Đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ
Tiêm chủng đúng và đủ liều giúp nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống bệnh dịch cho trẻ em. Nhận thức được vai trò của tiêm chủng, ngành y tế Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp để công tác tiêm chủng cho trẻ được bảo đảm, hiệu quả, an toàn.
Nhân viên y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho trẻ uống vắc-xin phòng bệnh.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh đang triển khai hai hình thức tiêm chủng cho trẻ em. Đó là, tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Hàng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng tại Thanh Hóa luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, nhất là tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi. 7 tháng năm 2024, số trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng vắc-xin cơ bản là 54.077 trẻ (tăng 207 trẻ so với cùng kỳ năm 2023). Cụ thể, trẻ sơ sinh tiêm viêm gan B là 22.367 trẻ, trong đó tiêm trước 24 giờ sau sinh là 20.476 trẻ; trẻ tiêm vắc-xin sởi là 27.544 trẻ; vắc-xin DPT-VGB-Hib phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib là 28.034 trẻ tiêm mũi 1, 28.549 trẻ tiêm mũi 2 và 27.123 trẻ tiêm mũi 3... Trẻ trên 1 tuổi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 1 và 2 là 55.245 trẻ; mũi 3 là 56.415 trẻ. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt chỉ tiêu và tiến độ đề ra.
Ngoài những vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều người dân đã lựa chọn tiêm các loại vắc-xin dịch vụ như 5 trong 1; 6 trong 1, viêm gan siêu vi A, viêm não mô cầu A-C hoặc B-C, cúm mùa... Hiệu quả của hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, giảm đáng kể các trường hợp mắc/chết do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vắc-xin.
Có được kết quả trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế đã đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò và lợi ích của vắc-xin và việc tiêm chủng đúng lịch, đủ liều cho trẻ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các chiến dịch truyền thông về tiêm chủng và chiến dịch tiêm chủng cho trẻ. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân về việc tiêm phòng ngày càng nâng cao.
Chị Lò Kim Thúy ở huyện Thường Xuân cho biết: "Tôi đã thực hiện tiêm vắc-xin trước khi chuẩn bị mang thai, khi mang thai và khi bé sinh ra với mong muốn phòng bệnh tốt nhất cho bé. Tôi được các y, bác sĩ tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh nên tất cả các mốc tiêm vắc-xin của con tôi đều thực hiện đúng lịch và đủ liều”.
Chị Nguyễn Thanh Hằng ở TP Thanh Hóa đang nuôi con nhỏ 13 tháng tuổi cho biết: “Ngay sau khi sinh, tôi đã cho con tiêm vắc-xin viêm gan B và lao. Tiếp đó, cứ đến lịch tiêm chủng của con là tôi đều thực hiện theo đúng hẹn của nhân viên y tế. Ngoài ra, tôi đã lựa chọn một số loại vắc-xin chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ để tiêm cho con với mong muốn phòng bệnh tốt cho con để con khỏe mạnh, phát triển toàn diện”.
Cùng với nâng cao nhận thức của người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, thực hiện quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trên địa bàn tỉnh; cung ứng vắc-xin, kim tiêm, hộp an toàn, trang thiết bị vật tư, dây chuyền lạnh cho tuyến huyện; chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hỗ trợ hoạt động tiêm chủng.
Khi xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đấu mối, nắm bắt thông tin về tình hình cung ứng vắc-xin từ tuyến Trung ương để kịp thời chỉ đạo cho các địa phương. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi có vắc-xin. Nhờ đó, tình trạng thiếu vắc-xin không kéo dài, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Cùng với đó, nhân viên y tế tại các trung tâm y tế, trạm y tế thường xuyên tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người dân. Đặc biệt, đã bám sát cơ sở, quản lý số lượng phụ nữ trong độ tuổi mang thai, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ để đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn trực tiếp; thường xuyên hẹn lịch tiêm tiếp theo, thông báo trực tiếp lịch tiêm cho các gia đình và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ sau khi tiêm.
Tiêm vắc-xin là một trong những cách tốt nhất để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của trẻ và bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, ngành y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của tiêm phòng; tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, thực hiện quản lý đối tượng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tiêm chủng.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2025-01-14 15:00:00
Những cách để phòng ngừa bệnh do virus gây viêm phổi trên người
-
2025-01-14 08:08:00
Đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 4 mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
-
2024-08-30 07:15:00
Tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập
Bí quyết bảo vệ gan kỳ nghỉ lễ 2/9
Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm công tác khám, chữa bệnh dịp nghỉ lễ 2/9
Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định xây dựng môi trường y tế xanh - sạch - đẹp
Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi: Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh
Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn trong việc duy trì chương trình PrEP
WHO thông tin thêm về cách lây lan của bệnh đậu mùa khỉ
Hành trình tìm lại giấc ngủ ngon của bệnh nhân u xơ thanh quản
TP Sầm Sơn tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở hành nghề y, dược tư nhân
Bộ Y tế gia hạn đăng ký 730 thuốc, công bố 35 thuốc tương đương sinh học