(Baothanhhoa.vn) - Sau khi giải quyết nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, những ngày đầu năm 2025 một số “siêu” dự án tại Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động. Với tổng mức đầu tư lớn, các dự án sẽ góp phần lan tỏa sức hút đầu tư; đồng thời hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Khởi động các “siêu” dự án

Sau khi giải quyết nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, những ngày đầu năm 2025 một số “siêu” dự án tại Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động. Với tổng mức đầu tư lớn, các dự án sẽ góp phần lan tỏa sức hút đầu tư; đồng thời hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Khởi động các “siêu” dự ánDây chuyền 3, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 đã sẵn sàng vận hành.

Tổ hợp Hóa chất Đức Giang với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công vào ngày 17/2 tới, chia thành 3 giai đoạn đầu tư. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất 151.000 tấn hóa chất/năm. Trong đó, có 50.000 tấn xút NaOH quy đặc 100%, 30.000 tấn chất xử lý nước (PAC), 20.000 tấn bột tẩy trắng Ca, 15.000 tấn axit HCI... Khi giai đoạn 2 đi vào vận hành, sản phẩm nhựa dẻo PVC sẽ ra đời và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được sản phẩm có công nghệ chế biến phức tạp này. Theo Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tổ hợp hóa chất lớn nhất Việt Nam. Dự án này được lãnh đạo công ty xem là “át chủ bài” trong tương lai, khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn Lưu Bách Đạt từng chia sẻ: Dự án có nhiều lợi thế như gần hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn, mỏ đá vôi quanh khu vực này có trữ lượng lớn, tạo thuận lợi cho đầu vào sản xuất. Về đầu ra, công ty đánh giá thị trường nội địa có nhu cầu lớn, bởi năng lực sản xuất hóa chất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, hóa chất trong nước mới đáp ứng 50% cho công nghiệp và tiêu dùng. Nếu sản xuất được sẽ hạ được giá thành sản phẩm và chủ động đầu vào cho nhiều nhà máy lớn. Hóa chất Đức Giang đã “nhắm” đến nhiều khách hàng như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS)... Khi giai đoạn 1 đi vào vận hành, Tổ hợp hóa chất Đức Giang dự kiến giải quyết việc làm cho 300 lao động trực tiếp và đóng góp khoảng 100 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa mỗi năm. Khi tổ hợp đi vào vận hành hoàn chỉnh, sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Trước đó, ngày 17/9/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án số 1 của tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn làm chủ đầu tư. Theo đó, tiến độ thực hiện gồm khởi công, lắp đặt thiết bị, chạy thử và bàn giao từ quý IV/2024 đến quý I/2026, hướng đến hoàn thành và vận hành chính thức trong quý I/2026.

Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam do Công ty TNHH Dệt Billion Union Thanh Hóa có vốn từ Singapore, được xây dựng tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) dự kiến khởi công vào ngày 17/2. Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà máy có quy mô diện tích 32,5ha, tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD (1.600 tỷ đồng). Mục tiêu sẽ sản xuất vải và hoàn thiện sản phẩm dệt với công suất 60 tấn/ngày, tương đương 18.000 tấn/năm (120 triệu m2 vải/năm) và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư, vận hành.

Theo Công ty TNHH Dệt Billion Union Thanh Hóa, nhà máy sẽ sử dụng máy móc, thiết bị phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; đồng thời tuân thủ các quy chuẩn về xử lý khí thải, nước thải, chất thải... đạt tiêu chuẩn an toàn theo đúng quy định của Việt Nam trước khi thải ra môi trường.

Khởi động các “siêu” dự ánKhu công nghiệp Đồng Vàng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, ngành may mặc, giày da đang chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này chủ yếu mới đáp ứng được mục tiêu giải quyết việc làm, giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp này chưa cao do phụ thuộc nguồn nguyên, nhiên liệu được chỉ định nhập khẩu. Cùng với đó, nhiều DN chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại do thiếu DN phụ trợ cung ứng nguyên liệu nội để đáp ứng về quy tắc xuất xứ đầu vào. Việc nhà máy sản xuất trong lĩnh vực cung ứng nguyên, phụ liệu sẽ phần nào dần lấp “lỗ hổng” trong chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó thúc đẩy thu hút thêm nhiều dự án mới trong lĩnh vực này.

Cùng với nỗ lực hỗ trợ các dự án chuẩn bị bước vào lộ trình khởi động, tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghệ (KCN) cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn để các dự án đang trong quá trình triển khai sớm như: Nhà máy sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn; Cảng Container Long Sơn; Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn; Dự án hạ tầng KCN số 3, số 17, số 20, Đồng Vàng, luyện kim; KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Đồng thời tăng tốc các thủ tục triển khai chấp thuận đầu tư các dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn; KCN phía Tây TP Thanh Hóa...

Ngay trong quý I/2025, một số dự án như Dây chuyền 3 Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương; Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn sẽ đưa vào vận hành khai thác, góp phần gia tăng đáng kể năng lực sản xuất tại KKTNS.

Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, chia sẻ: “Hiện nay, dây chuyền 3 của nhà máy đã hoàn thành lắp đặt máy móc thiết bị. Ngày 6/1, hệ thống điện phục vụ vận hành nhà máy cũng đã hoàn thiện đấu nối. Công ty đang tiến hành hiệu chỉnh máy móc thiết bị để vận hành thử ngay trong quý I và đi vào vận hành thương mại vào tháng 4/2025. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng dây chuyền 4 vào cuối năm nay".

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]