(Baothanhhoa.vn) - Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, từ đó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

Hoằng Hóa phát huy thế mạnh của di tích để phát triển du lịch

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, từ đó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

Hoằng Hóa phát huy thế mạnh của di tích để phát triển du lịchMột góc Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường.

Xã Hoằng Lộc có 10 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó nhiều di tích được nhiều người biết đến như Bảng Môn Đình, Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, Đền thờ Bùi Khắc Nhất... Bảng Môn Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên - vị đại tướng có công phò vua giúp nước dưới triều Lý được xem là biểu tượng văn hóa và truyền thống hiếu học của người dân xã Hoằng Lộc. Nơi đây đã ghi danh 12 vị đại khoa, trong đó có 7 tiến sĩ được khắc tên tại Văn miếu Quốc Tử Giám, cùng gần 200 vị hương cống, cử nhân và nhiều học sinh đỗ cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sau này. Bảng Môn Đình cũng là nơi sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trong xã, trong huyện, là nơi con cháu đi xa tìm về để chiêm bái, cầu cho sự học.

Xuất phát từ truyền thống đó, từ năm 2021 khu vực Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc cũng trở thành điểm tổ chức Lễ hội Bút Nghiên. Các di tích Bảng Môn Đình, Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, Đền thờ Bùi Khắc Nhất... là những địa danh ý nghĩa để học sinh, Nhân dân và du khách đến với Hoằng Hóa tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử và hiểu hơn về truyền thống khoa bảng của quê hương.

Ở xã ven biển Hoằng Trường, ngay dưới chân núi Hòn Bò có Đền thờ Đức Thánh cả Tô Hiến Thành (vị quan triều Lý có công lớn trong việc tổ chức giúp dân khai hoang, lấn biển). Tại đền thờ còn lưu giữ bộ xương cá voi (cá ông) để phối thờ. Theo đó, trong niềm tin tâm linh của mình, ngư dân Lạch Trường từ xa xưa trước mỗi chuyến vươn khơi đều đến đây thành kính dâng hương cầu mong Đức thánh cả và cá ông phù trợ những điều tốt lành. Hàng năm, vào tháng 2 âm lịch người dân Lạch Trường lại rộn ràng tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư thu hút ngư dân trong vùng và cả bên kia sông Lạch Trường (Hậu Lộc) cùng về tham gia. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế vốn có, tại đây một quần thể kiến trúc với những di tích tâm linh, thắng cảnh non nước hữu tình đã được đầu tư xây dựng - Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường. Việc đầu tư xây dựng công viên đã tạo một điểm đến tham quan du lịch, tâm linh, kết nối với Khu Du lịch biển Hải Tiến, các khu di tích lịch sử tại xã Hoằng Trường, tạo thành chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử của huyện.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 93 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh. Việc phát triển du lịch về nguồn, du lịch gắn với điểm đến là các di tích lịch sử - văn hóa đã được xác định rõ trong chương trình về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Theo đó, huyện Hoằng Hóa xác định rõ định hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác các điểm du lịch mới, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Huyện sẽ đưa vào khai thác các tuyến du lịch trọng điểm xuất phát từ Khu Du lịch biển Hải Tiến đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa trong và ngoài huyện. Trong đó, các điểm đến trong huyện nổi bật như: Từ Hải Tiến - Đền Long Vương (đảo Nẹ) - Cảng cá Lạch Trường - vào sông Cung - Lạch Hới; Hải Tiến - Đền thờ Tô Hiến Thành (Hoằng Tiến) - Chùa Hồi Long (Hoằng Thanh) - Đền thờ Đại vương Lê Trung Giang (Hoằng Ngọc); Hải Tiến đi đến các di tích quốc gia xã Hoằng Lộc (Bảng Môn Đình, Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, Đền thờ Bùi Khắc Nhất) - nhà truyền thống huyện; Hải Tiến đi Cảng Lạch Trường - núi Linh Trường (Hoằng Trường) - phủ Máng (Hoằng Yến) - làng nghề mộc (Hoằng Đạt - Hoằng Hà - chùa Trù Ninh (Hoằng Đạt) - đền Quốc Mẫu, phủ Vàng (Hoằng Xuân)...

Thực tiễn đã chứng minh các di tích lịch sử - văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống, là bản sắc riêng có của mỗi vùng, miền. Ở huyện Hoằng Hóa, đây chính là tiềm năng, thế mạnh, cơ sở, nguồn lực để huyện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, bởi di tích lịch sử - văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong phát triển du lịch, huyện đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân trong huyện và du khách, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; từ đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân.

Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Hoằng Hóa tập trung thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch gắn với phát huy thế mạnh di tích lịch sử - văn hóa. Huyện tập trung thực hiện các giải pháp đầu tư về hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; tăng cường hoạt động kết nối với các địa phương trong tỉnh; đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch để thu hút du khách... Huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội du lịch biển Hải Tiến, khởi động các hoạt động chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2023, phấn đấu trong năm nay lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]