(Baothanhhoa.vn) - Nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã chú trọng đến việc phát triển du lịch cộng đồng thông qua nhiều cách làm đa dạng, phong phú. Từ đó, không chỉ bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mường sinh sống trên địa bàn, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khám phá du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lâm

Nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã chú trọng đến việc phát triển du lịch cộng đồng thông qua nhiều cách làm đa dạng, phong phú. Từ đó, không chỉ bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mường sinh sống trên địa bàn, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khám phá du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lâm

Thác Mây đẹp như dải lụa trắng, là điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tháng 4 này, khi tiết trời ấm áp cũng là lúc du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lâm bước vào mùa cao điểm. Sở dĩ nơi đây có sức hút du khách là nhờ có dòng thác Mây còn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Theo truyền thuyết kể lại, thác Mây còn có tên gọi khác là thác “chín bậc tình yêu”. Thác nằm giữa cánh rừng nguyên sinh đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm với độ cao khoảng 100m, với 9 bậc thác gối lên nhau tạo nên những dòng nước mềm mại như đường lượn sóng của một dải lụa trắng. Xưa kia thác Mây từng là một dòng thác êm ả, trong vắt, hiền hòa. Bỗng dưng vào một ngày có chín nàng tiên bay qua đây và đã dừng chân xuống tắm lại dòng thác này. Khi các nàng tiên đang tắm thì có lệnh của Ngọc Hoàng gọi về, chín nàng tiên vội vã bay về trời để lại chín dấu chân, trở thành chín bậc thác và người ta gọi là “chín bậc tình yêu”.

Năm 2019, thác Mây đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Năm 2022, thác Mây là một trong 4 thác nước nổi tiếng được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lựa chọn phát hành bộ tem “Thác nước Việt Nam” để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và danh lam thắng cảnh Việt Nam. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng khẳng định tiềm năng giá trị cảnh quan thiên nhiên của xã, mà còn là “tiền đề” để địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đó, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thác Mây đến đông đảo du khách ở trong và ngoài tỉnh. Vốn là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, Thạch Lâm còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng của đồng bào Mường như: các loại hình diễn xướng dân gian, cồng chiêng, hát ru, sắc bùa, mo Mường; các trò chơi dân gian như: đánh mảng, tung còn, bắn nỏ, chơi đu; các món ăn truyền thống đặc sắc như: xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng; nghề dệt thổ cẩm... Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ được khoảng 300 ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường. Trong đó, có một số nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Đây chính là “đòn bẩy” để xã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động trải nghiệm đặc sắc.

Những năm qua, xã luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân quan tâm đến việc xây dựng nếp sống mới văn hóa, văn minh để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn xã; khuyến khích người dân tộc Mường giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình; tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch cho người dân trên địa bàn... Hàng năm, xã cũng tích cực tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mường, để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cũng nhờ những cách làm linh hoạt, sáng tạo đó, du lịch cộng đồng trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Đến nay, toàn xã đã có 20 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng. Ngoài việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ ăn nghỉ cho 30 - 40 lượt khách du lịch lưu trú thường xuyên, các hộ làm du lịch cộng đồng cũng tăng cường xây dựng các tour du lịch kết hợp với các hình thức trải nghiệm diễn tấu cồng chiêng, các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường, đưa khách đến tham quan trực tiếp nghề dệt thổ cẩm... Ngoài các hộ làm du lịch cộng đồng, việc chỉnh trang lại nhà sàn, sửa sang lại khuôn viên tạo diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp cũng được nhiều hộ dân trong xã quan tâm thực hiện, từ đó để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách đến tham quan.

Ông Lê Văn Chiến, hộ làm du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lâm, cho biết: “Nhận thấy du lịch cộng đồng tại xã ngày càng phát triển, du khách tìm đến để tham quan, lưu trú khá đông, nhất là vào dịp hè, gia đình tôi đã đầu tư chỉnh trang lại nhà sàn, khuôn viên để phát triển du lịch cộng đồng với mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, cũng là để duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Để thu hút, cũng như đáp ứng tốt nhất nhu cầu lưu trú của du khách, gia đình tôi đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách nghỉ dưỡng, ăn, uống với giá vừa phải nhất. Cùng với đó, là việc giới thiệu, hỗ trợ cho khách trải nghiệm sinh hoạt, lao động, tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường ở địa phương".

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương. Tham gia loại hình du lịch này, du khách sẽ được trực tiếp sinh hoạt và lao động cùng với người dân để tự khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo. Chính vì vậy, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng cách làm du lịch sáng tạo, thân thiện, hiếu khách, du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lâm chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách khi tới tham quan, trải nghiệm.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]