(Baothanhhoa.vn) - Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện Ngọc Lặc hiện nay, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Với sự tồn tại và phát triển từ lâu đời trên vùng đất này, cộng đồng người Mường đã gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật trong số đó là nhà sàn – nét đặc trưng sinh hoạt thường ngày và trong kiến trúc truyền thống lâu đời của người Mường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Ngọc Lặc bảo tồn nhà sàn truyền thống Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện Ngọc Lặc hiện nay, người Mường chiếm hơn 70% dân số. Với sự tồn tại và phát triển từ lâu đời trên vùng đất này, cộng đồng người Mường đã gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật trong số đó là nhà sàn – nét đặc trưng sinh hoạt thường ngày và trong kiến trúc truyền thống lâu đời của người Mường.

Huyện Ngọc Lặc bảo tồn nhà sàn truyền thống Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Một nếp nhà sàn truyền thống của người Mường ở huyện Ngọc Lặc.

Theo kết quả rà soát thống kê đến tháng 12-2020, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 1.465 nhà sàn, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Thạch Lập với 700 nhà sàn. Số còn lại phân bố quy mô nhỏ lẻ tại các cộng đồng dân cư người Mường trên địa bàn huyện. Người Mường thường cư trú trên những ngôi nhà sàn nằm dọc theo các thung lũng hẹp giữa núi và đồi. Đất ở và đất dựng nhà của dân tộc Mường được căn cứ vào các quan niệm phong thủy. Người Mường thường chọn khu đất cao ráo, thoáng mát, phía sau khu đất đó có thế dựa vào núi đồi, phía trước là đồng bằng rộng rãi và kiêng kỵ ở những miếng đất mà đằng sau có hố sâu, dốc.

Về truyền thống ở nhà sàn của người Mường trước đây có liên quan đến điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển. Trước kia, khi rừng rú còn âm u, chưa bị con người tàn phá, các muông thú chưa bị săn bắn nhiều thì nơi sinh sống của người Mường thường xen kẽ với nơi sinh sống của muông thú, nên việc ở nhà sàn là để bảo vệ người Mường khỏi sự đe dọa của các loài dã thú. Đồng thời khi sản xuất lúa nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu lương thực, người Mường phải săn bắn, hái lượm, lên nương làm rẫy, trồng thêm khoai, sắn nên việc cư trú trên các sườn đồi và ven các thung lũng hẹp sẽ rất tiện lợi cho việc tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm tự nhiên cũng như việc trồng cấy.

Từ xa xưa, ngôi nhà sàn đã gắn với lịch sử và tâm linh của người Mường. Bởi, nhà sàn không đơn giản chỉ là chỗ ở mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Mường. Mặc dù ngôi nhà sàn đơn giản nhưng chứa đựng cả một kho tàng văn hóa, lịch sử vô cùng đặc sắc. Thời kỳ đầu, người Mường làm nhà chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên như: gỗ, tre, nứa, lá mà công cụ chủ yếu dùng rìu, dao để chặt, đẽo, bổ các ngàm đố. Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, ngôi nhà sàn cơ bản vẫn mang dáng dấp của nhà sàn truyền thống xưa, nhưng vật liệu đã có nhiều thay đổi phong phú, đa dạng hơn, như: sử dụng chất liệu bê tông và các vật liệu xây dựng khác để phù hợp với nhu cầu của người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà sàn của người Mường có cấu trúc 3 tầng: Tầng 1, dưới gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất, các phương tiện đi lại. Trước kia, gầm sàn là nơi làm chuồng gia súc, gia cầm nhưng ngày nay thì chuồng trại đã được đưa ra ngoài để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tầng 2 chính là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình và được quy định cụ thể, có sự phân bậc theo địa vị xã hội và thứ bậc của thành viên trong gia đình. Mọi phong tục, tập quán, ứng xử văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được lưu giữ ở đây. Hay nói cách khác, đây chính là giá trị độc đáo của nhà sàn người Mường. Còn lại tầng 3 là gác – nơi để thóc, lúa và những đồ vật quý hiếm, ngoài chủ nhà ra thì không ai được lên đó. Nhìn chung, nhà sàn Mường xưa được phân cấp theo địa vị, thứ bậc trong xã hội, thường có quy mô từ 3 đến 7 gian. Song, dù ở địa vị nào, thứ bậc nào thì nhà sàn truyền thống người Mường đều có đặc điểm chung là có cầu thang phụ. Theo quan niệm của người Mường, cầu thang phụ chỉ dành cho người trong nhà sử dụng; khách lạ cấm kỵ không được lên xuống.

Để bảo tồn và phát triển nhà sàn truyền thống Mường, huyện đã chọn du lịch cộng đồng là loại hình có thể đáp ứng khá tốt nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu giá trị văn hóa cộng đồng cho du khách. Làng Lập Thắng, xã Thạch Lập hiện được coi là điểm hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường. Có mặt tại làng lập Thắng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của một miền sơn cước, cùng với hệ thống những nếp nhà sàn hiện còn được bảo tồn khá tốt, như: Nhà sàn của gia đình chị Phạm Thị Sáu gồm 2 gian, 2 chái, 2 cửa ra vào và 9 cửa sổ, rất thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Hay, nhà sàn của gia đình anh Phạm Văn Phẩm cũng đang lưu giữ gần như nguyên vẹn cấu trúc truyền thống... Để chuẩn bị làm du lịch cộng đồng, 10 hộ gia đình ở làng Lập Thắng được chọn thí điểm rất phấn khởi, đã và đang hoàn tất các điều kiện sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách trong thời gian tới.

Làng Lập Thắng có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống như: những dãy núi cao, các con suối, thác nước...; có các trò diễn dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân tộc Mường, hát ru, sắc bùa...; con người thân thiện mến khách; đường giao thông đang được đầu tư ngày càng thuận tiện... Việc định hướng phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi ý thức người dân nơi đây. Người dân đã chủ động tích cực thay đổi diện mạo môi trường cảnh quan làng xóm, như: lắp điện chiếu sáng, sử dụng nước sạch, làm vệ sinh môi trường; giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực; người dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà bắt đầu tìm hướng làm ăn, phát triển kinh tế nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Việc xây dựng khu du lịch cộng đồng tại làng Lập Thắng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống người Mường đang mở ra cơ hội để khai thác những tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương. Từ đó tạo thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong huyện.

Đồng chí Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Trước yêu cầu cấp thiết phải bảo tồn nhà sàn truyền thống nhằm lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người Mường, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành “Đề án bảo tồn và phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025”. Việc xây dựng đề án chính là cơ sở thực hiện hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn của huyện. Dự kiến đầu năm 2022, các nhà sàn sẽ đi vào hoạt động đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Vì vậy huyện mong muốn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp nhiều hơn nữa, để góp phần bảo tồn nét đẹp nhà sàn truyền thống người Mường, vừa tạo ra sản phẩm hấp dẫn gắn với các điểm du lịch khác của huyện.

Được biết, để thực hiện hiệu quả đề án trên, huyện sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng; tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; chú trọng phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch. Sau khi kết thúc đề án giai đoạn 2021-2025, toàn huyện dự kiến bảo tồn được từ 400 nhà sàn truyền thống người Mường trở lên (trong đó có 80 nhà sàn thuộc chương trình hỗ trợ của đề án), nâng tổng số nhà sàn truyền thống trên địa bàn huyện lên khoảng 1.800 nhà sàn. Trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ khác, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tại các điểm có nhà sàn gắn với các hoạt động du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]