Hiểm họa mắc bệnh từ thực phẩm tái, sống
Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) cho các tầng lớp Nhân dân luôn được phát huy, đẩy mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của Nhân dân đối với công tác đảm bảo ATTP, sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế ngộ độc thực phẩm trong gia đình và cộng đồng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không ăn các món ăn tái, sống, đặc biệt là tiết canh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người có sở thích ăn các thực phẩm tươi, sống, đặc biệt là tiết canh, gỏi... dẫn đến phải đi cấp cứu tại bệnh viện, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Đơn cử như, cách đây mấy ngày, do gia đình có việc nên anh trai tôi mua 2 đĩa gỏi cá mang về. Với niềm yêu thích món tái, sống nên anh ấy chỉ tập trung ăn món gỏi cá. Mọi lần anh trai tôi ăn không việc gì nhưng lần này ăn xong đến tối anh ấy thấy chóng mặt, đau bụng, tức ngực..., gia đình lo lắng nên đưa anh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu thì được bác sĩ chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn do ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật, vi khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến, đặc biệt là thức ăn tươi sống chưa qua chế biến.
Bác sĩ cũng cho biết, cũng vì ăn gỏi cá mà tháng 7/2024, một bệnh nhân 21 tuổi, sống ở tỉnh Yên Bái đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám khi thấy có biểu hiện ngứa khắp người, sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da. Nhất là dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển nên bệnh nhân phải nhập viện theo dõi. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị nghi nhiễm giun sán ký sinh trùng (nghi do giun rồng). Nguy cơ nhiễm giun rồng khi bệnh nhân ăn phải ấu trùng giun rồng trú ở những loài giáp xác, ăn sống các loài cá, ếch nhái sống ở dưới nước. Khi ăn phải thực phẩm có chứa ấu trùng chưa được nấu chín, ấu trùng giun rồng xâm nhập cơ thể. Nguy hiểm ở chỗ, giun có thể chui vào các vị trí khác như ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt...
Hay như vào thời điểm giữa tháng 4/2024, sau khi ăn gỏi cá, hai vợ chồng ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã phải vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng cấp cứu vì bị sốc nhiễm khuẩn; suy đa tạng. Người chồng phải lọc máu liên tục để loại bỏ các chất độc có trong cơ thể. Sau 36 giờ điều trị tích cực, cả 2 vợ chồng đã thoát khỏi cơn nguy kịch.
Cũng từ niềm yêu thích ăn thực phẩm tái, sống mà sáng 19/7/2024, anh L.Đ.T. (SN 1983, trú xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương) mua lòng lợn và tiết canh sống ở chợ về tự đánh tiết canh và một mình ăn 2 bát. Khoảng 14h ngày 23/7, anh T. lên cơn sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nên Trạm Y tế xã Quảng Hải đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nên được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Dù được cấp cứu, điều trị, chăm sóc tích cực nhưng đến sáng 2/8, bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, tháng 3/2017, cũng vì ăn tiết canh mà 2 người ở xã Nga An (Nga Sơn) phải nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, mệt mỏi toàn thân. Trong đó có 1 người có diễn biến nặng, gia đình xin về nhà và đã tử vong.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc làm trên 2.100 người mắc ngộ độc thực phẩm và làm 28 người tử vong, trong đó có một số trường hợp tử vong do bị lây nhiễm liên cầu lợn. Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn các loại tiết canh, gỏi cá, thịt tái, sống. Không nên ăn rau sống, nhất là các loại rau sống trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống nước, rau má... Giữ môi trường sống, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên nhất là trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Tẩy giun sán định kỳ. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.Trong trường hợp đã từng ăn tiết canh hoặc các món tái, sống, khi thấy dấu hiệu của cơ thể như: sốt, tiêu chảy, đau đầu, ù tai, cứng gáy, tri giác lơ mơ, hoại tử trên da... thì cần đến ngay bệnh viện gần nhất để xét nghiệm và điều trị kịp thời giúp tránh biến chứng nguy hiểm.
Bài và ảnh: Ngân Hà
- 2024-10-06 10:26:00
Cảnh báo thủ đoạn giả danh các đoàn thanh tra, kiểm tra về thực phẩm
- 2024-10-04 20:04:00
Nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn
- 2024-08-30 09:43:00
Nỗ lực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Kiểm soát an toàn thực phẩm
Chợ thực phẩm an toàn - cơ hội kết nối sản phẩm uy tín
Phát triển rau màu theo hướng hàng hóa
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024: Cần sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội
Những gian hàng giới thiệu nông sản an toàn
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn