(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10-11 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10-11 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Tham gia góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ĐBQH Cầm Thị Mẫn bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa làm rõ nét theo nội dung tại Nghị quyết số 11 ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chỉ thị số 30-CT/TW/2019, Chỉ thị số 03-CT/TW/2021 của Ban Bí thư về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Vấn đề chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng hiện được nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, như: Bộ Luật Dân sự; Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa; Luật thương mại… Trong đó, các đạo luật đã quy định và đặt ra yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kinh doanh về vấn đề bảo đảm chất lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng; quy định xử lý đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn. Do đó, việc xây dựng dự án Luật cần đặt trong tổng thể, mối quan hệ chặt chẽ với các đạo luật có liên quan.

Về trách nhiệm của tổ chức, các nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cần quy định cụ thể hơn, ngoài các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật thì cần bổ sung vào Điều 36 về quyền của người tiêu dùng, các chủ thể có liên quan trong việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề phức tạp, cần phải được luật quy định cụ thể mới có thể triển khai hiệu quả trên thực tế. Do đó, đề nghị cần bổ sung giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đồng thời xem xét bổ sung quy định về thời gian cụ thể đối với việc công bố, công khai thông tin của sản phẩm hàng hóa khuyết tật bị thu hồi tính từ thời điểm phát hiện hàng hóa khuyết tật và thực hiện thu hồi sản phẩm. Cũng như bổ sung quy định đăng tải trên website chính thức của doanh nghiệp và website chính thức của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Tại Khoản 2 Điều 70 quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật tố tụng về dân sự khi có đủ các điều kiện đã được liệt kê tại các điểm từ điểm a đến điểm c khoản 2 Điều 70, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng quy định “Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” (điểm c) là mới tính yếu tố kinh tế, chưa tính đến tính chất vụ việc, có những vụ gây ngộ độc thực phẩm, hậu quả gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ điều kiện thì cần áp dụng thủ tục rút gọn để vụ việc được giải quyết kịp thời.

Đối với việc thông báo thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện tại Điều 72, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị xem lại quy định của khoản 1 Điều 72, bởi lẽ, với yêu cầu “không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh” là không phù hợp. Rõ ràng, khi thông tin về vụ án dân sự trong đó cá nhân, tổ chức kinh doanh là bị đơn được công bố thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng này.

Trên thực tế cũng cho thấy, có những vụ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là bị đơn nhưng sau khi Toà án ra quyết định thắng kiện vẫn bị thiệt hại không nhỏ cả về danh tiếng và lợi ích kinh doanh. Tuy nhiên, để các cá nhân, tổ chức kinh doanh xác định và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại này là hết sức khó khăn. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cần có quy định về quyền cần bồi thường, cũng như trách nhiệm bồi thường của tổ chức xã hội trong trường hợp lợi dụng việc khởi kiện để cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp

Đối với trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan tại Điều 76, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của một số Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Thực tế những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước gắn với trách nhiệm của các bộ nêu trên cũng là những lĩnh vực mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường.

Về quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng “người nghèo” vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương để thống nhất với cách thức quy định về đối tượng dễ bị tổn thương của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Quốc Hương (tổng hợp)


Quốc Hương (tổng hợp)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]