Hồn làng Đắc Châu
Trên hải trình xuôi về với biển, lớp lớp phù sa của dòng sông Mã, sông Chu đã bồi đắp nên bao ruộng nương, bờ bãi xanh tươi, bao xóm làng trù mật với những đặc trưng văn hóa độc đáo. Ở đó, ngôi làng Đắc Châu (xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) yên bình nằm soi bóng bên dòng sông Chu, lắng đọng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa.
Đình và đền làng Đắc Châu.
Đắc Châu thường được gọi với tên khác là kẻ Chòm, làng Chòm. Một số tài liệu nghiên cứu cho biết: Kẻ Chòm là vùng đất nằm trong bậc thềm phù sa cổ; là địa bàn cư trú của người nguyên thủy thuộc thời đại đồ đá cũ. Khi nói về các làng cổ nhất xứ Thanh, nhiều tài liệu ghi nhận kẻ Chòm là một trong những vùng đất cổ nhất của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã, sông Chu.
Làng Đắc Châu tọa lạc ở thế đất hình rồng cuộn với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh đặc sắc, phong phú, gồm: Đình và đền làng Đắc Châu, nghè bà Cố Kim là người đã có công giữ đất cho làng; các văn chỉ, võ chỉ (nơi lưu danh, thờ tự, tôn vinh các bậc văn tài, võ giỏi)... Trong sự vận động và phát triển của đời sống, đến nay nhiều di tích đã không còn. Đình và đền làng Đắc Châu cũng không còn giữ được diện mạo, kiến trúc xưa. Nhưng có một điều không thay đổi, đó là vai trò, vị trí của đình và đền trong tâm khảm, đời sống văn hóa - tâm linh của người dân nơi đây.
Đúng như tên gọi, đình - đền làng Đắc Châu có sự kết hợp giữa hai chức năng khi vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong làng, vừa là nơi thờ thành hoàng làng, người đã có công giúp nước, giúp dân, được các triều vua sắc phong “Thượng đẳng thần”.
Ông Lê Đăng Toán, thủ từ đình và đền làng Đắc Châu cho biết: Nơi này có lịch sử hình thành và phát triển cách đây hàng trăm năm. Trước đây, đình - đền làng Đắc Châu khá quy mô, bề thế, bao gồm: Đình Thượng, đình Hạ, đình Phúc, đình Dương. Trước biến động thời gian, đình Hạ, đình Phúc, đình Dương không còn, hiện chỉ còn ngôi đình Thượng vẫn bền bỉ sức sống, trở thành biểu tượng đẹp của làng, xã.
Con đường nhỏ rợp bóng cây xanh dẫn du khách đến thăm ngôi đình thượng. Ngôi đình nằm trên khu đất cao ráo, mặt hướng về con sông Chu - khởi nguyên của những dòng phù sa màu mỡ và tựa lưng vào núi Đọ - nơi chứng kiến “buổi bình minh” của lịch sử loài người. Trước mặt đình là hồ bán nguyệt; ngước mắt trông ra xa là bờ bãi xanh mướt mát. Giữa cảnh sắc thiên nhiên êm ả, thanh bình, lưu giữ được nhiều dấu ấn của làng quê Bắc bộ, Bắc Trung bộ xưa, kiến trúc ngôi đình như càng tô điểm thêm cho nét đẹp, tính thiêng của mảnh đất nơi đây.
Ông Toán chia sẻ: “Lịch sử hình thành và phát triển của ngôi đền đã chứng kiến bao thăng trầm, biến ảo thời cuộc. Có thời điểm, đền bị phá dỡ hoàn toàn. Nhưng chính sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong tỉnh, chính quyền địa phương cùng tình yêu, tấm lòng luôn đau đáu nhớ về nguồn cội, mong muốn được phục dựng lại điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đã in đậm trong ký ức, nhiều thế hệ cháu con đã phát tâm đóng góp, cung tiến để cùng nhau khôi phục lại đình và đền làng Đắc Châu”.
Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình và đền làng Đắc Châu vẫn lưu giữ được kiến trúc và một số hiện vật cổ. Đình và đền được làm bằng gỗ, kiến trúc bao gồm nhà đại đình 5 gian và hậu cung 3 gian. Hiện vật cổ trong đình và đền có: Đạo sắc phong, ngai thờ, kiệu bát cống, kiệu long đình, bia đá...
Hằng năm, vào 9, 10 tháng giêng, đình - đền làng Đắc Châu lại rộn ràng không khí lễ hội. Làng chuẩn bị mâm lễ dâng thần, tổ chức tế lễ, rước kiệu, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bắt vịt trong hồ, kéo co, giao lưu văn nghệ, thể thao... Rước kiệu là nghi thức quan trọng, “linh hồn” của lễ hội. Theo đó, sau khi thực hiện nghi thức tế lễ, đoàn rước kiệu từ đình - đền di chuyển quanh làng, đi đến đâu tiếng chiêng trống rộn ràng, người tham gia ngày càng đông, kéo thành hàng dài.
“Việc rước kiệu đưa thần du xuân thể hiện tấm lòng của cháu con làng Đắc Châu, mong muốn rước thần đi quanh làng để nhìn ngắm cảnh sắc tươi đẹp, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn. Từ đó, thần chứng giám, tiếp tục phù trợ, che chở cho cháu con có sức khỏe tốt, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong công việc cũng như trong cuộc sống”, thủ từ đình và đền làng Đắc Châu Lê Đăng Toán cho biết thêm.
Ngoài lễ hội đình và đền làng Đắc Châu, hằng năm, Nhân dân còn tổ chức ngày giỗ thành hoàng làng vào ngày 12 tháng chạp. Nếu những địa phương khác, chạp nghè, chạp họ được tổ chức đơn lẻ theo từng dòng họ, theo từng thời điểm khác nhau, thì ở vùng đất Tân Châu các dòng họ sẽ cùng tổ chức chạp nghè trong một ngày, cháu con của các dòng họ cùng báo công với thần. Điều này cho thấy tính gắn kết cộng đồng, nhận thức sâu sắc của các thế hệ cháu con nơi đây về trách nhiệm xây dựng và phát triển làng, xã, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông trao truyền.
Hồn làng! Hai chữ tưởng như rất giản đơn, quen thuộc mà lại gợi lên những chiều sâu trong suy tưởng, mênh mang trong cảm xúc... Từ bóng cây gạo già nơi góc làng, giếng nước xưa vẫn thường tụm năm tụm ba tắm chung, cánh đồng làng nâng con diều bay trong gió cho đến những ngôi đình, đền, chùa linh thiêng..., đều là những mảnh ghép chân thực, sinh động của hồn làng. Vì lẽ đó nên dẫu qua “chớp bể mưa nguồn”, các thế hệ cháu con làng Đắc Châu vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của quê hương. Hồn làng Đắc Châu được lưu giữ trong sức sống của nghề làm bánh đa truyền thống, trong nét đẹp vững bền của di tích, lễ hội, đời sống tâm linh...
Bài và ảnh: Đăng Khoa
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:34:00
Lịch sử thú vị về lá quốc kỳ có hình dáng “kỳ lạ” nhất trên thế giới
-
2024-12-15 13:30:00
Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Mango tử nạn
-
2024-10-04 19:00:00
[E-Magazine] – Trời lại xanh, hoa lại nở
Thị xã Bỉm Sơn xây dựng nếp sống văn minh đô thị
[Podcast] - Tản văn: Món quê đẫm vị heo may
Điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc
Thanh Hóa sẽ bùng nổ với chuỗi sự kiện âm nhạc Sound Freedom by VinaPhone
Sắc màu ẩm thực LAMORI
Hai ngôi đền Đồng Cổ ở xứ Thanh
[Podcast] Truyện ngắn: Bữa cơm cuối cùng
Mang bản sắc văn hóa dân tộc Thái đến với du khách gần xa
[E-Magazine] – Mưa đền cây