(Baothanhhoa.vn) - Ngày 8/5/2019, Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029-2019). Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại nữa, ngày xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh Hóa

Ngày 8/5/2019, Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029-2019). Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại nữa, ngày xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương.

Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh HóaChùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc) mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa lâu đời của xứ Thanh.

Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, vùng đất xứ Thanh có nhiều tên gọi khác nhau, như Cửu Chân bộ thời Hùng Vương, Tượng quận thời Tần, Cửu Chân quận thời Hán. Thời Ngô được chia làm hai quận: Cửu Chân và Cửu Đức. Đến đời Lương Vũ Đế (502-549), vùng phía Bắc quận Cửu Chân được tách ra, lập làm Ái châu. Thời Tùy (589-617), Ái Châu lại lệ vào quận Cửu Chân. Đến nhà Đường (618-907), thì tách ra làm hai quận Ái Châu và quận Cửu Chân. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lý Thái tổ đổi 10 đạo trong cả nước làm 24 lộ, châu Hoan (Nghệ An) và châu Ái (Thanh Hóa) làm trại. Về sau, các triều đại phong kiến Việt Nam đổi thành Thanh Đô, Thiên Xương, Tây Đô, Thanh Hoa..., nhưng tên gọi Thanh Hóa tồn tại lâu dài nhất, xuyên suốt nhiều thế kỷ, từ triều Lý, Trần, Lê sơ, Nguyễn (Thiệu Trị), đến Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí của Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được các bộ chính sử, văn bia và các công trình nghiên cứu từ xưa đến nay đánh giá khá toàn diện, thống nhất. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương thì lại chưa được ghi chép đầy đủ, chính xác, nên có nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là sự quan tâm trong nhiều năm của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đông đảo Nhân dân tỉnh nhà.

Vì vậy, tháng 10 và tháng 11/2011, liên tiếp 2 cuộc hội thảo khoa học về chủ đề tên gọi Thanh Hóa xuất hiện từ lúc nào?, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở trung ương và địa phương đã được tổ chức tại TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận thống nhất về niên đại ra đời Danh xưng Thanh Hóa.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa... tổ chức một chương trình nghiên cứu, chuẩn bị cho cuộc Hội thảo lần thứ 3 Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử, với sự tham gia nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu về lịch sử, văn hóa, Hán Nôm... thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học ở Trung ương, các tỉnh bạn và trong tỉnh.

Sau hơn một năm chuẩn bị công phu, nghiêm túc, ngày 23/5/2017, tại cuộc Hội thảo khoa học Danh xưng Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của GS. NGND. Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dựa vào các căn cứ khoa học, như: Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của các sử thần triều Nguyễn; sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi; công trình nghiên cứu đất nước Việt Nam qua các đời của GS Đào Duy Anh... đa số nhà sử học, nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh: năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa là năm 1029 (năm Thiên Thành thứ 2, đời vua Lý Thái tông).

Trên cơ sở kết luận của Hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 87-KL/TU ngày 12/6/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 12/7/2017, quyết định lấy năm 1029 làm mốc lịch sử ra đời Danh xưng Thanh Hóa. Sau khi xác định được năm ra đời Danh xưng Thanh Hóa, với sự nhất trí cao của các nhà khoa học tại 2 hội nghị tham vấn, lãnh đạo tỉnh quyết định chọn ngày 4 tháng 4 âm lịch (tức ngày 8/5/2019), ngày vua Lý Thái tông phong tước cho thần Đồng cổ, xuống chiếu dựng miếu ở thành Đại La và làm lễ tế, ban Quốc thần là ngày kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 112/NQ-HĐND, lấy ngày 8/5 hàng năm là ngày kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa.

Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh Hóa

Gần 5 năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về sự kiện này đã được quan tâm, chú ý. Các cuộc thi tìm hiểu về Danh xưng Thanh Hóa đã được tổ chức rộng rãi ở các địa phương. Trong các công trình nghiên cứu, tài liệu tuyên truyền, giáo dục, các giáo trình, sách giáo khoa lịch sử, văn hóa giảng dạy trong các nhà trường... đã bắt đầu nghiên cứu, ghi chép, đánh giá ý nghĩa to lớn của cột mốc lịch sử này. Vì vậy, đông đảo cán bộ, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đã dần hiểu rõ, ghi nhớ và tự hào về sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa năm 1029 là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử Thanh Hóa và lịch sử dân tộc, càng khẳng định Thanh Hóa là một vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước - cách mạng lâu đời. Đồng bằng sông Mã, sông Chu từng là một trong những trung tâm của nền văn minh đầu tiên trong lịch sử dân tộc, văn minh Đông Sơn rực rỡ. Không chỉ tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, đã sản sinh ra “Tam vương, nhị chúa” và nhiều anh hùng dân tộc, như Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi..., là vùng đất có vị trí “căn bản”, có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc. Thanh Hóa còn là vùng đất văn hiến, khoa bảng thời nào cũng có những vị đại khoa, những nhà văn hóa làm rạng danh đất nước. Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương cũng xuất hiện khá sớm so với các tỉnh khác.

Hướng tới kỷ niệm 995 năm (8/5/2024) và xa hơn là kỷ niệm 1.000 năm (8/5/2029) Danh xưng Thanh Hóa, mỗi chúng ta tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử vô giá của ông cha để lại, đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng, để Thanh Hóa sớm trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

PGS. TS. Hoàng Thanh Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]