(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, số lượng khách tham gia du lịch tâm linh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh. Điều đó cho thấy sức hút của du lịch tâm linh ngày càng cao. Bởi vậy, để khắc phục yếu tố mùa vụ, đưa du lịch tâm linh ngày càng phát triển, trở thành “kỳ quan bốn mùa”, hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa du lịch tâm linh trở thành điểm đến 4 mùa

Những năm gần đây, số lượng khách tham gia du lịch tâm linh ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch của tỉnh. Điều đó cho thấy sức hút của du lịch tâm linh ngày càng cao. Bởi vậy, để khắc phục yếu tố mùa vụ, đưa du lịch tâm linh ngày càng phát triển, trở thành “kỳ quan bốn mùa”, hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa du lịch tâm linh trở thành điểm đến 4 mùaKhu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), thu hút đông du khách đến tham quan và dâng hương.

Ông Trương Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, phụ trách quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) cho biết: "Trong những năm qua, xu hướng du lịch tâm linh của người dân rất cao. Tuy nhiên, du lịch tâm linh chỉ “bùng nổ” mạnh mẽ vào các tháng đầu năm, bởi đây là dịp để người dân đi lễ chùa cầu may mắn, bình an cho cả năm. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, lượng du khách tìm đến đây để dâng hương, vãn cảnh cũng chỉ đông nhất là dịp đầu xuân và dịp lễ hội, còn ngày thường số lượng khách tìm đến không nhiều. Chủ yếu là vào dịp hè, các em học sinh tìm đến đây để tham quan, trải nghiệm, học tập bổ sung kiến thức lịch sử. Do đó, để thu hút khách tìm đến suốt 4 mùa, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị hiện có, chúng tôi đã và đang chú trọng xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm đến khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc và nội tỉnh, đặc biệt là các tour, tuyến du lịch tâm linh và danh lam thắng cảnh. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một số tour, tuyến du lịch như: Oanh liệt khúc tráng ca (Đền Bà Triệu - Đình làng Phú Điền - Lăng ba viên tướng họ Lý và lăng Vua Bà - Miếu Bàn Thề; Hậu Lộc - Linh thiêng miền di sản 1 (Đền Bà Triệu - Đình làng Phú Điền - Lăng ba viên tướng họ Lý và lăng Vua Bà - Cụm di tích thắng cảnh Phong Mục); Hậu Lộc - Linh thiêng miền di sản 2 (Đền Bà Triệu - Cụm di tích thắng cảnh Phong Mục - Chùa Vích - Di tích Diêm Phố - Nghinh môn triều Lý và đền thờ Hoàng Thái hậu triều Lý); kết nối di sản xứ Thanh (Đền Bà Triệu - Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh - Làng cổ Đông Sơn)... Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hướng tới mục tiêu lồng ghép thêm các hoạt động trải nghiệm nhằm gia tăng giá trị điểm đến của khu di tích. Cùng với đó, là chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhằm truyền tải nội dung và ý nghĩa của khu di tích và lễ hội đền Bà Triệu đến du khách.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho huyện Vĩnh Lộc những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa độc đáo và hấp dẫn như, đền thờ nàng Bình Khương, chùa Linh Giang, chùa Nhân Lộ, đền Tam Tổng và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi tiếng như, thắng cảnh động Kim Sơn, Tiên Sơn, động Eo Lê, động Hồ Công... trên hệ thống các hang động còn lưu giữ bút tích của các thi nhân qua hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu giữ trên vách đá ca ngợi cảnh đẹp núi sông, non nước hữu tình. Đây chính tiềm năng, lợi thế để huyện khai thác để phát triển du lịch tâm linh. Bởi vậy, để du lịch tâm linh phát triển cả 4 mùa, những năm qua, huyện đã tích cực phát triển các tour du lịch tâm linh về nguồn. Điển hình nhất là tour: Chùa Linh Ứng - chùa Hoa Long; đền thờ Trần Khát Chân - Phủ Trịnh; nghè Vẹt - khu tượng đá Đa Bút - nhà thờ và lăng mộ Tống Duy Tân - đền thờ Trần Khát Chân – chùa Giáng – di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng huyện Vĩnh Lộc, trước mắt thực hiện mô hình thí điểm du lịch cộng đồng tại điểm du lịch Lâm Sơn Trang, nơi có hệ thống đồ cổ, nhà cổ. Ngoài ra, huyện phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên, tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại danh thắng Kim Sơn, động Hồ Công, Hồ Mang Mang.

Ngoài ra, huyện Vĩnh Lộc cũng tích cực duy trì thường xuyên và đưa các trò chơi, trò diễn, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như: chèo Xuân Áng, tuồng cổ, hát ca trù... Tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ hội rước nước, lễ hội chùa Du Anh, lễ kỷ niệm ngày mất của Thượng tướng quân Trần Khát Chân; lễ kỷ niệm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm... Đồng thời, từng bước nâng tầm quy mô, chất lượng các lễ hội, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh giàu tiềm năng di sản văn hóa vật thể, bởi trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ cha ông đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể quý báu, phong phú và đa dạng như, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn... Đi kèm với đó là các lễ hội được tổ chức thường xuyên như, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Mường Xia, lễ hội Trò Chiềng... Đây chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch tâm linh của tỉnh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu vừa tham quan vãn cảnh, vừa hành hương, đi lễ của du khách. Bởi vậy, để đưa du lịch tâm linh ngày càng có sức hút du khách suốt 4 mùa trong năm thì bên cạnh việc quan tâm trùng tu, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan di tích, các địa phương trong tỉnh đang chú trọng mở rộng phát triển thêm những sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... gắn với du lịch tâm linh; chú trọng liên kết các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở cả trong và ngoài tỉnh, bởi tâm lý của du khách là muốn đến một “chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng, đa dạng trong cùng một tour khép kín, thuận tiện một cung đường”. Đồng thời, chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại các di tích một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]