Khơi thông nguồn vốn để kinh tế tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với nhiều kết quả đạt được, ngành ngân hàng Thanh Hóa tiếp tục khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm sẻ chia và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các tổ chức tín dụng giúp các doanh nghiệp, người dân khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của tỉnh, NHNN Thanh Hóa đã cụ thể hóa và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt, có trách nhiệm các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, thông suốt, góp phần hỗ trợ tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến ngày 31/12, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 164.490 tỷ đồng (không bao gồm ngân hàng phát triển), tăng 18% so với đầu năm. Tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 190.236 tỷ đồng (không bao gồm ngân hàng phát triển), tăng 8,2% so với đầu năm. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần tích cực giúp các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh được triển khai hiệu quả, là động lực để tăng trưởng kinh tế.
Để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngành ngân hàng Thanh Hóa luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đối tượng được ưu tiên hàng đầu để ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ. Thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, chủ động đối thoại, làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn ngân hàng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, thực chất. Ngay từ đầu năm 2023, NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo các TCTD khẩn trương triển khai các chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ như: cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của NHNN để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, cùng với thực hiện các chương trình tín dụng và chính sách hỗ trợ khách hàng theo quy định của Chính phủ và NHNN Việt Nam, các TCTD trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện hơn 89 gói tín dụng hỗ trợ khách hàng theo chương trình nội bộ (ưu đãi lãi suất, miễn/giảm lãi...). Đến nay đã có 203.454 khách hàng được hỗ trợ với doanh số cho vay được hỗ trợ đạt hơn 76.539 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là gần 287 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các TCTD vô cùng ý nghĩa để các doanh nghiệp, người dân khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đầu tư nguồn vốn phát triển nền kinh tế, các TCTD cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, như: thanh toán qua mã QRCode, Internet Banking, Mobile Banking... giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng, giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, giúp cho dòng vốn ngân hàng vận hành linh hoạt vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hình thức thanh toán trực tuyến đã được người dân đón nhận, hưởng ứng tích cực trong sinh hoạt hàng ngày cũng như thực hiện thanh toán cho dịch vụ hành chính công và các dịch vụ thiết yếu khác như tiền học phí, viện phí, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội... Qua đó, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền hành chính số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh thực hiện chính sách tín dụng, lãi suất hỗ trợ khách hàng, trong năm qua ngành ngân hàng tỉnh đã làm tốt công tác an sinh xã hội thông qua các chương trình quà cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, ủng hộ lời kêu gọi của tỉnh và các địa phương về công tác an sinh xã hội với tổng số tiền đạt hơn 210 tỷ đồng.
Bước vào năm mới Giáp Thìn 2024, ngành ngân hàng Thanh Hóa xác định tiếp tục đồng hành cùng khách hàng, thực hiện hiệu quả các phương án sản xuất, kinh doanh. NHNN Thanh Hóa phát huy vai trò làm đầu mối chỉ đạo các TCTD khơi thông nguồn vốn, đáp ứng nguồn lực để nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Bài và ảnh: Khánh Phương
- 2024-11-04 22:11:00
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
- 2024-11-04 22:02:00
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam
- 2024-02-05 16:11:00
Doanh thu xuất khẩu quý 4/2023 của Vinamilk tăng trưởng ấn tượng gần 20%
Hỗ trợ người dân phát triển mô hình sản xuất hiệu quả
Bảo tồn, phát triển làng nghề thích ứng với thị trường
Giá vàng hôm nay (5/2): Giá giảm, vàng chưa hết rủi ro
Ứng dụng cơ giới hóa rộng rãi trong trồng trọt
Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Mở hướng phát triển con nuôi siêu lợi nhuận
Hạt Kiểm lâm Nghi Sơn tăng cường bảo vệ rừng
Nuôi lợn rừng dưới tán cây cho thu nhập cao
Bản tin tài chính sáng 4/2: Giá vàng chốt tuần giảm, cơ hội mua vào