(Baothanhhoa.vn) - Chăn nuôi gà thả vườn là một hình thức chăn nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những nơi có diện tích đồi rộng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, giảm chi phí sản xuất... thì mô hình này cũng tồn tại nhiều hạn chế như thiếu kiểm soát dịch bệnh, khó áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Khắc phục hạn chế của mô hình chăn nuôi gà thả vườn

Chăn nuôi gà thả vườn là một hình thức chăn nuôi phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những nơi có diện tích đồi rộng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, giảm chi phí sản xuất... thì mô hình này cũng tồn tại nhiều hạn chế như thiếu kiểm soát dịch bệnh, khó áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Khắc phục hạn chế của mô hình chăn nuôi gà thả vườnMô hình chăn nuôi gà thả vườn xã Thọ Sơn (Triệu Sơn).

Tận dụng diện tích vườn nhà lớn, ông Trịnh Xuân Tô, xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đã xây dựng hàng rào, chuồng nuôi, đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, ông Tô cho biết: Để chăn nuôi có hiệu quả bền vững, ngay từ khi bắt tay xây dựng mô hình, tôi xác định chăn nuôi sạch từ khâu chọn giống, nguồn thức ăn đến cách chăm sóc đàn gà. Khác với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi gà thả vườn cần không gian nuôi rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh, có thể kết hợp với ao nuôi cá. Tuy chi phí đầu tư xây dựng chuồng nuôi ít nhưng chú ý cửa ra vào phải rộng, thoáng để gà có thể tự ra vào trú mưa, nắng; chuồng nuôi phải có hệ thống cống xử lý chất thải, nước thải; có thể đào đường cống thải dọc theo hành lang của chuồng và rải lớp lót độn chuồng để hạn chế mùi hôi. Khi gà được khoảng 40 ngày tuổi sẽ thả ra vườn để tự do kiếm ăn; gà được nuôi trên đất cát nên đảm bảo môi trường luôn khô ráo, nhất là cát là điều kiện lý tưởng để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, vào mùa hè, nhiệt độ sân cát tương đối cao, để tránh nắng cho đàn gà, tôi đã trồng rất nhiều cây xanh quanh vườn, tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tăng hiệu quả phòng bệnh cho vật nuôi”.

Sau thời gian dài phát triển mô hình, ông Tô nhận thấy gà được nuôi theo phương thức thả vườn sẽ tốn ít công chăm sóc, tiết kiệm khoảng 20% chi phí thức ăn công nghiệp; thả gà dưới tán cây giúp tận dụng phân, chất thải bón trực tiếp cho cây cối; gà có tập tính bới đất tìm kiếm sâu bọ nên tốt cho cây trồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm tỷ lệ bệnh tật, nhất là bệnh tiêu chảy; thịt gà thả vườn cũng dai, thơm ngon hơn...

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do chất thải của gà khiến đất bị ô nhiễm, là mầm mống gây ra dịch bệnh; nhất là khi thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao. Bên cạnh đó, thời gian nuôi dài; phương thức này không thích hợp với những trang trại có tổng đàn lớn, bởi sẽ khó khăn trong việc quản lý con nuôi; đối với những hộ nuôi gà trứng sẽ khó kiểm soát số lượng trứng...

Tại xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), chị Lê Thị Hạnh, chủ trang trại chăn nuôi gà thả vườn cho biết: "Do số lượng đàn nuôi khá lớn nên ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi theo phương thức thả vườn, tôi luôn chú trọng thực hiện công tác vệ sinh môi trường cũng như phòng, chống dịch bệnh. Xung quanh chuồng nuôi, tôi trồng nhiều cây xanh, thường xuyên phun khử trùng, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để tránh những con vật mang mầm bệnh vào cho gà, đảm bảo thông thoáng. Nhất là, để hạn chế mùi hôi thối của chất thải dưới nền đất, tôi đã sử dụng đệm lót sinh học từ trấu và mùn cưa kết hợp chế phẩm vi sinh; từ đó, giúp đàn gà khỏe mạnh và đồng đều, tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi gà truyền thống. Hằng ngày, tôi cho gà ăn từ 2 đến 3 lần để tăng khả năng bới nhặt và vận động; máng nước uống thường xuyên được vệ sinh, sát trùng, bố trí ở những nơi gà dễ tiếp cận không bị che khuất. Khi nuôi gà theo phương thức thả vườn, nên chuyển gà về chuồng vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế thả gà những ngày nắng gắt hoặc ngày mưa bão hay áp thấp nhiệt đới. Sau mỗi lứa nuôi, tôi thực hiện rửa nền chuồng, vườn thả gà, sau đó phun thuốc sát trùng để các mầm bệnh bị triệt tiêu hoàn toàn trước khi thả giống”.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà lông màu khá phổ biến tại các địa phương có điều kiện phát triển chăn nuôi như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân... Vì có nhiều hạn chế so với phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp nên hầu hết các hộ nuôi đều có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng đã biết cách chọn giống và kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà các giai đoạn tuổi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Nếu người dân có thể thực hiện nghiêm túc các giải pháp khắc phục hạn chế thì sẽ góp phần nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho các hộ dân, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]