Du lịch Hà Nam đứng trước nhiều vận hội lớn nhờ lợi thế “cửa ngõ Thủ đô”
“Lợi thế lớn nhất của Hà Nam để phát triển du lịch chính là vị trí “cửa ngõ Thủ đô”. Với du lịch, nếu phát huy được những lợi thế đó, cùng với tiềm năng tự nhiên, văn hóa, biết khai thác, phát huy thì chắc chắn Hà Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới”, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam bày tỏ.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam.
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo mang đậm màu sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ, du lịch Hà Nam gần đây đã có nhiều khởi sắc, song vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nam vẫn còn một số hạn chế, rào cản cần được tháo gỡ để thực sự cất cánh, đồng thời địa phương này vẫn chưa thực sự tận dụng được lợi thế “cửa ngõ thủ đô” trong phát triển du lịch.
- Hà Nam gần đây nổi lên như một điểm đến mới mẻ, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Mới đây, địa phương này còn được WTA khu vực châu Á – châu Đại dương 2024 vinh danh là Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á năm 2024. Là một chuyên gia đầu ngành về du lịch, xin ông chia sẻ một vài đánh giá về lợi thế, tiềm năng cũng như hạn chế của du lịch Hà Nam?
Hà Nam có rất nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, nhưng thực ra trong thời gian dài gần như không có mặt trên bản đồ du lịch của cả nước. Gần đây, du lịch Hà Nam mới bắt đầu được nhiều du khách quan tâm. Chính quyền địa phương cũng chú trọng đến phát triển du lịch và bắt đầu có định hướng phát triển ngành công nghiệp xanh này thông qua Nghị quyết, chủ trương và Quy hoạch tỉnh Hà Nam.
Là người nghiên cứu và theo dõi trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của Hà Nam để phát triển du lịch chính là vị trí. Trước đây, người ta nói Hà Tây là cửa ngõ Thủ đô, giờ đây khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội rồi thì Hà Nam chính là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh- một trong 13 Thủ đô lớn nhất thế giới. Do vậy, có thể thấy, Hà Nam chiếm lợi thế vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, Hà Nam đã có bước phát triển nhất định, nhưng để xứng tầm là cửa ngõ Thủ đô xét về mặt kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa thì rõ ràng chưa, do vậy cần có sự thay đổi mang tính bước ngoặt.
Gần đây, Hà Nam đã bắt đầu có sự chuyển đổi, nhận ra những lợi thế để phát huy. Với du lịch, nếu phát huy được những lợi thế đó, cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng đa dạng về tự nhiên, văn hóa, tâm linh thì chắc chắn Hà Nam sẽ trở thành điểm đến du lịch quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới.
-Thời gian qua, Hà Nam đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đến Hà Nam đầu tư phát triển kinh tế, du lịch. Gần đây nhất là Tập đoàn Sun Group đã có dự án lớn đầu tư tại Hà Nam, hứa hẹn tạo đòn bẩy cho du lịch thăng hoa. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược thu hút đầu tư của Hà Nam?
Gần đây, Hà Nam có hướng đi khá đúng trong thu hút đầu tư và dần nhận ra lợi thế của mình là vị trí. Vai trò “cửa ngõ” của Hà Nam rất quan trọng, do vậy, Hà Nam cần quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ, khu vui chơi giải trí phục vụ cho lượng khách lớn đến từ Thủ đô và các địa phương khác trong cả nước cũng như du khách quốc tế.
Dự án Sun Urban City do Sun Group đầu tư tại Hà Nam có mật độ xây dựng chỉ 18%, không gian cây xanh mặt nước lên đến 200ha cùng tổ hợp 5 đại công viên, hứa hẹn tạo động lực cho du lịch Hà Nam.
Tôi cho rằng, dự án mới đây của Sun Group đầu tư tại Phủ Lý là một tầm nhìn sáng suốt từ cả phía chính quyền Hà Nam cũng như doanh nghiệp, có thể coi là bước đi chiến lược đón đầu được lợi thế vị trí đắc địa của Hà Nam. Nếu có tổ hợp vừa có thể tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo, mua sắm, vui chơi giải trí cùng nhiều hoạt động khác ở Phủ Lý, biến Phủ Lý thành một thành phố hiện đại nằm ngay cửa ngõ thủ đô Hà Nội sẽ mang lại hiệu quả lớn. Điều này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Hà Nam, mà còn đóng góp cho cả vùng Thủ đô, giải tỏa sức ép lên khu vực nội đô Hà Nội, khắc phục tình trạng quá tải, đồng thời đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu giải trí của người dân Thủ đô và người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội vào dịp cuối tuần hoặc lễ Tết.
Với nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô đối với việc tiếp cận đến những điểm thư giãn, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo cùng hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, hiện đại như hiện nay, thì việc kết nối giữa Hà Nội và Phủ Lý (Hà Nam) chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ là rất thuận lợi.
Doanh nghiệp rõ ràng có tầm nhìn lâu dài khi lựa chọn Phủ Lý là điểm đầu tư. Nếu tuân thủ tốt những nguyên tắc về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh theo nghĩa rộng thì các cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ mà Sun Group đầu tư tại đây trở thành những sản phẩm rất hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, thời thượng của khách du lịch cũng như của người dân Thủ đô và cả nước.
-Nhiều chuyên gia cho rằng du lịch Hà Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vẫn còn một số hạn chế. Theo ông, Hà Nam trước mắt cần phải tháo gỡ những điểm mấu chốt gì để du lịch thực sự cất cánh?
Nhìn lại quá trình phát triển của du lịch Hà Nam, chúng ta thấy rõ ràng là với tiềm năng, lợi thế như hiện tại thì sự phát triển chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo thành điểm đến hấp dẫn.
Chúng tôi nghĩ là Hà Nam cần xây dựng Đề án tổng thể cho phát triển du lịch toàn tỉnh triển khai Quy hoạch tỉnh, để có thể tận dụng, phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, rào cản hiện tại.
Khi Hà Nam quan tâm thực sự đến phát triển du lịch và bắt đầu có sự vào cuộc của các tập đoàn lớn, thì cần có định hướng chiến lược phát triển tổng thể để xác định nhiệm vụ và vị thế của du lịch Hà Nam trong 10 năm – 20 năm -30 năm tới như thế nào? Từ đó, Hà Nam sẽ xác định được rõ sản phẩm nào phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với từng thị trường mục tiêu. Hiện nay, phần nội dung du lịch trong quy hoạch tỉnh đề cập vẫn còn vắn tắt, khái quát, do đó, việc xây dựng một Đề án tổng thể phát triển du lịch của tỉnh để cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ, định hwonsg giải pháp phát triển về du lịch trong Quy hoạch tỉnh là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Để định hướng phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế như chúng tôi đề cập, không chỉ là vị thế về tiềm năng, tài nguyên mà còn là vị thế về vị trí để phát triển du lịch đô thị, du lịch sự kiện. Với lợi thế đấy thì trước tiên, Hà Nam cần phải có định hướng lâu dài, định hướng chiến lược cho phát triển du lịch.
Thứ hai là phải đầu tư hạ tầng kết nối với các khu, điểm du lịch nội tỉnh. Hiện nay, vấn đề này vẫn còn thiếu và yếu, khiến cho tiềm năng du lịch địa phương chưa được phát huy xứng tầm.
Thứ ba, cần đẩy mạnh đầu tư các sản phẩm dịch vụ dựa trên tiềm năng lợi thế đã đánh giá đầy đủ từ đề án tổng thể. Ví dụ có những điểm du lịch chỉ phù hợp với khách nội địa thì đừng đầu tư theo hướng thu hút khách quốc tế, và ngược lại. Chúng ta cần định hướng dựa trên tiềm năng để đầu tư các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với các thị trường khách khác nhau.
Thứ tư là cần phải đẩy mạnh truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch. Thời gian qua, đây có vẻ là khâu còn yếu của Hà NamHình ảnh tổng thể về điểm đến của Hà Nam hiện nay vẫn chưa rõ, các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến của Hà Nam chưa được triển khai nhiều ngay cả ở thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Hà Nam cần quan tâm kết nối với các điểm đến của các tỉnh khác trong Vùng Thủ đô, kể cả với Hà Nội để tạo nên các chương trình du lịch nội vùng, liên vùng hấp dẫn. Thậm chí, Hà Nam có thể kết nối với Mỹ Đức của Hà Nội- một điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, để xây dựng sản phẩm du lịch vừa mang đậm nét tự nhiên, vừa chứa đựng nhiều nét văn hoá đặc sắcthì sẽ hứa hẹn rất hấp dẫn.
Và điểm yếu nữa cũng cần phải khắc phục, đó là nhân lực. Với du lịch thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất là cao. Vì vậy, Hà Nam muốn đầu tư phát triển du lịch rõ ràng là phải cần đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, kể cả cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp và cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch. Cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cho những người dân tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng kiến thức, kỹ năng về du lịch, về cách làm du lịch và đặc biệt là trong ứng xử với du khách.
-Vậy để thu hút du khách quốc tế thì Hà Nam cần làm gì thưa ông?
Muốn thu hút khách quốc tế thì Hà Nam phải nhìn vào mình có sản phẩm dịch vụ gì để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế. Rõ ràng là muốn có được sản phẩm dịch vụ độc đáo phù hợp với thị trường khách quốc tế thì cần phải đầu tư và cần thời gian.
Tôi nghĩ là với lợi thế của Hà Nam là gần với Thủ đô, thế nên mặc dù là có nhiều tài nguyên chưa thực sự nổi bật hơn so với nhiều địa phương khác nhưng với lợi thế gần, biết làm thì vẫn trở thành những sản phẩm hấp dẫn để lôi cuốn khách du lịch.
Chùa Địa Tạng Phi Lai - Hà Nam.
Rõ ràng là tiềm năng về tự nhiên, văn hoá, làng nghề, ẩm thực đặc biệt là những nét đặc trưng văn hoá của đồng bằng Bắc Bộ của Hà Nam đều rất đặc sắc, nhưng vấn đề là phải biết biến thế mạnh đó trở thành các sản phẩm du lịch đích thực để tạo sức hút.
Ngoài ra, Hà Nam còn có lợi thế về những dòng sông rất đẹp. Nếu có thể biết cách khai thác để phát triển thành các sản phẩm du lịch đường sông kết nối từ Hà Nam sang Mỹ Đức (Hà Nội) và Ninh Bình, đó cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, Hà Nam cần xây dựng Đề án tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh, trong đó có đánh giá các tài nguyên du lịch, định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu mới của thị trường. Cần xác định rõ cái gì đáp ứng được thị trường khách quốc tế và cái gì là dành cho khách nội địa. Như vậy mới có thể xác định được hướng đi đúng cho du lịch Hà Nam.
-Xin cảm ơn ông!
Tùng Dương
{name} - {time}
-
2024-11-21 13:56:00
COP29: Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân thiện với môi trường
-
2024-11-21 12:11:00
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
-
2024-11-06 16:09:00
Siêu nhạc hội hoành tráng nhất 2024: Viettel Y-Fest sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Hà Nội
Tây Ninh - Vùng đất của các di sản văn hóa độc lạ
Phú Quốc sắp có bệnh viện và quảng trường đẳng cấp quốc tế tại An Thới
Thúc giục trách nhiệm bảo vệ di tích
Đừng để thư viện vắng bóng bạn đọc
Hồi ký của một nữ chính trị gia
[Podcast] Truyện ngắn: Cơ hội cuối cùng
[E-Magazine] – Thương nhớ ngày mưa.
Tháng 11 này, Vịnh Hạ Long “nóng” hơn bao giờ hết với Đại nhạc hội Superfest 2024
Phát huy giá trị hương ước, quy ước trong đời sống xã hội hiện đại