đầu tư cũng như gian nan trong giải phóng mặt bằng như hiện nay, các DN phải mất thời gian rất dài mới có thể hoàn chỉnh thủ tục xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động. Thậm chí, đến hết thời gian hiệu lực thực hiện chính sách... có khi dự án vẫn chưa đủ điều kiện thụ hưởng. Qua 3 năm không phát sinh đối tượng hỗ trợ, tính khả thi không có và Sở Tài chính đang đề nghị xem xét dừng thực hiện chính sách này.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình, “sức khỏe” yếu chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến DN không thể đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, không loại trừ nguyên nhân do khâu truyền thông, triển khai chính sách vẫn còn hời hợt, chủ yếu mới được lồng ghép qua các hội nghị. Do đó, DN có nghe đến cũng còn rất “mù mờ” và nếu muốn thụ hưởng không biết bắt đầu tư đâu?
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Sao Mai (TP Thanh Hóa) nhận định: “Phần lớn hiện nay, các chính sách hỗ trợ DN vẫn nằm trên “bàn giấy”, DN hầu như chưa thể tiếp cận được. Chính sách được tạo ra để áp dụng nhưng trên thực tế mới chỉ được ban hành tới văn phòng các sở, ban, ngành, còn đối tượng áp dụng chính sách thì nhiều khi không biết đến sự tồn tại của chính sách. Hoặc có biết rồi thì cũng không biết tiếp cận bằng cách nào?
Còn anh Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp và Dược liệu Việt Nam (Thạch Thành), chia sẻ: “Có nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất dược liệu nhằm nâng cao giá trị cho vùng nguyên liệu là cây sả. Năm 2023, tôi cũng từng nghiên cứu và tiếp cận chính sách về lĩnh vực này nhưng thực sự “tẩu hỏa nhập ma” do chính sách quy định thủ tục, hồ sơ thụ hưởng còn rất phức tạp, hướng dẫn theo kiểu chỉ từ nghị định nọ sang thông tư kia, chưa kể các văn bản dưới luật, khiến chúng tôi thực sự nản và bỏ cuộc”.
Minh Hằng
Bài cuối: Cuộc “cách mạng” làm mới chính mình.
{name} - {time}
-
2024-12-12 07:00:00
Bản tin Tài chính (12/12): Giá vàng cao nhất trong 2 tuần, đà tăng có dừng lại?
-
2024-12-11 20:12:00
Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu
-
2024-01-29 14:53:00
Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024
Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Hyundai Lam Kinh được vinh danh là “Đại lý chăm sóc khách hàng tốt nhất” năm 2023
Bản tin tài chính sáng 29/1/2024: Giá vàng chờ tin Fed, dầu tăng, USD giảm
Nhiều lợi ích từ hóa đơn điện tử
Tăng tốc, bứt phá để về đích các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Người chăn nuôi trâu, bò gặp khó
Tạp chí hàng đầu International Finance vinh danh Vietjet Air với loạt giải thưởng dẫn đầu về quản trị tài chính và hàng không
Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài 1): “Ốm yếu” trong bối cảnh đặc biệt
Agribank Bắc Thanh Hóa: Dấu ấn 5 năm "Kiến tạo nền móng - Hướng tới tương lai”