GS Trần Xuân Bách tham gia Hội đồng Cố vấn Quỹ phòng chống Đại dịch của WHO
Ngày 13/2, theo thông tin từ Quỹ Phòng chống Đại dịch (The Pandemic Fund), Giáo sư Trần Xuân Bách, giảng viên Trường Đại học Y-Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng Cố vấn kỹ thuật của Quỹ Phòng chống Đại dịch của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiệm kỳ 2025-2027.
Giáo sư Trần Xuân Bách và các thành viên Hội đồng Cố vấn kỹ thuật của Quỹ Phòng chống Đại dịch.
Giáo sư Bách là chuyên gia về kinh tế y tế, với kinh nghiệm chuyên sâu về các mô hình đánh giá kinh tế và dịch tễ trong việc hỗ trợ ra quyết định chính sách và sức khỏe toàn cầu. Năm 2023, Giáo sư Bách được ISPOR-Hiệp hội lớn nhất thế giới về Nghiên cứu Hiệu quả và Kinh tế Y tế trao Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc tại thành phố Copenhagen, Đan Mạch.
Đại dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất to lớn về con người, kinh tế và xã hội, đồng thời cho thấy các hạn chế nghiêm trọng trong hệ thống y tế toàn cầu làm tăng tính dễ tổn thương trước các mối nguy dịch bệnh trong tương lai. Trước thực trạng này, Quỹ Phòng chống Đại dịch (The Pandemic Fund) đã được thành lập với vai trò là cơ chế tài chính đa phương đầu tiên nhằm tăng cường năng lực phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Quỹ Phòng chống Đại dịch được thành lập vào tháng 9/2022, với sự ủng hộ 2 tỷ USD từ các quốc gia G20, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế. Đây là sáng kiến nhằm tăng cường đầu tư trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó đại dịch (PPR) thông qua cung cấp nguồn tài chính bổ sung dài hạn, hướng tới các lĩnh vực trọng yếu như giám sát bệnh truyền nhiễm, hệ thống phòng thí nghiệm, chẩn đoán, và nâng cao năng lực đội ngũ y tế.
Tính đến tháng 11/2024, Quỹ đã cấp gần 1 tỷ USD cho 47 dự án tại 75 quốc gia, huy động thêm 6 tỷ USD từ các đối tác trong và ngoài nước. Các dự án này thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống và toàn diện, tăng cường hợp tác liên ngành và khuyến khích các quốc gia tăng đầu tư ngân sách để đảm bảo sự bền vững và hiệu quả của các nỗ lực phòng chống đại dịch trên toàn cầu.
Giáo sư Trần Xuân Bách, giảng viên Trường Đại học Y-Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) - là chuyên gia về kinh tế y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi nhiều cơ chế tài chính khác hỗ trợ hoạt động y tế, Quỹ Phòng chống Đại dịch là sáng kiến duy nhất tập trung hoàn toàn vào công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch, đặc biệt, hướng đến các nước có thu nhập thấp và trung bình. Quỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các khoản đầu tư thiết yếu không bị lấn át bởi các nhu cầu ngắn hạn khác, góp phần xây dựng một hệ thống y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn để sẵn sàng đối mặt với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.
Cấu trúc của Quỹ Phòng chống Đại dịch được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính. Quỹ bao gồm Hội đồng Quản trị, cơ quan ra quyết định cao nhất, chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, chương trình hoạt động và phê duyệt tài trợ; Hội đồng Cố vấn Kỹ thuật (TAP), do WHO chủ trì, là cơ quan tư vấn, đánh giá các đề xuất tài trợ và đưa ra khuyến nghị. WB đóng vai trò Quản lý tài chính, giữ và phân bổ quỹ theo chỉ đạo của Hội đồng Quản trị, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giám sát thực thi.
Hội đồng Cố vấn Kỹ thuật (TAP) là một bộ phận quan trọng của Quỹ Phòng chống Đại dịch, đóng vai trò tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ chiến lược cho Hội đồng Quản trị. TAP được thành lập để đảm bảo rằng các khoản tài trợ của Quỹ được phân bổ hiệu quả và phù hợp với các mục tiêu toàn cầu về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó đại dịch (PPR).
Hội đồng này có 30 thành viên hoạt động dưới sự chủ trì của WHO, với các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực liên quan như y tế công cộng, dịch tễ học, kinh tế y tế, hệ thống y tế, và công nghệ y tế. Các thành viên TAP được tuyển chọn qua một quy trình cạnh tranh nghiêm ngặt, dựa trên các tiêu chí về chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn và tính đa dạng, họ cần có kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực liên quan đến PPR như giám sát bệnh truyền nhiễm, quản trị tài chính và hệ thống y tế, cùng với kinh nghiệm tham gia các dự án quốc tế hoặc các tổ chức toàn cầu trong lĩnh vực y tế.
Hội đồng được chủ trì bởi Tiến sỹ Chikwe Ihekweazu, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, và Phó Chủ tịch là Tiến sỹ Joy St. John. TAP có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới như Giáo sư Christian Drosten (Đại học Y khoa Berlin, Đức) người phát hiện ra virus SARS-CoV năm 2003 và cũng là người phát minh bộ test kit đầu tiên; Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Ai-Cập, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Ecuador, Giám đốc Y tế Ngân hàng ADB, Nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng phó Y tế khẩn cấp Canada./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-02-13 17:00:00
Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch
-
2025-02-12 06:54:00
WHO ra mắt nền tảng cung cấp thuốc ung thư miễn phí cho trẻ em
-
2025-02-11 10:15:00
Nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Phân biệt dấu hiệu của cảm lạnh và cảm cúm để phòng ngừa, điều trị
Thuốc chứa hoạt chất điều trị cúm vẫn đảm bảo nguồn cung, không cần dự trữ
Cơ hội định hình y tế toàn cầu sau khi Mỹ rời WHO
Không chủ quan trước bệnh cúm mùa
Chưa ghi nhận virus cúm với những thay đổi về độc lực tại Việt Nam
Những điều tuyệt đối không nên làm khi mắc cúm
Cẩn trọng với cúm mùa: Không tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà
Bệnh sởi có triệu chứng gì và đối tượng nào dễ mắc phải?