(Baothanhhoa.vn) - Nếu như năm 2022, ngay sau khi du lịch nội địa mở cửa trở lại, sức mua du lịch tại các địa phương trong cả nước đều tăng trưởng vượt mức. Tuy nhiên bước sang năm 2023, với giá cả cạnh tranh, khách lựa chọn đi du lịch quốc tế khá nhiều. Ghi nhận tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hàng đầu trên địa bàn tỉnh, sức mua tour nội địa năm nay đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Du lịch mở cửa: Nhiều khó khăn cho du lịch nội địa

Nếu như năm 2022, ngay sau khi du lịch nội địa mở cửa trở lại, sức mua du lịch tại các địa phương trong cả nước đều tăng trưởng vượt mức. Tuy nhiên bước sang năm 2023, với giá cả cạnh tranh, khách lựa chọn đi du lịch quốc tế khá nhiều. Ghi nhận tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch hàng đầu trên địa bàn tỉnh, sức mua tour nội địa năm nay đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Du lịch mở cửa: Nhiều khó khăn cho du lịch nội địaĐoàn doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đến khảo sát, kết nối với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Sầm Sơn (tháng 4-2023) nhằm mang đến mức giá hợp lý thu hút khách nội địa trong dịp hè 2023.

Năm 2022, du lịch Thanh Hóa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách nội địa, chỉ hơn 9 tháng toàn tỉnh đã đón trên 11 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Tại các trọng điểm du lịch khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... cũng đón lượng khách nội địa lớn, đây được xem là “cứu cánh” cho ngành du lịch trong bối cảnh khách quốc tế còn rất ít. Tuy nhiên, bước sang năm nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đang lo ngại trước tình trạng sức mua bắt đầu có dấu hiệu yếu đi.

Thông tin từ một số công ty lữ hành cho biết, giá vé máy bay dành cho khách đoàn đặt trước cho năm nay tăng 15 - 20%, dịp cao điểm 30-4 và 1-5 tăng 30 - 40% tùy đường bay dài, ngắn và mức độ thu hút khách của điểm đến. Hiện nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc các chương trình cho mùa hè vì lo ngại thị trường sẽ khó hơn vì giá cả tăng cao. Đây là rào cản rất lớn cho quá trình hồi phục du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa trong bối cảnh sức mua chưa chắc chắn và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế.

Theo ông Hoàng Anh Thọ, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ du lịch VNPlus (TP Thanh Hóa): “Sau một thời gian dài du lịch quốc tế hạn chế, đến nay nhu cầu của người dân tăng mạnh. Trong khi đó, nếu chi phí chuyến đi khoảng 7 - 8 triệu đồng, nhiều đoàn sẽ chọn đi Thái Lan, trong khi số tiền này ở một số thời điểm chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi chặng Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh. Với mức giá cao hơn một chút, nhiều đoàn sẽ chọn đi Singapore, Malaysia khoảng 10 triệu đồng thay vì đi Phú Quốc. Ở các điểm đến khác như Đài Loan, Trương Gia Giới (Trung Quốc), các hãng hàng không cũng đang ồ ạt khuyến mãi để thu hút khách trở lại sau dịch. Điều này đã, đang gây áp lực rất lớn để du lịch trong nước giữ sức hút với khách hàng...”.

Cũng theo ông Hoàng Anh Thọ, nếu như năm 2022, tại Thanh Hóa có khoảng 35% khách hàng chọn đi du lịch nội tỉnh, số còn lại lựa chọn tour trong nước. Tuy nhiên bước sang năm 2023, sức mua tour du lịch nội địa đang có dấu hiệu suy giảm ở hầu hết các đơn vị lữ hành.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc GBest Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: “Sau khi du lịch mở cửa trở lại, các địa phương, khu, điểm du lịch có nhiều thay đổi tích cực, nhiều sáng tạo về sản phẩm. Tại Thanh Hóa, doanh nghiệp lữ hành cũng dồn lực xây dựng đa dạng tour nội tỉnh, trong nước hấp dẫn, thêm nhiều trải nghiệm, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Song, giá cả là cản trở rất lớn. Nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi, đánh giá cao các tour nội địa nhưng sau khi so sánh, đối chiếu, họ chọn đi Thái Lan, Singapore... Thật ra, đối với các doanh nghiệp lữ hành doanh số vẫn đạt theo kế hoạch. Tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu khó khăn của du lịch nội địa trong năm 2023”.

Theo ghi nhận tại một số đơn vị lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh, những đường tour có lượng khách quan tâm nhiều, chốt tour từ rất sớm bao gồm: Thái Lan, Ðài Loan, Singapore, Trung Quốc... Dự báo từ tháng 6 tới, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc nới lỏng thêm yêu cầu kiểm dịch đối với du khách. Trong bối cảnh đó, giá vé máy bay tăng, chi phí các dịch vụ du lịch trong nước tăng sẽ lập tức tác động đến hành vi du lịch của khách, đẩy các nhóm khách đang lưỡng lự mạnh dạn chuyển sang du lịch nước ngoài.

Có thể nói, việc giải quyết vấn đề giá cả để tạo sức cạnh tranh cho du lịch nội địa không trong tầm tay của doanh nghiệp mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Với thế mạnh là điểm đến yêu thích của dòng khách nội địa, trong năm 2023, các cấp, sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt trên 615 nghìn lượt, gồm: đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Duy trì các điều kiện đón, tiếp khách du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện. Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Thúc đẩy chuyển đổi số ứng dụng công nghệ trong quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch...

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]