Donald Trump và kế hoạch về một đế chế mới
Trong những tuần cuối của năm 2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gây bất bình khi gợi ý Hoa Kỳ nên mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách khuyến khích Canada gia nhập Liên bang với tư cách là tiểu bang thứ 51, mua Greenland từ Đan Mạch và giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama.
Phát biểu với truyền thông, một chuyên gia lịch sử Hoa Kỳ cho biết các chính sách của Trump là “trở lại thế kỷ 19”, khi Hoa Kỳ mở rộng về phía tây khắp Bắc Mỹ. Một học giả thứ hai chuyên về chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ cho biết Trump đang tìm kiếm “hình thức thể hiện quyền lực”, “gợi nhớ lại những ngày đẫm máu của Teddy Roosevelt”.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử trước Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 11/2024, Donald Trump tuyên bố ông có kế hoạch áp dụng mức thuế mới 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Canada và Mexico cho đến khi hai nước này “chấm dứt” tình trạng buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp.
Động thái này khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau phải vội vã đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Trump ở Florida để thảo luận, sau đó tổng thống đắc cử Hoa Kỳ đã chế giễu nhà lãnh đạo Canada là “Thống đốc Trudeau” trên Truth Social.
Người phát ngôn chuyển giao quyền lực của Trump, Anna Kelly cho biết: “Các nhà lãnh đạo thế giới đang đổ xô đến bàn đàm phán vì Tổng thống Trump đã thực hiện lời hứa làm cho Hoa Kỳ hùng mạnh trở lại”.
Vào ngày 18/12/2024, Trump đã kêu gọi Canada gia nhập Liên minh Hoa Kỳ. Trong một bài đăng trên Truth Social, ông nói: "Không ai có thể trả lời tại sao chúng ta trợ cấp cho Canada hơn 100 triệu đô la mỗi năm? Thật vô lý! Nhiều người Canada muốn Canada trở thành Tiểu bang thứ 51. Họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế và có được sự bảo vệ. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tiểu bang thứ 51!!!"
Không có đảng phái hay chính trị gia lớn nào của Canada lên tiếng ủng hộ việc gia nhập Hoa Kỳ. Một cuộc thăm dò của Leger được tiến hành từ ngày 6 đến 9/12/2024 cho thấy chỉ có 13% người Canada ủng hộ động thái này, trong khi có tới 82% phản đối mạnh mẽ.
Donald Trump cũng nhắc lại đề xuất đầu tiên của mình trong nhiệm kỳ là Hoa Kỳ nên mua Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch trải dài hơn 835.000 dặm vuông với dân số chỉ dưới 60.000 người.
Trong bài đăng trên Truth Social ngày 22/12/2024, Trump viết: “Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Hoa Kỳ cảm thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là hoàn toàn cần thiết”.
Chính quyền Đan Mạch trước đây đã tuyên bố họ không quan tâm đến việc bán Greenland. Năm 2019, Trump đã hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch tới quốc gia Scandinavia này sau khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi đề xuất của Hoa Kỳ về việc mua Greenland là “vô lý”.
Hoa Kỳ đã nghiêm túc đưa ra lời đề nghị mua Greenland và Iceland trong nhiệm kỳ tổng thống của Andrew Johnson vào năm 1867-1868. Năm 1946, Tổng thống Harry Truman đã đề nghị Đan Mạch 100 triệu đô la vàng thỏi để đổi lấy lãnh thổ này. Cả hai nỗ lực đều không thành công.
Vào ngày 21/12/2024, Trump cũng gợi ý ông có thể yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho Hoa Kỳ. Kênh đào này được Hoa Kỳ tài trợ và xây dựng nhưng đã được chuyển giao cho Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận được Tổng thống Jimmy Carter ký vào năm 1978.
Trong bài đăng trên Truth Social, Trump cho biết: “Các khoản phí mà Panama tính thật vô lý, đặc biệt khi biết đến lòng hảo tâm phi thường mà Hoa Kỳ đã dành cho Panama”. "Nếu các nguyên tắc về mặt đạo đức và pháp lý của cử chỉ hào hiệp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại cho chúng tôi, toàn bộ, và không được thắc mắc."
Phát biểu với tờ Newsweek, Giáo sư Sean Adams, chuyên gia về lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Florida, đã so sánh các đề xuất của Trump với chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 19. Adams cho biết: “Kế hoạch thâu tóm Greenland gợi nhớ một chút đến thế kỷ 19 khi nhiều chính trị gia Hoa Kỳ, đặc biệt là đảng Dân chủ, khá quyết liệt trong việc mở rộng lãnh thổ”.
"Trên thực tế, vào những năm 1850, đã có một cụm từ, “chủ nghĩa đại bàng” lan rộng tại Hoa Kỳ, mô tả mong muốn này. Và ý tưởng mở rộng chính quyền cộng hòa trên khắp lục địa và trên toàn thế giới, bất kể người dân có muốn hay không, là động lực thúc kế hoạc đó”. Vì vậy, từ những năm 1840 đến những năm 1860, thế giới đã chứng kiến Hoa Kỳ chiếm được những vùng đất rộng lớn của Mexico, Alaska của Nga và những nỗ lực không thành công nhằm sáp nhập Santo Domingo (nay là Cộng hòa Dominica), mua Greenland và Iceland từ Đan Mạch.
Adams so sánh tham vọng của Trump với tham vọng của Tổng thống Andrew Jackson, người giám sát việc mua Alaska. Tuy nhiên, ông lập luận rằng vị tổng thống sắp tới ít quan tâm đến việc mở rộng chính quyền Cộng hòa.
“Tổng thống Trump đã treo chân dung của Andrew Jackson tại Phòng Bầu dục, và động thái gần đây hướng tới việc mở rộng lãnh thổ khá giống với thái độ của Jackson đối với việc mở rộng ranh giới của Hoa Kỳ”, Adams cho biết.
"Nói như vậy, có vẻ như phiên bản Trump dựa nhiều hơn vào thực tế chính trị hơn là cuộc thập tự chinh để mở rộng lãnh thổ. Có vẻ như đây là sự thay đổi đáng kể so với phong cách tương tác toàn cầu hiện tại của Hoa Kỳ, vốn dựa nhiều vào các hiệp ước, liên minh và các chiến dịch quân sự tập trung hơn là sự mở rộng nhanh chóng các vùng đất."
Trong suốt lịch sử của mình, Hoa Kỳ đã mở rộng đáng kể bằng cách mua lãnh thổ từ các quốc gia khác, bao gồm việc mua Louisiana từ Pháp năm 1803, mua Florida từ Tây Ban Nha năm 1819, mua Gadsden từ Mexico năm 1854 và mua Alaska từ Nga năm 1867.
Daniel Immerwahr, một chuyên gia về chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, giảng dạy tại Đại học Northwestern, cho rằng các đề xuất của Trump sẽ là “sự trở lại với tầm nhìn cũ về quyền lực, nơi an ninh đạt được thông qua diện tích đất đai” thay vì liên minh và thương mại.
Immerwahr, tác giả cuốn sách How to Hide an Empire: A History of the Greater United States (Cách che giấu một đế chế: Lịch sử của Hoa Kỳ) xuất bản năm 2019, cho biết: “Kể từ khoảng năm 1945, Hoa Kỳ đã theo đuổi các hình thức lan tỏa ảnh hưởng thông qua các hiệp định thương mại, quan hệ đối tác an ninh, dòng chảy vũ khí và căn cứ quân sự”.
"Tất cả những điều này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ các nước. Ngược lại, tầm nhìn của Trump về một Hoa Kỳ hùng mạnh dường được bao bọc trong những bức tường cao, tạo ra các mối đe dọa hạt nhân và quân sự khủng khiếp, ông muốn có quyền lực trên toàn thế giới, nhưng không muốn hiện diện."
Immerwahr tiếp tục: "Vì vậy, thay vì đạt được lợi ích chiến lược của Greenland bằng cách điều hành một căn cứ quân sự hoặc giao dịch với Đan Mạch, ông ấy lại tìm cách mua Greenland."
Tuy nhiên, Immerwahr đặt câu hỏi về ý kiến cho rằng các chính sách của Trump tương đương với “sự trở lại thời đại đế quốc”, lập luận rằng thời đại hiện tại không phải là thời đại phi đế quốc, với ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ giống như một đế quốc. "Sẽ không ngoa khi coi hàng trăm căn cứ quân sự của Hoa Kỳ bên ngoài biên giới là một loại đế chế... Nhưng rõ ràng Trump cảm thấy thoải mái hơn với hình thức thể hiện quyền lực cũ, gợi nhớ đến những ngày đẫm máu của Teddy Roosevelt", ông nói.
Tổng thống Theodore Roosevelt đã tham gia chiến đấu trong chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ, chỉ huy một đơn vị kỵ binh được gọi là Rough Riders. Chiến thắng của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột này đã khiến Tây Ban Nha trao Puerto Rico, Guam và Philippines cho Hoa Kỳ, đồng thời từ bỏ chủ quyền đối với Cuba. Với tư cách là tổng thống từ năm 1901 đến năm 1909, Roosevelt đã giám sát việc khởi công xây dựng Kênh đào Panama và cử “Hạm đội Great White” nổi tiếng đi vòng quanh thế giới để chứng minh sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
TD - MD
{name} - {time}
-
2025-01-06 08:20:00
“Cai” khí đốt Nga sẽ thay đổi châu Âu như thế nào?
-
2025-01-03 10:34:00
Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có phải là “món quà” đối với Nga?
-
2024-12-31 16:41:00
Tại sao Nga bác bỏ kế hoạch hòa bình Ukraine của Donald Trump?
Những thách thức đối ngoại của chính quyền Donald Trump 2.0 trong năm 2025
10 cuộc xung đột mà Donald Trump phải đối mặt vào năm 2025
Tổng quan kinh tế châu Âu năm 2024 và dự báo năm 2025
Triển vọng hòa bình Nga - Ukraine dưới những góc nhìn
Trung Đông sẽ tiếp tục bất ổn trong năm 2025?
Quân đội Ukraine mất tinh thần vì nguy cơ thất bại ngày càng tăng ở Kursk
Sức mạnh từ nỗi sợ hãi
So sánh kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và Hoa Kỳ