Cho những cánh rừng thêm xanh
Ngược miền biên viễn, dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa chúng tôi mới cảm nhận hết được giá trị của những tán rừng xanh mát. Để cho những triền đồi bao năm trơ trụi cùng sỏi đá được hồi sinh thì nhiều địa phương ở khu vực miền núi xứ Thanh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cho những vạt rừng thêm xanh.
Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường Lát) hướng dẫn người dân về phương pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Hơn 10 năm trước, ai đã từng lên với Mường Lát, chắc hẳn rằng hình ảnh những triền đồi trơ trụi cùng sỏi đá vẫn còn in đậm trong tâm trí. Những đồi cỏ tranh, lau lách thi nhau mọc, chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể thiêu rụi cả một vùng đồi rộng lớn. Vào mùa nắng nóng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân rất vất vả trong việc phòng, chống cháy rừng... Thế nhưng hôm nay, những đồi đất trống năm xưa đã được che phủ bởi màu xanh ngút ngàn. Rừng xanh đã đem lại nguồn nước cho đồng ruộng, chống hạn cho lúa, hoa màu, cây ăn quả. Đồng bào sống bên sườn đồi núi vì thế mà cũng yên tâm phần nào bởi không còn lo lở đất, lở núi...
Hơn mười năm trước, 4ha đồi trọc, hoang hóa, quanh năm cây dại mọc um tùm đã được gia đình ông Hà Văn Lá ở khu phố 4, thị trấn Mường Lát khai hoang, phục hóa để trồng cây lâu năm lấy gỗ như xoan, lát, trẩu. Dưới tán rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Lá cho biết: Khi gia đình vào đồi cải tạo đất để phát triển kinh tế, nhiều người trong bản không tin về sự thành công của mô hình trang trại trên vùng đất hoang hóa. Thế nhưng các thành viên trong gia đình luôn động viên nhau bám trụ đến cùng, bỏ công, bỏ sức chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Đất không phụ công người, đến nay, rừng lát, xoan của gia đình đang phát triển rất tốt, phủ kín bởi màu xanh mát mắt, thân cây to cỡ một người ôm. Dưới tán rừng, gia đình ông nuôi 40 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm, mang lại thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng/năm.
Đồng chí Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát cho biết: Xác định rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bởi vậy trong những năm qua, địa phương đã tập trung thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, thị trấn phối hợp với kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tuần tra, kiểm soát lâm sản, kiện toàn các Tổ bảo vệ và PCCCR ở các thôn, khu phố. Bên cạnh đó, thị trấn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế rừng... Từ những giải pháp trên đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng... Trong 2 năm (2023-2024), thị trấn Mường Lát đã trồng mới được gần 87ha rừng, trong đó có các loại cây như trẩu, tếch, măng bát độ. Ngoài ra, địa phương đã khoanh nuôi, bảo vệ được 1.674ha rừng...
Đồng chí Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết: Trồng rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bởi vậy thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch trồng rừng mới. Chỉ tính riêng trong năm 2024, huyện có kế hoạch trồng 400ha rừng, trong đó có 295ha rừng sản xuất, 105ha rừng phòng hộ. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã trồng mới được gần 300ha rừng sản xuất, gần 100ha rừng phòng hộ; phấn đấu đến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2024.
Còn tại huyện biên giới Quan Sơn, cùng với các giải pháp trồng rừng và phát triển rừng gắn với các chính sách hỗ trợ, giao đất rừng cho người dân canh tác, trồng các loại cây như luồng, vầu, keo... thì lực lượng kiểm lâm đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn rà soát những khu vực trọng điểm về an ninh rừng; xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp với các địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp... Qua tìm hiểu, huyện Quan Sơn có 85.918,94ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 71.099,50ha, rừng trồng đã thành rừng 11.596,49ha, rừng trồng chưa thành rừng 3.222,95ha...
Trao đổi về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống xã hội; cùng với đó là huy động mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Huyện cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch về bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với chế biến lâm sản... Từ các giải pháp trên, đến nay độ che phủ rừng của huyện Quan Sơn đạt trên 89%, cao nhất tỉnh Thanh Hóa.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đã trồng rừng tập trung được 64.723ha và hơn 19 triệu cây phân tán các loại. Hằng năm, các địa phương cũng đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn được 3.500ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 700ha. Cùng với đó là chú trọng việc khai thác sử dụng rừng trồng đạt hiệu quả, gắn với công tác bảo vệ rừng... Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt gần 54%; tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm; không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, an ninh rừng được giữ ổn định... góp phần làm cho những cánh rừng thêm xanh.
Bài và ảnh: Xuân Minh
- 2024-11-05 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 5/11: Diễn biến ngược của giá vàng trong nước trước bầu cử Mỹ
- 2024-11-04 22:11:00
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
- 2024-09-06 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 6/9: Vàng trong nước giảm sau nhiều phiên đứng yên
Điện lực Thạch Thành nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hệ thống lưới điện từ thiết bị bay không người lái
Giá xăng RON95-III giảm gần 300 đồng mỗi lít
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Các địa phương chủ động “Gặt lúa chạy bão”
Từ V-A-C đến vườn hộ, vườn mẫu
Hơn 3 triệu lượt khách chọn TTTM Vincom vui chơi, mua sắm dịp Quốc Khánh
Góp “điểm sáng” về xuất khẩu sữa, Vinamilk cho thấy nội lực của thương hiệu Việt
World Travel Awards tiếp tục vinh danh Vietjet với bộ đôi giải thưởng về dịch vụ khách hàng
Bản tin Tài chính 5/9: Giá vàng nhẫn trong nước giảm; Đồng USD hạ nhiệt