Phát triển du lịch ở Như Thanh
Là địa phương có lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, những năm qua, huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân.
Hồ Bến En luôn hấp dẫn du khách khi đến với Như Thanh. Ảnh: Vũ Khắc
Tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch
Các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện tương đối đặc sắc và đa dạng, gồm: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Vườn Quốc gia Bến En. Du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng tại dốc Eo Gắm (xã Hải Long); thác nước dốc Bò Lăn (xã Thanh Tân); hang động núi Thủ Lợn, hang Lèn Pót (xã Xuân Thái); hang Ngọc gắn với cây lim xanh cổ thụ (xã Xuân Khang); mó nước thuộc thôn Liên Minh và thôn Cầu Hồ (xã Mậu Lâm); du thuyền trên lòng hồ - du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần thuộc một phần hồ Yên Mỹ (xã Thanh Tân và Thanh Kỳ). Du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phủ Na (xã Xuân Du); đền Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Mẫu Phủ Sung và Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến (thị trấn Bến Sung). Gắn với các di tích là các lễ hội truyền thống như: Kin chiêng boọc mạy (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), Sết Bóoc Mạy, Cơm mới, rước bóng Phủ Na, rước linh vị Bạch Y công chúa... mang đến nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần, cũng như tín ngưỡng tâm linh của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, tháng 11/2023, lễ hội Sết Bóoc Mạy của đồng bào Thái ở xã Cán Khê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó, các lễ hội truyền thống hiện vẫn được bà con nơi đây gìn giữ và phát huy, như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trang phục, tín ngưỡng thờ thổ địa; đám cưới; lễ làm vía, lễ cầu mùa; các món ẩm thực... Nhiều di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn trên địa bàn các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến Hải Vân; đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung); đền thờ Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận); Vườn Quốc gia Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân)... đã và đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, ngày càng thu hút du khách tham quan, vãn cảnh.
Vườn Quốc gia Bến En được mệnh danh là “Hạ Long thu nhỏ” của xứ Thanh. Đến đây du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, được du thuyền trên lòng hồ sông Mực với dòng nước bình yên, êm ả, bốn mùa xanh mát, cùng hít thở bầu không khí trong lành và thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt mỹ của đôi bờ. Nơi đây, còn nổi tiếng với 21 hòn đảo lớn nhỏ như những viên ngọc lấp lánh giữa trời mây, non nước hữu tình. Đặc biệt, du khách còn được khám phá hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Xung quanh Vườn Quốc gia Bến En là những làng bản bình yên của người Thái, Mường với những phong tục tập quán và nét văn hóa vô cùng đặc sắc... Đến với Vườn Quốc gia Bến En, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương thơm ngon hấp dẫn.
Ông Lê Công Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Bến En, cho biết: Để phục vụ cho hoạt động du lịch, thời gian qua, Vườn Quốc gia Bến En đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp phương tiện phục vụ kinh doanh du lịch và mua sắm các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức khai thác một số điểm, tuyến tham quan trong Vườn Quốc gia Bến En như từ đập Mẫy đi đảo Thanh Niên, đảo Thực Vật; tuyến tham quan từ đập Mẫy đi làng Vơn. Tiếp nhận nuôi bán hoang dã các loài động vật và trồng các loại cây có giá trị phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, từ đầu năm 2023 đến nay, Vườn Quốc gia Bến En đã thu hút được khoảng 20.000 lượt khách du lịch, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045” đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Khi đề án được phê duyệt, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng, quy hoạch cho phát triển du lịch; đồng thời, là điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào Vườn Quốc gia Bến En để phát triển du lịch...
Đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch
Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 chương trình trọng tâm giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025, là một trong các trung tâm phát triển du lịch của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Như Thanh đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, gồm: Quy hoạch đề xuất đầu tư kè hệ thống bờ sông Khe Rồng; quy hoạch trung tâm ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ thị trấn Bến Sung; trung tâm thương mại thị trấn Bến Sung; Vườn Quốc gia Bến En; Lò cao kháng chiến Hải Vân; hang Lèn Pót và các hang động núi Thủ Lợn, thôn Yên Vinh (Xuân Thái); Eo Gắm, Eo Nga, thôn Đồng Bồi (Hải Long); thác nước Bò Lăn (Thanh Tân); Khu du lịch sinh thái cộng đồng làng Roọc (Xuân Phúc); phối hợp với UBND huyện Nông Cống, Ban Quản lý Khu Kinh tế nghi Sơn và các Khu công nghiệp thực hiện các bước đầu tư Khu nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Yên Mỹ; quy hoạch các khu, điểm du lịch mới, điều chỉnh quy hoạch các khu, điểm du lịch khác... Cùng với đó, huyện kêu gọi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực thực hiện các dự án du lịch đầu tư vào địa bàn huyện, như các tập đoàn lớn: Sun Group, Vingroup, FLC, ORG, T&T... Đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai, hoàn thành 4 dự án trọng điểm, gồm: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En của Sun Group; Dự án Khu du lịch sinh thái hồ Eo Gấm (Hải Long) của Công ty CP Khoáng sản Phong Thủy; Dự án du lịch tại các điểm di tích đền Phủ Na, đền Phủ Sung... Cùng với đó, huyện ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng để nâng cao khả năng kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện, như: Kết nối các tuyến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn đến Khu du lịch Bến En; nút giao thông Vạn Thiện đi Bến En, Bến En đi thị trấn Bến Sung; nâng cấp tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, hạ tầng thiết yếu nội khu, biển chỉ dẫn, công trình điện, nước sinh hoạt, nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, bến thuyền, nhà chờ... tại các khu, điểm du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh để hình thành và phát huy hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy Như Thanh về chương trình “Phát triển du lịch huyện Như Thanh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, bằng các nguồn vốn, những năm qua, huyện đã trùng tu, tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh đền Phủ Na (hay còn gọi là Na Sơn động phủ) ở xã Xuân Du; Di tích lịch sử cách mạng Lò Cao kháng chiến ở xã Hải Vân; đền Khe Rồng ở xã Hải Long; đền Bạch Y công chúa, xã Phú Nhuận... với tổng kinh phí 46 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn xã hội hóa, các đồng gia bản hội, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, một di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn huyện cũng được trùng tu, tôn tạo. Gắn với đó, huyện đã và đang đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; tập trung đầu tư, nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch; giao cho mỗi địa phương trong huyện phải có một sản phẩm du lịch; từng bước đầu tư 3 dự án du lịch, gồm: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư; du lịch cộng đồng làng Roọc, xã Xuân Phúc; dự án Du lịch sinh thái Eo Gắm ở xã Hải Long...
Bên cạnh đó, huyện Như Thanh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước về du lịch và nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ quản lý về du lịch. Mở các lớp bồi dưỡng cho cộng đồng làm du lịch; kết hợp với các dịch vụ đi kèm các món ăn ẩm thực như: Cá mè sông Mực, lợn mán, nem chua lợn mán, dúi, gà đồi, mật ong rừng...; các cây lá nam như: chè vằng, lá lạc tiên, nấm lim, các sản phẩm OCOP nông nghiệp... Phát triển và khôi phục các làng nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, nghề đan lát mỹ nghệ. Đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng, khôi phục nếp nhà sàn, phong tục tập quán, đời sống dân tộc Thái và Mường. Tính đến tháng 12/2023, huyện Như Thanh đã đón hơn 150.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 12 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Như Thanh tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kêu gọi các nguồn vốn tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Khắc Công
{name} - {time}
-
2024-11-24 11:51:00
Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa
-
2024-11-22 22:39:00
Cuối năm, du lịch check-in lên ngôi
-
2023-12-16 11:13:00
Hoàng Việt Travel - Công ty du lịch Trung Quốc giá rẻ, chất lượng
Kỳ vọng khách du lịch từ các thị trường mới
Loạt sự kiện mở màn năm du lịch sôi động tại Flamingo Ibiza Hải Tiến
Doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị cho những chuyến du xuân
Điểm danh công ty du lịch Đà Nẵng uy tín 2024
Đa dạng hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm
Thúc đẩy hợp tác phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao
Phát triển du lịch nông nghiệp: Còn nhiều khó khăn
Năm 2023, du lịch Thanh Hóa vượt chỉ tiêu đón khách trước 1 tháng
Khám phá Sài Gòn - Phan Thiết: Hành trình trải nghiệm du lịch độc đáo cùng Traveloka