Kỳ vọng khách du lịch từ các thị trường mới
Với việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường du lịch trọng điểm trong năm 2023, những tháng cuối năm du lịch Thanh Hóa đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Nhiều cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ một số đoàn khách đến từ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Bắc và một số tỉnh phía Bắc. Theo đó, chỉ trong 11 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã đón 12,1 triệu lượt khách, đạt 100,8% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch bên lề Hội nghị liên kết du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc (tháng 11/2023) tại TP Sơn La.
Với việc kết nối đường bay và hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, trong thời gian qua lượng khách từ thị trường này đến Thanh Hóa đã và đang có những tín hiệu tích cực.
Theo ghi nhận tại một số khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh, từ tháng 9/2023 đến nay lượng khách đến từ các tỉnh phía Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng chiếm khoảng 10 - 15% tổng lượng khách. Trong đó, thị trường khách phía Nam thường lựa chọn các điểm đến như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) và một số đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Có thể nói, cơ chế, chính sách dành cho các bên tham gia liên kết đã tạo ra không khí sôi nổi trong hoạt động liên kết, kích cầu du lịch giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt, với việc sử dụng đa dạng dịch vụ, các đơn vị lữ hành cho rằng, dòng khách từ thị trường phía Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc kéo dài thời gian lưu trú và nâng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến với Thanh Hóa. Tuy nhiên, để biến thị trường khách từ TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung trở thành thị trường khách “truyền thống” đòi hỏi du lịch Thanh Hóa cần có những giải pháp mang tính chiến lược.
Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) Lê Thị Nguyệt cho biết: “Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với các dự án du lịch lớn đã, đang được triển khai, Thanh Hóa có nhiều cơ hội để thu hút khách từ các thị trường mới, trong đó có cả thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên, cùng với cơ chế, chính sách hợp tác giữa các doanh nghiệp của các địa phương, chính các doanh nghiệp cần chú trọng việc truyền thông rộng rãi các tour liên kết, sản phẩm mới cùng với cam kết về chất lượng dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội, chủ động quảng bá trên trang web của các địa phương. Đồng thời, ngành du lịch cũng cần đẩy mạnh chiến dịch quảng bá “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” thật hấp dẫn và là điểm đến thân thiện, an toàn, dễ tiếp cận đối với tất cả các thị trường trong nước và quốc tế”.
Không chỉ riêng thị trường khách từ các tỉnh phía Nam, các tỉnh Tây Bắc và miền Trung cũng đang là mục tiêu hướng tới của du lịch Thanh Hóa. Thực tế, các tỉnh Tây Bắc và miền Trung là thị trường truyền thống của doanh nghiệp lữ hành Thanh Hóa, song ở chiều ngược lại, khách từ các thị trường này đến Thanh Hóa còn rất hạn chế. Đơn cử như các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La như: Mộc Châu, Tà Xùa, Bảo tàng tỉnh Sơn La, Nhà tù Sơn La... là những điểm đến quen thuộc của khách du lịch Thanh Hóa. Thế nhưng, với hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, cho đến nay lượng khách từ địa phương này đến Thanh Hóa còn rất ít.
Phát biểu chào mừng tại hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc (tháng 11/2023) diễn ra tại TP Sơn La, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân đánh giá cao tiềm năng và những kết quả đạt được của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Sơn La đã phối hợp trong nhiều hoạt động quảng bá du lịch chung, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch kết nối, mang đến cho du khách nhiều tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, trao đổi khách hai chiều vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo đó, mặc dù có sự tương đồng về một số sản phẩm du lịch, song mỗi địa phương đều có nét văn hóa riêng, thế mạnh riêng, cùng với đó, Thanh Hóa sở hữu đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó có những sản phẩm du lịch mà tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung không có. Đây chính là cơ sở để hai tỉnh đẩy mạnh hợp tác, khai thác các tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn khách du lịch, góp phần cùng với cả nước phục hồi ngành du lịch nhanh và bền vững.
Với việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch cùng với sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng để thu hút khách du lịch từ các thị trường mới. Theo đó, trong năm 2024 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đến các thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, trải nghiệm và tăng cường chuyên đề về du lịch MICE, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao để nâng doanh thu cho ngành “công nghiệp không khói”.
Bài và ảnh: Lê Anh
{name} - {time}
-
2024-11-28 14:43:00
DANAGO đón tiếp 550 du khách MICE du lịch Đà Nẵng
-
2024-11-27 12:02:00
“Xã 135” thoát nghèo nhờ du lịch cộng đồng
-
2023-12-15 16:42:00
Loạt sự kiện mở màn năm du lịch sôi động tại Flamingo Ibiza Hải Tiến
Doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị cho những chuyến du xuân
Điểm danh công ty du lịch Đà Nẵng uy tín 2024
Đa dạng hóa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm
Thúc đẩy hợp tác phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao
Phát triển du lịch nông nghiệp: Còn nhiều khó khăn
Năm 2023, du lịch Thanh Hóa vượt chỉ tiêu đón khách trước 1 tháng
Khám phá Sài Gòn - Phan Thiết: Hành trình trải nghiệm du lịch độc đáo cùng Traveloka
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới
Đổi mới, đa dạng hóa các tuyến tham quan gắn với Di sản Thành Nhà Hồ