Đưa cơ sở sản xuất khỏi khu dân cư - lộ trình cho phát triển bền vững
Duy trì sản xuất phát triển kinh tế trong Nhân dân là nhu cầu thiết yếu, song với sự phát triển của xã hội, việc gây ô nhiễm hay ảnh hưởng ngay giữa đô thị, khu dân cư cần được dần xóa bỏ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã nhìn nhận và ban hành đề án di dời cơ sở sản xuất ra các khu tập trung theo lộ trình.
Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm cơ sở làm mộc giữa các khu dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe con người. Trong ảnh: Sản xuất đồ mộc tại xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).
Khu dân cư khắp nơi bị ảnh hưởng
Tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) nửa tuyến đường Nguyễn Tĩnh tính từ Đại lộ Lê Lợi lên phía Bắc chỉ khoảng 1km đã có hàng chục cơ sở sản xuất các loại nằm xen lẫn khu dân cư. Tại số nhà 417 và 321 cách nhau không xa là 2 cơ sở thu mua, phân loại phế liệu. Không cần tính trong các ngõ nhỏ, trên mặt tuyến đường chính này còn có 6 cơ sở sản xuất bún hoạt động quanh năm trong khu dân cư. Tại đây, cơ sở sản xuất bún ở số nhà 115 luôn nhộn nhịp, nước thừa từ cơ sở sản xuất này tràn ra thường xuyên làm ướt một đoạn đường. Cách đó chừng 20m, cơ sở sản xuất của ông Lê Ngọc Cường ở số nhà 109 cũng hoạt động quanh năm. Tại các cơ sở sản xuất bún có mùi chua đặc trưng và hôi khó chịu, nước thải xả thẳng ra môi trường không được xử lý. Theo ông Cường, ở khu phố Phan Đình Phùng này có đến 1⁄2 số hộ sản xuất bún, vì đó là nghề chính.
Cùng TP Thanh Hóa, ở phường ven đô Quảng Phú, chỉ tính riêng 2 khu phố 6 và 9 hiện có 4 khu chăn nuôi lợn và 1 cơ sở sửa chữa máy phát điện, 1 doanh nghiệp sản xuất cọc bê tông đúc sẵn, 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản và sản xuất nội thất từ gỗ... Tất cả đều ít nhiều gây ô nhiễm, tiếng ồn, ảnh hưởng môi trường sống xung quanh, và đều phát triển không có trong quy hoạch. Nguy hại hơn, ở khu phố Phù Lưu 1 thuộc phường Quảng Thắng có tới 9 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đá ốp lát quy mô vừa và lớn tồn tại nhiều năm. Tiếng ồn, bột đá phát tán rồi quá trình sản xuất đều tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Trong các khu dân cư ở nội thành có thể kể ra cả trăm cơ sở sản xuất phát triển tự phát như xưởng mộc, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, tái chế nhựa, sản xuất giấy, cơ khí... Đa phần các cơ sở đều không bảo đảm khoảng cách, gây ô nhiễm với nhiều hình thức, phát triển không trong quy hoạch...
Theo báo cáo, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nhất là các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm với 342 cơ sở; chế biến đá xẻ, đá ốp lát 190 cơ sở; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng 109 cơ sở; thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì 75 cơ sở; sản xuất bún 26 cơ sở; giết mổ gia súc, gia cầm 30 cơ sở; gia công cơ khí 19 cơ sở; sản xuất gạch không nung 14 cơ sở... Một số loại hình sản xuất khác như ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, kinh doanh than... cũng ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường này tập trung nhiều ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn và các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương. Qua khảo sát, hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị... với mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công.
Cần chung tay di dời
Theo số liệu điều tra của các ngành và địa phương tổng hợp về UBND tỉnh, trong số 826 cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm trong đô thị, dân cư, có 700 cơ sở (chiếm 84,74%) không đầu tư các công trình xử lý chất thải hoặc còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên. Chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của Nhân dân xung quanh.
Phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) có hàng chục cơ sở sản xuất bún ngay trong khu dân cư.
Đó chính là nguyên nhân khiến thời gian qua rất nhiều đơn thư, phản ánh của người dân đến các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Qua xác minh cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất trong dân cư chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường, chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải trước khi thải ra còn nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế... Việc phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thường xuyên của các hộ dân cho thấy những bức xúc trong việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này cần phải được giải quyết dứt điểm.
Căn cứ Kết luận số 2351-KL/TU ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cuối tháng 4/2024 UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, đề ra thời gian thực hiện với từng lộ trình cụ thể.
Từng sở, ngành, đơn vị liên quan cấp tỉnh và các địa phương đã được giao nhiệm vụ theo chức năng để triển khai nhiều giải pháp theo mục tiêu đề án. Theo đó, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ hoàn thành việc phân loại đối tượng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư. Từ đó xây dựng kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề, giảm quy mô công suất hoặc dừng hoạt động tùy theo mức độ gây ô nhiễm. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để bố trí khu sản xuất tập trung nhằm đảm bảo đủ điều kiện để tiếp nhận các cơ sở trong kế hoạch di dời. Giai đoạn 2026-2027, tỉnh dự kiến thực hiện di dời toàn bộ hoặc chuyển đổi ngành nghề các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên. Giai đoạn 2028-2030 tiến hành giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại.
Cũng theo đề án, địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn hoặc địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.
Tỉnh cũng đã lên phương án cụ thể, giai đoạn 2026-2027 sẽ di dời 110 cơ sở và giảm quy mô công suất cùng hoàn thiện công trình xử lý chất thải với 25 cơ sở. Giai đoạn 2028-2030 sẽ di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề với 565 cơ sở...
Tuy phía trước có nhiều khó khăn như quỹ đất quy hoạch khu sản xuất tập trung, công tác vận động Nhân dân, nguồn vốn hỗ trợ... nhưng nếu có quyết tâm và trách nhiệm cao từ các bên, nhiệm vụ sẽ thành công.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-12-11 16:14:00
Huyện Quan Hóa giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 95,48%
-
2024-09-20 16:30:00
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2024 đạt 3,75%
Các ngân hàng khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Giữ “sức khỏe” cho đất
Vinamilk và FPT hợp tác chiến lược nâng tầm quản trị tài chính toàn diện bằng giải pháp công nghệ
Bảo vệ cây trồng trong mùa mưa bão
Kiên quyết không để tàu cá “3 không” ra khơi; xử lý dứt điểm tàu vi phạm mất kết nối hành trình
Hậu Lộc phát triển kinh tế trang trại bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Tập huấn phân biệt hàng thật - giả của nhãn hiệu Honda
Bản tin Tài chính 20/9: Giá vàng tăng mạnh, đồng USD thế giới quay đầu giảm sau động thái cắt giảm lãi suất
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP