Hồi ức của một nhà giáo Mỹ - kinh nghiệm giáo dục đáng học hỏi và suy ngẫm
Đừng vội thấy tác phẩm “Người thầy” cùng dòng chữ nhỏ phía dưới - “Hồi ức của một nhà giáo Mỹ” mà lướt qua vì nghĩ rằng đó là câu chuyện của một con người ở tận nơi nào xa lơ xa lắc, không có chút can dự hay điểm chung nào trong cuộc sống của chúng ta. Tin tôi đi, ngay khi bạn lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách, bạn sẽ nhận ra một điều rằng: Dường như chúng ta đã từng bắt gặp một con người, một câu chuyện nào đó tương tự. Và kinh nghiệm giáo dục của ông thầy giáo Mỹ ấy là những kiến thức bổ ích, lý thú, đáng trăn trở, suy ngẫm cho giáo dục mọi quốc gia, thời đại.
Tác phẩm “Người thầy” của Frank McCourt (Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2021).
“Người thầy” (Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2021) là tác phẩm đặc biệt của Frank McCourt - người từng đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá. Ông sinh ra tại thành phố lớn nhất nước Mỹ nhưng cùng cha mẹ sang Ireland sinh sống từ nhỏ, sau đó quay trở lại Mỹ sinh sống và lập nghiệp, trải qua biết bao thăng trầm, thử thách.
Với tác phẩm “Angela’s ashes” (Tro tàn của Angela) - “thiên sử thi đau buồn”, hồi ký kể về thời thơ ấu sống trong khu ổ chuột đói nghèo ở thành phố Limerick của Ireland, Frank McCourt đã vinh dự giành giải thưởng Pulitzer. Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của năm.
Ông từng bộc bạch: “Tuổi thơ bất hạnh ấy đã lấy đi ở tôi ý thức tự trọng, làm bộc phát những cơn than vãn thương thân trách phận, làm tê liệt những cảm xúc của tôi, khiến tôi thành một con người kỳ cục, đố kỵ và không tôn trọng quyền lực, khiến tôi phát triển chậm lại, làm què quặt quan hệ của tôi với người khác phái, cản trở tôi thăng tiến trong cuộc đời và đã biến tôi thành kẻ hầu như không thích ứng được với xã hội loài người”. Để khi nhìn kỹ lại, đi qua những miền ký ức, ông tự mình tổng kết, đúc rút: “Sự gan góc bền chí, tuy không hấp dẫn như khát vọng hoặc tài năng hoặc vẻ quyến rũ, song vẫn là thứ duy nhất đã giúp tôi vượt qua bao ngày đêm”.
Được biết, ông viết tác phẩm “Angela’s ashes” khi đã 66 tuổi. Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tác phẩm “Tis” - tự thuật về những năm đầu tiên ông sống tại thành phố New York khi đã 69 tuổi. Trước “Người thầy”, Frank
McCourt đã viết “Tis” kể về cuộc sống của ông trên đất Mỹ và việc ông trở thành thầy giáo như thế nào. Tuy nhiên, khi sách được xuất bản, ông lại luôn bứt rứt về việc mình đã viết quá ít về chuyện dạy học. Có lẽ, chính bởi vì cảm giác chưa thỏa mãn cùng những hồi ức đủ đầy cả thăng trầm - thăng hoa, thành công và thất bại, những suy tư, trăn trở, khát vọng... đã thôi thúc Frank McCourt tiếp tục viết tiếp câu chuyện về “nghề thầy”. Đây là tác phẩm được viết dưới dạng hồi ức chân thực, sắc nét về hành trình 30 năm “gõ đầu trẻ” tại “xứ sở cờ hoa” của Frank McCourt.
Câu chuyện xuyên suốt 30 năm trải dài trên gần 400 trang sách, bắt đầu từ “cột mốc đầu tiên” - “con đường vạn dặm để thành nhà giáo”, cái thuở Frank McCourt mới chỉ là anh giáo tập sự, ông thầy mới vào nghề ở Trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee vùng Staten
Island, thành phố New York. Hằng ngày, ông đối diện với những cô cậu thiếu niên, mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai: Đứa hay mách lẻo, đứa làm hề, đứa đạo đức, đứa hoa khôi, đứa tình nguyện làm mọi việc, đứa nhà quê, đứa thông thái, đứa thần bí, đứa ẻo lả, si tình, xuẩn ngốc, cuồng tín, đứa hay nghĩ ngợi ủ ê ngồi tận cuối lớp đăm đăm nhìn mặt bàn, đứa vui tính... Một xã hội thu nhỏ, một “cuộc chiến”, cuộc “đương đầu” chứ không phải trò đùa! Học trò thực sự rất đáng yêu nhưng cũng có đủ “năng lực” làm một ông thầy tập sự “bạc tóc” trước tuổi 30 đấy!
Trên “con đường vạn dặm” ấy, ông tự mò mẫm theo kiểu thử sai và tự trả giá. Ông đã tự nghiệm ra phương cách riêng để “vừa làm người vừa làm thầy”. Đó cũng là cách để ông “tồn tại” và dần “thu phục” học trò của mình. Frank McCourt đã thể hiện rõ quan điểm về việc không khư khư cách dạy theo giáo án đã chuẩn bị sẵn. Ông “mơ tưởng một thứ trường học mà thầy, cô là người hướng dẫn và cố vấn dày kinh nghiệm, chứ không phải giám thị nghiêm khắc”. Bởi với ông, “cái cần vận động” đầu tiên và trước nhất trong mỗi lớp học, trong mỗi học sinh, đó là tâm hồn. Ông đã bắt đầu những ngày đầu tiên trên bục giảng của mình bằng những câu chuyện kể - những câu chuyện về tuổi thơ cơ cực, bất hạnh của ông, về những năm tháng sống giữa hy vọng và tuyệt vọng...
Trong những tiết học, bài giảng của mình, Frank McCourt không bao giờ áp đặt, khuôn mẫu. Ông luôn khuyến khích người học mạnh dạn đưa ra ý kiến, quan điểm riêng, có quyền độc lập suy nghĩ, ngay cả khi đó là những quan điểm, suy nghĩ trái chiều: “Các bạn không bắt buộc phải nuốt lấy mọi điều tôi nói. Hay điều người nào khác nói. Các bạn có thể đặt câu hỏi. Nếu tôi không có câu trả lời chúng ta có thể tra cứu trong thư viện hay thảo luận ở đây”. Ông đủ bao dung, thấu hiểu, thông cảm cho sự im lặng, sao nhãng phút chốc của những học viên trong lớp: Ông thầy ra bài là chuyện quá dễ dàng, nhưng “ngoài kia là một thế giới khác mà Chúa cho một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ thôi”. Những học viên của ông cũng đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh và nhiều điều khác nữa. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm. Họ đến lớp. Họ ngồi nghe giảng. Họ cũng đã làm hết sức của họ.
Frank McCourt có một khao khát, mục tiêu lớn lao: Đó là làm một ông thầy giải phóng vĩ đại, ngõ hầu vực họ dậy sau những ngày làm việc mệt nhọc trong văn phòng hay hang xưởng, ngõ hầu giúp họ quẳng gông cùm xiềng xích, dẫn dắt họ lên tận đỉnh núi, để thở hít bầu không khí tự do... Bởi “cuộc đời những sinh viên lớp này vốn cơ cực đủ rồi, không cần thêm một ông thầy tiếng Anh rao giảng suy nghĩ độc lập hay đặt hết câu hỏi này tới câu hỏi khác khiến họ nhức đầu”.
Cách làm, phương pháp cùng những quan điểm giáo dục khác biệt của Frank McCourt thường mang lại cho ông nhiều bất lợi, thiệt thòi. Chính ông từ thực tiễn đã nhận ra cái khó của mình. Ông hóm hỉnh nói với vợ về việc “đời là một cuộc phiêu lưu” và có thể ông đã “sống nhầm thế kỷ”. Frank
McCourt từng có giai đoạn gõ cửa khắp các trường học mà đều phải nhận lại cái lắc đầu từ chối chỉ vì cái giọng Ireland.
Để theo đuổi nghề thầy (đương nhiên không khỏi mục đích mưu sinh), ông chấp nhận làm thầy giáo thay thế lưu động, chạy từ trường này qua trường khác. Các trường trung học thuê ông, theo từng ngày, dạy thế các thầy bị ốm. Vài trường thuê ông khi các thầy giáo phải nghỉ dài ngày vì được tòa án gọi làm bồi thẩm... Ông dạy Anh văn và mọi bộ môn thiếu giáo viên: Sinh vật, Nghệ thuật, Vật lý, Lịch sử, Toán. “Các thầy giáo dạy thế như ông trôi nổi đâu đó bên lề thực tại. Ngày nào ông cũng bị hỏi: Hôm nay ông là ai?”. Ông đã từng tuyệt vọng quay về làm bốc vác ở bến cảng với ý nghĩ rằng: “Trong giấc mơ vĩ đại của nước Mỹ không có chỗ cho tôi”. Ông cũng từng phải bỏ dở luận án tiến sĩ; từng đi qua đổ vỡ trong hôn nhân. Chừng ấy với đời người đã là bao xót xa?
Nhưng sau cùng, Frank McCourt vẫn nỗ lực theo đuổi, gắn bó với nghề thầy suốt 30 năm. Ông không thỏa hiệp trong những dễ dãi, hời hợt để thỏa mãn, tìm kiếm sự nhàn nhã cho mình. Với ông, nếu không dạy tốt thì sẽ đánh mất lòng kính trọng của học sinh dành cho mình. Dạy chỉ để mà dạy là môt sự nhục mạ. Ông luôn thẳng thắn thể hiện sự mỉa mai, “dị ứng” kiểu dạy mô phạm, khô cứng: “Có nhiều ông thầy dạy học mà chẳng thèm biết học trò nghĩ gì về họ cả. Giáo án là chúa nhất. Những ông thầy này oai lắm. Họ chế ngự lớp học bằng chính tính cách họ kèm sự đe dọa: Cây bút đỏ sẽ ghi vào phiếu điểm cái chữ F đáng sợ. Thông điệp của họ gửi học trò là: Tôi là thầy giáo chứ không phải cố vấn của các em, không phải người để các em thổ lộ tâm tình, không phải bố mẹ các em. Tôi dạy một bộ môn: học hoặc không học, có thế thôi”. Sự thờ ơ của học trò trong lớp luôn là thách thức với ông. Frank McCourt dùng kinh nghiệm và nỗ lực của mình để tự hoàn thiện mình, tìm ra phương pháp dạy riêng, tìm được sự thoải mái trong lớp học, thu hút học sinh trong từng bài giảng mà “không cần dùng đến mặt nạ hay bút đỏ”.
Vượt thoát khỏi giới hạn của câu chuyện, hồi ức cá nhân, “Người thầy” là câu chuyện chung trong nỗi niềm riêng - chung của ngành giáo dục trên mọi quốc gia, của tất cả những người đã, đang và sẽ trở thành thầy, cô giáo.
Hoàng Linh
- 2024-10-21 10:06:00
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
- 2024-10-20 19:42:00
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
- 2023-11-20 09:09:00
Trên những vùng quê hiếu học xứ Thanh
Thầy ơi!
Mẹ tôi
Chấn hưng văn hóa - cốt lõi là xây dựng con người văn hóa
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 3): Để những ý tưởng có thể khởi nghiệp
Tập trung nuôi dưỡng nguồn thu
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 2): Câu chuyện về những mô hình
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 1): Khởi nghiệp để nâng cao vị thế
Xứ Thanh, trong veo và đậm đặc
Xóm trọ